Quyết định lịch sử đánh thức ‘mảnh đất rồng’

03/03/2020 14:00 GMT+7

Ngày 17.2, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Đây được xem là thời cơ để đánh thức “mảnh đất rồng vùng Đông Bắc” của Việt Nam sau bao năm ngủ yên.

Vân Đồn có vị trí đặc biệt quan trọng tại vịnh Bắc Bộ, lại liền kề Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - cửa ngõ của ASEAN và Trung Quốc. Vùng đất này cũng nằm rất gần các trung tâm kinh tế của Trung Quốc như Quảng Đông, Hồng Kông, Thâm Quyến…

Vùng đất xinh đẹp, giàu tiềm năng

Nằm bên kỳ quan vịnh Hạ Long, hàng trăm hòn đảo ở Vân Đồn phần lớn là đảo đất, có cư dân sinh sống. Mỗi hòn đảo mang vẻ đẹp hoang sơ độc đáo với các địa điểm nổi tiếng như: vườn quốc gia Bái Tử Long, đảo hòn Đũa, hòn Thiên Nga, đảo Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng…
Đáng chú ý, trên những hòn đảo còn có nhiều rừng nguyên sinh, với hệ sinh thái động thực vật phong phú. Cùng với đó là các bãi tắm đẹp chạy dài hàng cây số, bờ cát mịn uốn cong như vành trăng.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng thuộc loại hiện đại trong khu vực châu Á

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng thuộc loại hiện đại trong khu vực châu Á

Với những tiềm năng, cơ hội phát triển đặc biệt, từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quyết định thành lập Khu kinh tế Vân Đồn. Đáng chú ý, Thủ tướng còn cho phép Khu kinh tế Vân Đồn được áp dụng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để đưa huyện đảo xinh đẹp này trở thành trung tâm du lịch sinh thái biển - đảo chất lượng cao, trung tâm hàng không quốc tế, trung tâm dịch vụ cao cấp và là đầu mối giao thương quốc tế.
Đến tháng 8.2009, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Hai quyết định trên của Thủ tướng là động lực để Vân Đồn có những bước chạy đà thu hút nguồn lực đầu tư và mở cửa ra với thế giới.
Tính từ năm 2012 đến hết năm 2019, Quảng Ninh đã huy động, thu hút được gần 57.600 tỉ đồng (tương đương 2,62 tỉ USD) để cải thiện kết cấu hạ tầng và đầu tư các công trình động lực phục vụ phát triển Vân Đồn. Trong đó, đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước là 17.300 tỉ đồng, chiếm 30% tổng vốn đầu tư; đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư) là 40.300 tỉ đồng, chiếm 70%.
Trong số các dự án hạ tầng động lực, đặc biệt phải kể đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Công trình giúp đã huyện đảo vùng Đông Bắc kết nối với thế giới do có hệ thống sân bay, nhà ga hàng không hiện đại bậc nhất thế giới hiện nay.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh còn dành nguồn lực 3.600 tỉ đồng để đầu tư nâng cấp nhiều công trình thiết yếu phục vụ khu kinh tế Vân Đồn như: hoàn thành hệ thống cấp điện ra các xã đảo; triển khai đầu tư nguồn cung cấp nước và hệ thống xử lý nước sạch; đầu tư các công trình viễn thông, thông tin liên lạc…
Khu đô thị Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Khu đô thị Cái Rồng (huyện Vân Đồn) đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Mời “đại bàng” về xây tổ

Có thể nói quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, hôm 17.2 được xem như quyết định mang tính lịch sử đối với Vân Đồn, mời gọi “đại bàng” về “xây tổ”, đón các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đến nghiên cứu quy hoạch dự án với hàng loạt cơ chế đặc thù riêng có.
Ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, quyết định điều chỉnh quy hoạch chung tại Khu kinh tế Vân Đồn là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, đánh dấu sự phát triển mới không chỉ của huyện Vân Đồn, mà còn là nguồn lực phát triển mới của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới.
Đúng như lời Thứ trưởng Văn nói, quy hoạch điều chỉnh vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã nâng tầm Vân Đồn so với quy hoạch hồi năm 2009. Đó là, đã cập nhật các dự án động lực gồm: sân bay, đường cao tốc; quy mô dân số tăng lên, với giai đoạn 2030 là 140.000 - 200.000 người, giai đoạn 2040 là 300.000 - 500.000 người.
Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo

Vịnh Bái Tử Long xinh đẹp có nhiều tiềm năng về du lịch biển đảo

Cấu trúc phát triển không gian khu kinh tế Vân Đồn chia theo 2 vùng, gồm đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển, gồm: vành đai nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp; vành đai du lịch sinh thái gắn với bảo vệ di sản thiên nhiên; vành đai đô thị dịch vụ, văn hóa và vui chơi giải trí (khu vực phía Đông đảo Cái Bầu); vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (khu vực phía Tây đảo Cái Bầu); vành đai dự trữ phát triển mở rộng phía Tây (thuộc địa giới TP.Cẩm Phả và H.Tiên Yên).
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, quyết định điều chỉnh Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040 là thời cơ để Vân Đồn mở ra trang sử mới; đồng thời là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, đô thị, không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững.
“Trước đây, các nhà đầu tư chiến lược đến tìm hiểu Vân Đồn chưa thể “xuống tay” do chưa có Quy hoạch chung về xây dựng được duyệt. Nay thời cơ đã đến rồi, chính quyền và nhà đầu tư phải chớp lấy cơ hội này. Trước mắt, Quảng Ninh sẽ tổ chức rà soát các quy hoạch, phê duyệt các chương trình, kế hoạch thực hiện để bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quy hoạch chung của Thủ tướng rồi công bố công khai”, ông Thắng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.