|
Suốt mấy ngày qua, đã có nhiều chính khách và chuyên gia cực lực lên án, bày tỏ lo ngại vụ Trung Quốc (TQ) ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN, tấn công tàu Việt Nam và còn triển khai tàu quân sự, chiến đấu cơ để thị uy, đe dọa. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN diễn ra tại Myanmar ngày 11.5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nêu chi tiết về hành vi nguy hiểm của TQ:“Từ ngày 1.5.2014 TQ ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển VN và đã hạ đặt giàn khoan này tại vị trí nằm sâu trên 80 hải lý trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của VN theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Các tàu vũ trang hộ tống bảo vệ giàn khoan của TQ đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của VN, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương. Hành động cực kỳ nguy hiểm này đã và đang đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở biển Đông”.
Về hành vi không thể chấp nhận của TQ, xin giới thiệu với bạn đọc bài phân tích dựa trên cuộc phỏng vấn với hai chuyên gia hàng hải quốc tế thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương (Hawaii, Mỹ): Tiến sĩ Alexander Vuving và tiến sĩ Mohan Malik dành riêng cho Báo Thanh Niên. Tựa đề do Thanh Niên đặt.
Với sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế hiện có, TQ luôn tin rằng mình có quyền bất chấp luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế. Việc đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển VN là một thông điệp thể hiện tham vọng bá quyền trên biển Đông. Thông điệp này không chỉ gửi đến những nước liên quan trực tiếp như VN, Philippines mà còn cả Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác. Động thái này cũng cho thấy TQ rất tự tin là cả những nước nhỏ lẫn siêu cường như Mỹ đều sẽ không dùng đến vũ lực để chống lại chiến lược phục vụ tham vọng biến biển Đông thành ao nhà của mình.
Việc thị uy và đe dọa vũ lực luôn được TQ coi là một lợi thế, trên cả đàm phán và ngoại giao, để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Tuy nhiên, khi phải đương đầu với hành vi vi phạm chủ quyền trắng trợn thì các nước khác không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đáp trả thích hợp, theo đúng luật pháp quốc tế. Trong vụ giàn khoan Hải Dương-981 cũng vậy. Nếu VN không điều tàu cảnh sát biển ra ngăn chặn TQ đặt giàn khoan thì nước này sẽ chỉ càng thêm lấn lướt trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền trên biển Đông và củng cố cơ sở cho yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của mình. Ngoài ra, có thể khẳng định việc TQ cho tàu vũ trang, tàu quân sự và máy bay hộ tống đi vào vùng biển VN là đi ngược lại tinh thần luật pháp quốc tế và Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC).
Xung đột quân sự ít khả năng xảy ra vì không bên nào muốn bị quy kết là gây hấn trước. Tuy nhiên, viễn cảnh xấu nhất cho tình hình hiện nay là nguy cơ TQ sẽ dần dà và lặng lẽ chuyển đổi tình trạng hiện nay thành một “hiện trạng mới”. Theo đó, qua thời gian, nếu không gặp bất cứ sự phản đối quyết liệt nào, TQ sẽ cho rằng các bên liên quan đã vô tình đồng ý với cái họ gọi là “chủ quyền” trên biển Đông. Với hiện trạng mới này, chẳng những TQ mặc nhiên xem mình sở hữu phần lớn biển Đông, mà còn nghĩ rằng hầu hết thế giới cũng công nhận điều này. Đây là một viễn cảnh có ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng và khổng lồ đối với chính trị và an ninh trên thế giới.
Những kinh nghiệm lịch sử cho thấy TQ luôn đưa ra lời đề nghị đàm phán sau khi đã chiếm đóng phần lãnh thổ của nước khác, nhằm hợp pháp hóa sự chiếm đóng này và buộc bên kia nhân nhượng. Do vậy, trong trường hợp giàn khoan Hải Dương-981, bất kỳ cuộc đàm phán nào diễn ra trong bối cảnh giàn khoan chưa được đưa ra khỏi vùng biển VN đều sẽ gây phương hại đến vị thế và quyền lợi của VN về lâu dài. Nói cách khác, VN cần cương quyết không chấp nhận đàm phán nếu như giàn khoan Hải Dương-981 vẫn còn nằm trong vùng biển của mình.
Nhật ủng hộ ASEAN về biển Đông Ngày 12.5, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định Nhật ủng hộ lời kêu gọi của các lãnh đạo ASEAN rằng các bên tham gia tranh chấp ở biển Đông nên kiềm chế và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc dùng vũ lực, theo Kyodo News. Lời kêu gọi nằm trong tuyên bố Naypyitaw được đưa ra sau kết thúc Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN ở Myanmar trong bối cảnh TQ ngang nhiên xâm phạm chủ quyền VN. Ông Suga còn tuyên bố Nhật “quan ngại sâu sắc” về tình trạng căng thẳng dâng cao do “hoạt động khoan dầu đơn phương của TQ”. Trước đó, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho hay Úc đang theo dõi sát sao tình hình biển Đông. Những thông tin nói trên là bằng chứng rõ ràng nhất để bác bỏ tuyên bố ngược ngạo, vu cáo do phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Doanh đưa ra ngày 12.5 rằng VN “sẽ thất bại trong việc lôi kéo các nước khác về tranh chấp chủ quyền” ở biển Đông. Văn Khoa |
(An Điền tổng hợp)
>> Sở Ngoại vụ TP.HCM phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Trung Quốc điều tàu hộ vệ tên lửa đến khu vực hạ đặt giàn khoan trái phép
>> Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
>> Nhiều tiếng nói phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> Tuần hành tại TP.HCM phản đối Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
Bình luận (0)