Quyết định mở rộng Hà Nội sẽ còn được các thế hệ sau nhìn lại

Vũ Hân
Vũ Hân
01/08/2018 14:09 GMT+7

"Dường như có sự lặp lại của quy luật tự nhiên. Năm 2008, ngay sau khi hợp nhất mấy tháng, Hà Nội đã gánh một trận ngập lụt lớn nhất từ xưa đến nay. Sau đúng 10 năm, lại có một trận ngập, cũng nghiêm trọng...".

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, người đã tham gia quá trình chuyển đổi này ở cả 2 “vai” - T.Ư và Hà Nội, cũng là người trực tiếp điều hành Hà Nội sau mở rộng, chia sẻ với Thanh Niên những chi tiết rõ hơn về quyết định lịch sử - mở rộng địa giới hành chính Hà Nội lên 3,6 lần, nhân dịp đúng ngày này 10 năm trước, ngày 1.8.2008, Nghị quyết của Quốc hội chính thức có hiệu lực.
Thời điểm kỷ niệm 10 năm mở rộng địa giới hành chính cũng là lúc Hà Nội bận rộn với các vấn đề ngập lụt cả ở khu vực "cũ" và "mới". Các khu đô thị mới qua trận ngập vừa rồi khiến nhiều người đánh giá đây là một thất bại trong quy hoạch của Hà Nội mở rộng. Ông nghĩ sao trước nhìn nhận đó?
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tôi cũng chưa biết nên giải thích điều này thế nào, nhưng dường như có sự lặp lại của quy luật tự nhiên. Năm 2008, ngay sau khi hợp nhất mấy tháng, Hà Nội đã gánh một trận ngập lụt lớn nhất từ xưa đến nay. Sau đúng 10 năm lại có một trận ngập, tuy nhỏ hơn, nhưng cũng nghiêm trọng.
Tôi cho rằng, có cả yếu tố tầm nhìn và nguồn lực. Nếu có nguồn lực tốt hơn để có những công trình thủy lợi hiện đại, trạm bơm công suất lớn, xẻ kênh, đào mương, đắp đê... thì sẽ phòng chống ngập tốt hơn nữa.
Còn yếu tố thứ hai là chúng ta không thể nào chế ngự được thiên nhiên theo ý muốn chủ quan của mình. Cái đó không phải vì mở rộng hay không mở rộng. Thậm chí, nếu không mở rộng, với nguồn lực của tỉnh Hà Tây (cũ), nếu giải quyết vấn đề này chắc còn khó khăn hơn rất nhiều.
Nhưng Hà Nội mở rộng với mong muốn có đủ không gian để quy hoạch một cách bài bản hơn, việc các khu đô thị mới mở ngập lụt phải chăng do cách làm vẫn sai, vì hạ tầng thiết yếu vẫn đi sau?
Đi sau hoàn toàn thì không đi sau, nhưng đúng là nó chưa đồng bộ hoặc là quy mô xử lý hạ tầng, sự đầu tư cho nó là chưa thỏa đáng.
Theo ông, 10 năm đã đủ để nhìn lại kết quả với một quyết định lớn như mở rộng địa giới hành chính Hà Nội hay chưa? Cá nhân ông thấy Hà Nội đã làm được gì, chưa làm được gì trong quãng thời gian này?
Để đánh giá những việc có phạm vi ảnh hưởng lớn cần độ lùi nhất định. Với một quyết định có tầm vóc và ý nghĩa rất lớn như điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội, thì 10 năm cũng đủ để đưa ra một cái nhìn, một sự đánh giá có căn cứ thực tiễn. 
Nếu nói mục tiêu tổng quát thì 10 năm vừa qua Hà Nội đã thực hiện rất thành công. Sự thành công ấy thể hiện trên tốc độ tăng trưởng bình quân sau hợp nhất là 7,5%/năm; đóng góp ngân sách vẫn giữ được vị trí đầu tàu. Không chỉ là trung tâm chính trị, mà Hà Nội thực sự là một đầu tàu kinh tế rất hùng mạnh, chỉ sau TP.HCM.
Cũng lưu ý là mức độ chênh lệch giữa Hà Nội và TP.HCM ít hơn lúc mới mở rộng. Cùng với đó là mức độ cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt ở vùng xa trung tâm, thì càng rõ nét. An ninh, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, quốc phòng... lĩnh vực nào cũng có những bước phát triển rất rõ. 
"Hà Nội như một gia đình ăn nên làm ra, có của ăn của để nhưng không có đất xây nhà" Ảnh Ngọc Thắng
"So với mong muốn thì không đạt được yêu cầu"
Ngay tại thời điểm này, khi nhận định về hiệu quả mở rộng Hà Nội, người ta vẫn có quan điểm rất trái ngược. Nhiều người nói rằng, nếu không sáp nhập thì cả Hà Nội và Hà Tây đều vẫn sẽ tăng trưởng, thậm chí Hà Nội sẽ còn phát triển nhanh hơn. Nhìn từ góc độ ấy thì đánh giá của ông có thay đổi?
