Sự kiện "Gặp gỡ mùa xuân" sẽ được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), theo cả 2 hình thức trực tiếp tại hội trường giảng đường 1 và trực tuyến (livestream) trên kênh Fanpage và YouTube của Quỹ VINIF.
Đây là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia, các bạn trẻ ở mọi miền Tổ quốc có thể cùng theo dõi, giao lưu với các nhà khoa học trong các bài giảng đại chúng và tọa đàm trong sự kiện.
Sự kiện còn nổi bật với chuyên mục tọa đàm "Phụ nữ và mùa xuân" với các khách mời đặc biệt: GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai và PGS Trương Văn Món (các diễn giả); PGS-TSKH Phan Thị Hà Dương; nghệ sĩ Giang Trang và PGS-TS Phan Thị Ngọc Loan.
Tại sự kiện, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ trình bày bài giảng đại chúng đầu tiên với chủ đề Dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên - cơ hội tại Việt Nam từ góc nhìn của một nhà khoa học nữ. GS Nguyễn Thị Thanh Mai tốt nghiệp ngành Hóa học tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), lấy bằng tiến sĩ ngành Dược học tại Trường ĐH Y dược Toyama (Nhật Bản), được bổ nhiệm chức danh giáo sư vào năm 2021.
Là một nhà khoa học nữ với kinh nghiệm hơn 20 năm với nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2019, Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017, Giải thưởng Kovalevskaia..., GS Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ trình bày một số nghiên cứu có tính hệ thống trong việc phát hiện các thành phần quyết định khả năng chữa trị của dược liệu, các ứng dụng trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.
Cạnh đó, bài giảng của bà còn phân tích những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực nghiên cứu về hóa dược nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các nhà khoa học nữ, hướng tới một tương lai sức khỏe tốt đẹp hơn cho mọi người, góp phần phát triển ngành công nghiệp dược bền vững tại Việt Nam.
Trong bài giảng đại chúng số 2, PGS-TS Trương Văn Món sẽ mang đến một luồng gió mới về văn hóa, lịch sử, khi nói về chủ đề Giới trong kỷ nguyên số: Nghiên cứu trường hợp phụ nữ người Chăm ở Việt Nam trong xã hội mẫu hệ hiện nay.
PGS Trương Văn Món là người dân tộc Chăm, ông tốt nghiệp ngành sử học, chuyên ngành Dân tộc học tại ĐH Đà Lạt năm 1991, học thạc sĩ tại Malaysia, tu nghiệp tại Mỹ và tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học vào năm 2012.
Từ năm 2009, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Nhân học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ông từng giành nhiều giải thưởng quan trọng, như huy chương "Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam" năm 2003, giải thưởng nghiên cứu về cuốn sách Lễ hội của người Chăm năm 2003...
PGS Trương Văn Món cũng tham gia và thực hiện nhiều dự án lớn liên quan đến văn hóa, lịch sử dân tộc Chăm, đặc biệt là các dự án trình UNESCO công nhận về "Khu dự trữ sinh quyển thế giới" tại vùng Núi Chúa (Ninh Thuận) và "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm".
PGS-TSKH Phan Thị Hà Dương bảo vệ luận án tiến sĩ tại ĐH Paris 7 (Pháp) năm 1999, và đạt vị trí Maitre de Conférences tại ĐH Paris 7 ở tuổi 26. Năm 2017, bà Phan Thị Hà Dương bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ĐH Paris 7. PGS Phan Thị Hà Dương đã có nhiều hợp tác về nghiên cứu và đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, đóng góp cho sự phát triển toán rời rạc và tin học. Bà đồng thời là Giám đốc điều hành Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigdata).
Nghệ sĩ Giang Trang bên cạnh việc tham gia tọa đàm, sẽ cùng với ban nhạc biểu diễn những tiết mục âm nhạc đặc biệt để chào xuân và chúc mừng ngày đặc biệt 8.3. Giang Trang được biết đến như một nghệ sĩ văn hóa độc lập với chặng đường 7 năm thực hiện thành công dự án thử nghiệm âm nhạc - nghiên cứu văn hóa cá thể Trịnh Công Sơn với 6 concept cùng các nghệ sĩ tài năng.
Năm 2019, data Lênh đênh nhớ phố được hãng Sterling Sound (hãng đĩa Mỹ với 137 đề cử và chiến thắng 35 lần ở hạng mục thu âm và master của giải Grammy) thực hiện thành định dạng đĩa than và băng cối 2 track - đây cũng là đĩa than về âm nhạc Trịnh Công Sơn đầu tiên kể từ sau 1975 xuất hiện tại Việt Nam.
PGS-TS Phan Thị Ngọc Loan lấy bằng tiến sĩ vật lý năm 2012 tại Trường ĐH Quốc gia Tula, Liên bang Nga, và được công nhận chức danh phó giáo sư năm 2020. PGS Phan Thị Ngọc Loan đã tham gia và làm chủ nhiệm nhiều dự án, đề tài các cấp, là đồng chủ nhiệm 1 dự án khoa học công nghệ được Quỹ VINIF tài trợ vào năm 2021.
Đến với sự kiện "Gặp gỡ mùa xuân" đầu tiên của Quỹ VINIF, khán giả sẽ có cơ hội được nghe, trao đổi và giao lưu cùng các diễn giả, các nhà khoa học, chuyên gia trong đa dạng lĩnh vực, là một khởi đầu đầy hứng khởi cho năm mới 2024.
Các thông tin về sự kiện, quý khán giả có thể liên hệ, trải nghiệm hệ cơ sở dữ liệu của Quỹ VINIF tại những địa chỉ sau: website: https://vinif.org/, kênh YouTube: https://bit.ly/48A9S9Z, Fanpage: https://bit.ly/3TiPK84, cộng đồng VINIF Alumni: https://bit.ly/3V0gzPr, chuyên mục Khoa học thường thức: https://bit.ly/42YWvim
Năm 2024, Quỹ VINIF tiếp tục đồng hành cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và các bạn trẻ qua 7 chương trình tài trợ toàn diện cho khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và văn hóa, lịch sử, với tổng kinh phí lên tới 160 tỉ đồng.
Các chương trình tài trợ này đang lan tỏa toàn xã hội và thể hiện vai trò ngọn cờ đầu của Tập đoàn Vingroup trong đầu tư cho nền khoa học công nghệ trong nước.
Song song với các chương trình đó, bắt đầu từ năm 2024, Quỹ VINIF sẽ tổ chức các chuỗi sự kiện "Gặp gỡ bốn mùa" theo nhiều chủ đề về khoa học - công nghệ, văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội... tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm giúp các nhà khoa học, chuyên gia và các bạn trẻ trên khắp cả nước có cơ hội giao lưu, trao đổi học thuật, gặp gỡ các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế.
Qua các sự kiện này, câu lạc bộ VINIF Alumni - Cộng đồng 1.500 nhà khoa học trẻ nhận tài trợ từ Quỹ VINIF, cũng sẽ có cơ hội hợp tác, mở rộng mạng lưới nghiên cứu trong và ngoài nước, cập nhật, bổ sung tri thức và những tiến bộ mới trên thế giới trong thời đại số.
Bình luận