Ngày 6.1, cả thế giới choáng váng về việc những người ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành chiếm đóng tòa nhà Quốc hội nước này. Ngay sau sự kiện chấn động này, một số mạng xã hội như Twitter, Facebook đã khóa tài khoản của đương kim chủ nhân Nhà Trắng.
Đừng trông chờ các “big tech” tự điều chỉnhCác “big tech” cần được giám sát về quyền dân chủ. Chúng ta không thể trông chờ các “big tech” tự điều chỉnh. Ví dụ như các chính phủ phải yêu cầu các “big tech” minh bạch hơn về thuật toán, nền tảng hoạt động để chính phủ và người dùng nắm rõ hơn cách thức hoạt động của các “big tech” nhằm có cơ sở quy trách nhiệm khi cần thiết.
Ví dụ Liên minh Châu Âu (EU) vừa đề xuất đạo luật Thị trường kỹ thuật số hứa hẹn kiểm soát tốt hơn về trách nhiệm của các “big tech”. Trong quá trình kiểm soát các “big tech”, các chính phủ cần đạt được sự cân bằng để đảm bảo ngăn chặn các nội dung tiêu cực như kích động khủng bố, nội dung thù địch và thông tin sai lệch, nhưng đồng thời không cản trở tự do ngôn luận chính đáng.
GS Anu Bradford
|
Bỏ qua lý do chính trị, diễn biến trên như một hồi chuông khiến nhiều người giật mình bởi các “big tech” đang thể hiện quyền lực khủng khiếp, đủ sức lấn át cả chủ nhân Nhà Trắng đương nhiệm, dù tổng thống Mỹ vẫn luôn được mệnh danh là người quyền lực nhất thế giới trong suốt nhiều thập kỷ.
|
|
Chi phối toàn diện
Trả lời Thanh Niên, GS Anu Bradford, chuyên về luật và tổ chức quốc tế (Trường Luật, Đại học Columbia, Mỹ) và có nhiều nghiên cứu đến sự tác động của “big tech” đối với xã hội, nhận định: “Các “big tech” đã trở nên cực kỳ mạnh mẽ cả về kinh tế lẫn chính trị. Họ tạo ra tác động to lớn đến cuộc sống thường nhật của mọi người, khi chúng ta đang ngày càng phụ thuộc nhiều vào công nghệ để làm việc và kết nối với mọi người xung quanh”.
Cần có nhiều quy địnhXung quanh ảnh hưởng của các “big tech” đối với cuộc sống con người ngày nay, Thanh Niên vừa có cuộc phỏng vấn TS Dipayan Ghosh (ảnh) là chuyên gia phụ trách dự án về dân chủ và nền tảng kỹ thuật số của Trường Harvard Kennedy (Đại học Harvard, Mỹ).
Ông nghĩ thế nào về tác động của các “big tech” đối với cuộc sống nhân loại hiện tại?
Các nền tảng công nghệ hàng đầu đang đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống ngày nay. Hằng ngày, chúng ta phải sử dụng các ứng dụng được cung cấp bởi các “big tech” như Facebook, Google… Không chỉ sử dụng ứng dụng của các “big tech” mà chúng ta còn đang bị các “big tech” gây ảnh hưởng về suy nghĩ.
Các chính phủ nên kiểm soát các “big tech” như thế nào?
Xã hội đang đòi hỏi cần có nhiều quy định hơn để kiểm soát ngành công nghệ. Hiện tại, các “big tech” đang thu thập một lượng lớn dữ liệu về người dùng, thiết lập hành vi về người dùng, rồi qua đó có thể thao túng trải nghiệm truyền thông của người dùng. Những điều đó đang được thực hiện bởi các công ty tư nhân, độc quyền. Trong tương lai, người dùng cần có quyền kiểm soát lớn hơn và quyền kiểm soát đó chỉ có thể được thực hiện thông qua quy định pháp lý của chính phủ.
Nhưng việc kiểm soát có dẫn đến việc kìm hãm tự do ngôn luận?
Tất nhiên, mọi phương thức kiểm soát nào liên quan đến phát ngôn cũng cần đảm bảo sự cân bằng và công bằng. Có những lúc mà các chính phủ và các “big tech” cần phải phối hợp để vừa bảo vệ sự phát triển chung của xã hội nhưng cũng cần duy trì dân chủ.
|
Ví dụ, nhiều năm qua, Amazon chưa triển khai hoạt động thương mại trực tuyến tại VN, nhưng dịch vụ lưu trữ dữ liệu AWS lại được nhiều đơn vị sử dụng thông qua giao dịch trực tuyến. Tương tự, Alphabet với hệ sinh thái “khổng lồ” gồm: các ứng dụng Google search, Google Mail, Google Map, Google Suite (hỗ trợ công việc văn phòng, lưu trữ…) hệ điều hành Chrome, trình duyệt Chrome, hệ điều hành Android, mạng xã hội video YouTube… đang tiếp cận người dùng trên khắp thế giới. Facebook cũng đang sở hữu các mạng xã hội Facebook và Instagram có lượng người dùng dẫn đầu thế giới, đồng thời cũng sở hữu cả dịch vụ nhắn tin và gọi điện trực tiếp WhatsApp.
