Miền Trung Vươn ra biển lớn

18/06/2023 08:24 GMT+7

Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ (gồm 14 tỉnh, thành ven biển từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) với chiều dài bờ biển 1.900 km (tương đương 60% chiều dài bờ biển cả nước) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Theo đánh giá của Bộ Chính trị, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển, chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả, các khu kinh tế ven biển, cảng biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế…

Làm sao để vùng đất thường được ví như "chiếc đòn gánh" này phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế là vấn đề luôn được lãnh đạo Trung ương, các bộ, ngành và địa phương trong vùng trăn trở.

Ngày 3.11.2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về "Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Nghị quyết đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030 trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu…

Miền Trung Vươn ra biển lớn - Ảnh 1.

Đà Nẵng với những bãi biển dài, đẹp nên du lịch biển là một thế mạnh của thành phố này

Nguyễn Trình

TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT VÙNG

Nghị quyết số 26-NQ/TW xác định hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của vùng và liên kết phát triển vùng; coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng. Đồng thời, nghiên cứu tổ chức không gian phát triển vùng theo các tiểu vùng: Tiểu vùng Bắc Trung bộ, tiểu vùng Trung Trung bộ và tiểu vùng Nam Trung bộ, tăng cường kết nối hữu cơ giữa các tiểu vùng này với vùng Tây nguyên, đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ...

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo quy hoạch xây dựng hình thành trục kinh tế ven biển thống nhất, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các khu kinh tế làm nòng cốt thúc đẩy hỗ trợ sự phát triển kinh tế biển. Đồng thời, chỉ đạo rà soát tổng thể, điều chỉnh sự phát triển các phân khu vực chức năng trong các khu kinh tế bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng cạnh tranh với nhau giữa các khu kinh tế.

Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định

Bộ Chính trị cũng yêu cầu rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư để nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển các quy hoạch liên tỉnh, như: nam Thanh Hóa - bắc Nghệ An, nam Nghệ An - bắc Hà Tĩnh, nam Hà Tĩnh - bắc Quảng Bình, nam Phú Yên - bắc Khánh Hòa. Đồng thời, nghiên cứu quy hoạch phát triển các khu vực liên tỉnh, như bắc Quảng Nam - nam Đà Nẵng, bắc Phú Yên - nam Bình Định. Tiếp tục đầu tư, phát triển các hành lang kinh tế như: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; La Lay - Mỹ Thủy; Cầu Treo - Vũng Áng; Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; Vân Phong - Buôn Ma Thuột; Phú Yên - Đắk Lắk.

Miền Trung Vươn ra biển lớn - Ảnh 3.

Cảng Quy Nhơn (Bình Định), cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây nguyên

Nguyễn Dũng

Hiện nhiều tỉnh, thành tại miền Trung đã ký kết hợp tác, liên kết với các tỉnh lân cận để quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế. Trong đó, Tỉnh ủy 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển giai đoạn 2022 - 2025. Lãnh đạo các tỉnh này xác định việc hợp tác liên kết với các địa phương lân cận là nhiệm vụ xuyên suốt để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là thúc đẩy liên kết phát triển vùng nam Nghệ An - bắc Hà Tĩnh và vùng nam Thanh Hóa - bắc Nghệ An theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo UBND tỉnh Nghệ An, quy hoạch phía bắc tỉnh này sẽ gắn với khu vực nam Thanh Hóa. Trong đó, từng bước phát triển, đô thị hóa mở rộng TX.Hoàng Mai ra một số vùng của H.Quỳnh Lưu (Nghệ An) gắn với phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) và cảng biển Đông Hồi (Nghệ An). Tỉnh Nghệ An cũng phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Nghi Sơn.

Về phía nam Nghệ An sẽ gắn với bắc Hà Tĩnh, phát triển không gian và liên kết vùng 2 bên sông Lam, gồm vùng TP.Vinh (Nghệ An) mở rộng và khu vực Nghi Xuân (Hà Tĩnh) để có các định hướng phát triển thống nhất, hỗ trợ chia sẻ chức năng, phát huy lợi thế tiềm năng của từng khu vực.

Ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế, cho biết tỉnh này đang định hướng phát triển Cảng Chân Mây cùng với Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài để hình thành trung tâm logistics của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và đầu ra tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; liên kết đô thị Chân Mây và đô thị Đà Nẵng nhằm khai thác và phát huy lợi thế, trở thành động lực phát triển của Vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung...

Lãnh đạo TP.Đà Nẵng cũng định hướng phát triển Khu công nghệ cao Đà Nẵng đến năm 2030 đồng bộ với các Khu công nghệ cao Hòa Lạc và TP.HCM, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây nguyên. Tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng để phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai gắn kết với Khu kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ gắn với Cảng hàng không Chu Lai. Lãnh đạo các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận… cũng đề ra chủ trương tăng cường liên kết vùng, nhất là liên kết với các tỉnh lân cận và các tỉnh Tây nguyên bằng việc xây dựng hệ thống đường cao tốc theo hướng Đông - Tây để kết nối tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các cảng biển, sân bay… nhằm hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh.

