Michael Trimble, Giáo sư thần kinh học người Anh, cho rằng nước mắt thật sự đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc (phần lớn là đau khổ), ngoài chức năng cơ sinh đơn giản mà ai cũng biết, tức giữ cho nhãn cầu được ẩm ướt.
Trong cuốn sách mới có nhan đề Tại sao con người lại thích khóc, Giáo sư Trimble nỗ lực giải mã bí ẩn đằng sau một thực tế hiển nhiên rằng con người là loài duy nhất trong thế giới động vật có thể ứa những giọt lệ đau buồn trong cơn thống khổ. Quyển sách cung cấp một loạt cách tranh luận khác nhau về vấn đề khóc do xúc cảm, nghiên cứu về khía cạnh sinh lý học cũng như quá trình tiến hóa của nó. Đầu tiên, về khía cạnh sinh học, nước mắt rất cần thiết để giữ tròng mắt luôn trong trạng thái ẩm ướt, và nó chứa các protein lẫn những hợp chất khác giúp mắt luôn khỏe và chống nhiễm trùng. Nếu đối với mọi loài khác, đến đây là chấm dứt chức năng của nước mắt, thì ở loài người, hành động khóc được nâng lên một đẳng cấp hoàn toàn mới. Chúng ta có thể rơi nước mắt vì quá sung sướng, hoặc giận dữ đến trào nước mắt và đủ dạng cảm xúc khác. Tuy nhiên, trong phần lớn trường hợp, con người khóc vì đau buồn.
|
Giáo sư Trimble cho hay chính vì bản chất giao tiếp đặc trưng của con người khi khóc đã thúc đẩy ông theo đuổi cuộc nghiên cứu về đề tài thú vị này. “Con người khóc vì nhiều lý do”, ông chia sẻ với tạp chí Scientific American, “nhưng rơi lệ vì các nguyên nhân liên quan đến cảm xúc, và khóc để phản ứng trước những kinh nghiệm về thẩm mỹ là dành riêng cho loài người chúng ta”. Nếu phần đầu tiên có liên quan đến mất mát, như mất người thân yêu, những dạng nghệ thuật có liên quan đến nước mắt chính là âm nhạc, văn chương, thơ phú. Có một số ít người nhỏ lệ khi thưởng lãm tranh ảnh, điêu khắc hoặc những kiến trúc tòa nhà. Còn những lần khóc òa vì vui sướng cũng xảy ra, nhưng chỉ trong giai đoạn ngắn ngủi chứ không như các dạng nước mắt khác, theo Giáo sư Trimble.
Ông hy vọng công trình nghiên cứu của mình sẽ giải phóng cho nhiều người, đặc biệt ở cánh đàn ông, khỏi gông cùm siết chặt lâu này, rằng đã sinh ra làm đàn ông thì không thể khóc được mà chỉ còn cách “nuốt nước mắt vào trong”. Ông cho rằng đây là phản ứng tự nhiên không chỉ xảy ra ở những trường hợp đau khổ, mà còn là hành động cảm thông với xúc cảm của người khác. Theo chuyên gia Anh, con người chúng ta không nên cảm thấy sợ hãi và bị đe dọa trước những cảm xúc của chính mình, đặc biệt những dạng liên quan đến lòng trắc ẩn. Đó là do khả năng của con người có thể đồng cảm, và cùng với những giọt nước mắt, chính là nền tảng của đạo đức và văn hóa là sở hữu riêng của con người.
Khi đánh giá hiện tượng khóc về khía cạnh của khoa học thần kinh, Giáo sư Trimble cho rằng khóc theo kiểu rất người này ắt hẳn đã xuất hiện vào một giai đoạn bước ngoặt trong quá trình tiến hóa làm người. Theo ông, sự xuất hiện của khả năng khóc theo cảm xúc có liên hệ với buổi ban đầu phát triển của sự tự giác, tức có ý thức về bản thân mình, cũng như sự phát triển lý thuyết về trí tuệ, khi mà người tiền sử lần đầu tiên nhận ra rằng những người kế bên mình cũng thuộc dạng có ý thức. Từ đó, họ bắt đầu nhìn nhận sự đau khổ ở bản thân và ở người khác. Việc cảm thông với đồng loại, cùng với sự phát triển những biểu cảm mặt phức tạp, đã giúp tách biệt con người trong thế giới động vật, biến chúng ta thành sinh vật ưu tú nhất hành tinh.
Phi Yến
>> Nước mắt ở “làng góa phụ”
>> Nước mắt rơi trong buổi tọa đàm về nghề giáo
>> Khi nào các quý ông rơi nước mắt?
>> Rơi nước mắt khi "Được là chính mình
>> Rơi nước mắt ở “phút 89”
>> Phiên tòa đẫm nước mắt
Bình luận (0)