Thịt thối, lợn siêu nạc, rau nhiễm hóa chất đến xăng dầu “bẩn”... là những vấn đề mà người tiêu dùng (NTD) đang phải đối mặt, bất chấp nỗ lực về mặt chính sách của các cơ quan chức năng.
Sở dĩ nói các nỗ lực mới dừng ở mặt chính sách là bởi vì, về mặt luật pháp hiện nay, NTD Việt Nam không những là đối tượng được bảo vệ trong luật Cạnh tranh, nhiều luật chuyên ngành khác mà còn có luật Bảo vệ người tiêu dùng, có hiệu lực từ ngày 1.7.2011. Song, trên thực tế, NTD vẫn chưa được bảo vệ ở một mức độ cần thiết phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Luật Cạnh tranh của ta chỉ thừa nhận chủ thể hoạt động trên thị trường là những cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh doanh. NTD chỉ được đề cập đến như một chỉ dẫn về đối tượng chịu thiệt hại, chứ không phải là đối tượng bảo vệ của luật. Nội dung của nó cũng còn rất nhiều bất cập, không rõ ràng và thiếu sót khiến việc vận dụng luật để bảo vệ NTD không được như mong đợi.
Luật Bảo vệ NTD với 8 quyền cơ bản như trong công ước Liên Hiệp Quốc (quyền an toàn, quyền được thông báo, quyền lựa chọn, quyền được lắng nghe, quyền được thỏa mãn nhu cầu tối thiểu, quyền được bồi thường, quyền được giáo dục về tiêu dùng và quyền được sống trong một môi trường lành mạnh), nhưng để NTD hiểu và thực thi quyền của mình không dễ.
Tình trạng vi phạm quyền NTD vẫn diễn ra phổ biến trong quá trình mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Nguyên nhân thì nhiều nhưng có thể nhìn thấy rất rõ, hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm của các cơ quan nhà nước chưa thực sự có hiệu quả.
Một lãnh đạo cấp bộ khi được hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc để thực phẩm không an toàn phổ biến trên thị trường từng nói rằng “hãy là NTD thông thái”. Điều này cho thấy sự bất lực của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ NTD. Như vậy có nghĩa là đẩy hoàn toàn trách nhiệm sang cho NTD. Không thể nói người dân ăn phải rau có thuốc trừ sâu, bị ngộ độc là do… không thông thái. Chỉ có cơ quan quản lý nhà nước với phương tiện được trang bị mới có thể phát hiện tồn dư hóa chất trong thực phẩm (nếu có) và có đủ công cụ để xử lý đối với những cơ sở vi phạm. Nhưng việc này dường như chưa được ý thức đầy đủ.
Một quy định luật khác, tưởng chừng rất rõ ràng, đó là NTD được bồi thường nếu “ông điện lực” cắt điện không báo trước. Nhưng cơ chế nào để NTD khởi kiện đòi bồi thường, cơ quan nào thụ lý thì lại không rõ. Thành ra, các quy định được thiết kế để bảo vệ NTD cũng bất lực trước quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại.
Các hành vi gian lận trong cung ứng sản phẩm dịch vụ, hàng hóa ngày càng tinh vi hơn, NTD Việt Nam lại chưa có thói quen sử dụng quyền cao nhất của mình là quyền tẩy chay sản phẩm, dịch vụ có hành vi gian dối, tác hại tới người tiêu dùng. Trong khi đó, luật pháp còn thiếu cơ sở pháp lý để Nhà nước - với tư cách đại diện quyền lợi của xã hội - phải có trách nhiệm khởi kiện doanh nghiệp thực hiện hành vi gian lận để thực thi trách nhiệm bảo vệ NTD. Chính vì vậy, những vụ như sữa nhiễm melamine, xăng dầu bẩn vẫn có thể tái diễn và NTD vẫn không biết trông cậy vào đâu.
An Nguyên
Bình luận (0)