Miền Trung Vươn ra biển lớn - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của các tỉnh miền Trung trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW tại Bình Định tháng 2.2023

Hoàng Trọng

ĐIỀU PHỐI, QUẢN LÝ THỐNG NHẤT

Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, để đưa toàn vùng phát triển, Chính phủ cần sớm hoàn thành Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, đồng thời có cơ chế, chính sách đồng bộ thống nhất cho cả vùng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển; thúc đẩy liên kết trong nội vùng, tiểu vùng, và trong quy hoạch vùng nên hình thành các tiểu vùng theo hướng đa chức năng. Hiện các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ còn quỹ đất ven biển rất lớn, lợi thế nhiều. Vì vậy, cần tạo sự đột phá trong phát triển nhanh hơn về hạ tầng giao thông đường biển, đường cao tốc Bắc - Nam, các tuyến kết nối phía đông với phía tây, phát triển hạ tầng sân bay, cảng biển… nhằm phát huy lợi thế là cửa ngõ hướng ra biển của các tỉnh trong vùng, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

"Khi tuyến đường động lực ven biển hình thành kết nối liên vùng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo quy hoạch xây dựng hình thành trục kinh tế ven biển thống nhất, trong đó ưu tiên tập trung phát triển các khu kinh tế làm nòng cốt thúc đẩy hỗ trợ sự phát triển kinh tế biển. Đồng thời, chỉ đạo rà soát tổng thể, điều chỉnh sự phát triển các phân khu vực chức năng trong các khu kinh tế bảo đảm sự hỗ trợ lẫn nhau, tránh tình trạng cạnh tranh với nhau giữa các khu kinh tế", ông Hồ Quốc Dũng nói.

Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW (tổ chức tại Bình Định vào ngày 5.2.2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững. Xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Hình thành các cụm liên kết ngành liên tỉnh, liên vùng gắn với các trung tâm kinh tế biển mạnh.

THÚC ĐẨY KINH TẾ BIỂN

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển… cũng là những giải pháp được Bộ Chính trị và Chính phủ đưa ra để xây dựng và phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Phát triển hệ thống đô thị vùng có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh, sinh thái, thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, kết nối trong nước và quốc tế, coi đây là một trong những khâu đột phá cho phát triển vùng.

Theo đó, Bộ Chính trị định hướng phát triển mạng lưới đô thị gắn với phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, các trung tâm thương mại, dịch vụ theo hướng đa trung tâm tạo mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Hình thành 3 tiểu vùng đô thị hóa tại Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ và Nam Trung bộ. Phát triển các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng như: xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế và tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng, phát triển huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở thành trung tâm du lịch biển - đảo.

Các ngành nghề về kinh tế biển được tập trung phát triển như: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo (năng lượng gió ven bờ và ngoài khơi), các ngành kinh tế biển mới. Tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng trở thành cảng biển đặc biệt, nhất là các cảng biển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, để phát triển kinh tế biển, miền Trung cần tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản, cơ cấu lại nghề, cơ cấu lại lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán và năng lực từng hộ gia đình. Khuyến khích phát triển nuôi hải sản trên biển, gắn với du lịch sinh thái biển thân thiện môi trường.

"Đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi định kiến du lịch đi đến đâu, thủy sản lùi tới đó. Giờ đã khác, du lịch và nuôi trồng thủy sản có thể hỗ trợ lẫn nhau, qua các hoạt động giáo dục ý thức về môi trường cho các du khách. Để đạt được mục tiêu này, các tàu dịch vụ nghề cá trên biển, các trạm dịch vụ hậu cần trên các đảo cần được nâng cao hiệu quả, các trung tâm nghề cá phải tiếp tục được đầu tư nâng cấp. Các cảng cá không còn chỉ tiếp nhận tàu cá mà phải được vận hành theo hướng đa chức năng, kết hợp du lịch, kiến tạo không gian cộng đồng cung cấp kiến thức về bảo tồn biển, đại dương…", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Còn Thứ trưởng Bộ TN-MT Trần Quý Kiên cho rằng tại vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ cần tập trung phát triển một nền kinh tế biển xanh, mở cửa hướng ra biển, hình thành các ngành kinh tế mũi nhọn như: du lịch biển, hàng hải, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học biển... Phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị tại vùng này theo mô hình kinh tế tuần hoàn để kết nối hệ sinh thái kinh tế năng lượng xanh - sản xuất xanh và hệ thống cảng biển để đi đầu trong chuyển đổi xanh, hội nhập xu thế của thời đại giúp các sản phẩm vượt qua các rào cản khắt khe về môi trường và tiêu chuẩn các-bon, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và thâm nhập thị trường các nước phát triển. 

Để triển khai Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành

Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29.12.2022 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện

nghị quyết này. Theo đó, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm:

Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu.

Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.