Chính vì thế, giờ đây, gần như bất cứ ai đang sử dụng máy vi tính hay smartphone thì đều có sử dụng ứng dụng của ít nhất 1 trong 5 “big tech” trên.
Thao túng xã hội
Bà Bradford phân tích thêm: “Khi mọi người càng trở nên phụ thuộc vào các “big tech”, thì “big tech” càng tăng sức mạnh và tổn hại quyền riêng tư của người dùng nhiều hơn. Điều đó làm giảm sự chọn lựa của người tiêu dùng và hạn chế quyền tự chủ cá nhân”.
Thực tế, Facebook hay Google giờ đây đều có thể ứng dụng công nghệ để thu thập dữ liệu người dùng như: làm gì ở đâu, ăn gì, đi với ai, thích đọc các nội dung gì… Cũng chính từ những dữ liệu này, Facebook hay Google đã tự hào tạo ra các quảng cáo, thông tin đúng theo đối tượng khách hàng.
Nhiều nhà quan sát đang đặt vấn đề phải chăng các “big tech” đã kích hoạt ngầm micro, camera trên thiết bị di động và máy tính của người dùng để thu thập dữ liệu. Bằng chứng là từng có một tấm hình cho thấy tỉ phú Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, dùng giấy dán để che camera của máy tính trên bàn làm việc của ông.
Thực tế, nhiều câu hỏi được đặt ra về quyền riêng tư của người dùng khi các tập đoàn trong nhóm “big tech” đang thu thập dữ liệu người dùng. Qua đó, nhà cung cấp dịch vụ thực hiện nhiều thuật toán, mô hình xử lý để có được nhiều thông tin của người dùng. Từ các thông tin có được, các “big tech” thực tế hiện nay đã đủ khả năng thao túng, dẫn dắt dư luận vì có thể sàng lọc, chọn lựa thông tin theo chủ đích để truyền đến nhóm đối tượng có chủ đích.
Điển hình là những năm qua, đã có nhiều cuộc cách mạng làm thay đổi tình hình chính trị nhiều nước với những phương thức kích động đầu tiên được tiến hành qua các mạng xã hội. Thậm chí, đến nay, nhiều bằng chứng cũng đã cho thấy trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, việc lan truyền tin tức giả mạo trên mạng xã hội là một trong các yếu tố khiến bà Hillary Clinton, ứng viên đảng Dân chủ, đã bị mất nhiều phiếu bầu.
Covid-19: bệ phóng cho “big tech”
GS Bradford nhận định: “Đại dịch Covid-19 càng thúc đẩy sự phụ thuộc đó tăng lên, khi chúng ta phải học tập, làm việc và giao tiếp qua internet nhiều hơn”. Điều này hoàn toàn chính xác kể từ khi đại dịch bùng nổ trong năm 2020.
Trong giai đoạn Covid-19 hoành hành khắp thế giới, nhiều ngành kinh doanh gần như phải đóng cửa, thì các “big tech” lại ăn nên làm ra, thu lãi đậm. Điển hình như Amazon đã “hốt đậm” vì nhiều người Mỹ chọn lựa mua hàng trực tuyến. Giữa đại dịch, tập đoàn này đã tuyển dụng thêm 175.000 nhân viên, bao gồm cả số nhân viên thời vụ.
Theo chuyên trang MarketWatch, tính đến tháng 7.2020, tổng số nhân sự Amazon đã cán mức 1 triệu người. Lợi nhuận quý 2 đạt 5,2 tỉ USD, mức cao nhất kể từ khi tập đoàn này ra đời vào năm 1994. Trong khi đó, Apple thông báo tổng doanh thu quý 3/2020 đạt mức 59,7 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng đó là nhờ điện thoại di động iPhone, máy tính bảng iPad và laptop Macbook bán chạy hơn để đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc từ xa.
Cũng trong quý 2/2020, Facebook có doanh thu đạt mức 18,69 tỉ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý 2/2020, Facebook có khoảng 3,14 tỉ người đang sử dụng ít nhất một trong số các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin của “big tech” này gồm Facebook, WhatsApp, Instagram và Messenger. Đến nay, trừ Facebook, 4 “big tech” còn lại đều có giá trị vượt mức 1.000 tỉ USD. Trong đó, cá biệt Apple đạt giá trị hơn 2.000 tỉ USD, lớn hơn GDP nhiều nước phát triển.
Khi các “big tech” vươn vòi ngày càng sâu rộng, chính phủ nhiều nước đang đặt vấn đề về việc tăng cường kiểm soát những “ông lớn” này.
Mới đây nhất, Liên minh Châu Âu đã đề ra đạo luật Thị trường kỹ thuật số để siết chặt trách nhiệm của các công ty công nghệ có trên 45 triệu người dùng đối với cộng đồng và xã hội.
Bình luận (0)