Nếu xét mục tiêu gần 10 - 15 năm, thì tốc độ phát triển về mặt kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của Hà Nội không mở rộng có thể sẽ nhanh hơn, có những bước tiến dài hơn. Nhưng nếu xét về lâu dài, sau 20 năm và lâu hơn nữa, không mở rộng thì Hà Nội không có nguồn lực cần thiết để phát triển, đặc biệt là nguồn lực về không gian, đất đai, quy hoạch, con người, sự bổ sung giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn...
Cứ hình dung một gia đình ăn nên làm ra, có tiền gửi ngân hàng, nhưng ra vào một ngôi nhà chật chội. Sự bó hẹp về không gian gây mất cân đối rất nhiều thứ: quy hoạch giao thông, mật độ dân cư, chuyển dịch các yếu tố phát triển của Thủ đô. Ví dụ, muốn di dời nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm, công nghệ cũ ra ngoài thì đưa đi đâu? Đưa về Hà Tây thì không được, vì đấy là một tỉnh khác rồi. Chưa nói là trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan của T.Ư... 
Tuy nhiên, trên thực tế, ông có thấy sau 10 năm thì đô thị Hà Nội lại dường như bị bó chặt hơn không?
So với mong muốn thì không đạt được yêu cầu. Chúng ta muốn có một đô thị lõi mật độ dân cư giảm mạnh hơn nữa. Không đạt được mong muốn ấy có nhiều lý do, nhưng tôi cho rằng, nếu không mở rộng thì mật độ nội đô còn chật chội hơn hiện nay nhiều. Ví dụ, một loạt khu đô thị xây ở bên ngoài đã thu hút rất nhiều dân ra. 
Từ khi đưa ra công khai cho đến khi chủ trương mở rộng Hà Nội được thông qua chỉ mất khoảng 1 năm Ảnh Ngọc Thắng
"Không để cho ai “chạy ghế” cả"
Một biến động lớn như vậy là cơ hội cho rất nhiều người, đặc biệt là giới đầu cơ. Bây giờ nhìn lại, ông có nhận diện việc đó rõ ràng không và lúc đó Hà Nội làm được gì để ngăn cản những cá nhân trục lợi?
Những người tận dụng cơ hội như thế lúc nào cũng có, nên chuyện có những người đón đầu chủ trương trong giới doanh nghiệp, thậm chí trong các cơ quan tham mưu hành chính... chắc chắn là có, và có những người được hưởng lợi từ việc ấy. Ví dụ, khi về Hà Nội, giá đất thiết lập một mặt bằng mới rất cao, chỉ cần xin được một quyết định đầu tư trước ngày hợp nhất, dù 1 ngày thôi, thì sau đó nó trở thành dự án của Hà Nội, câu chuyện giá đất sẽ rất khác.
Chuyện đó tôi cũng biết, nhưng làm sao cản được, mình đâu có điều hành ở thời điểm đó? Tuy nhiên, cũng có tỷ lệ rủi ro nhất định. Nếu đến phút cuối cùng Quốc hội không bỏ phiếu thông qua thì sao? Cũng như việc Hà Nội thảo luận về quy hoạch 2030 tầm nhìn 2050, có ý tưởng di dời trung tâm hành chính, một số bộ ngành lên Ba Vì, người ta đổ xô lên mua đất, nhưng nội dung đó không được thông qua, thì một loạt người đầu tư bị rủi ro.
Nhìn lại, có điểm gì khiến ông thấy hối tiếc rằng mình đã có thể làm tốt hơn?
Nghĩ lại việc đã qua, tôi thấy những việc đã làm là cần thiết và đúng mức. Hơn nữa là khó, mặc dù mình muốn hơn nữa, nhưng phải đặt trong bối cảnh thực tế. Ví dụ như trình bày để T.Ư nhất trí cho Hà Nội duy trì nguyên trạng đội ngũ cán bộ sau khi hợp nhất, ai trưởng xuống phó vẫn được phụ cấp như trưởng, ai phó vẫn phó, cũng là một quá trình nỗ lực trình bày, lý giải, vận dụng rất nhiều thứ thì anh em mới giữ được quyền lợi ấy.
Muốn gọn ngay, dùng kỷ luật hành chính, kỷ luật Đảng cũng được, nhưng trong bụng họ ấm ức, không vui, làm việc không có khí thế. Lúc ấy, tôi cũng tranh luận với các đồng chí ở Ban Tổ chức T.Ư, vừa rồi các bộ sáp nhập có ai mất thứ trưởng đâu, nên Hà Nội cũng vậy, rồi sau đó tôi sẽ giảm dần bằng luân chuyển, điều động, giảm tự nhiên...
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết dù sau mở rộng phải điều hành một bộ máy hơn 100.000 người, ông đã không để ai "chạy ghế" Ảnh Ngọc Thắng
Đến giờ ông có thấy cách làm đó là đúng không?
Tôi cho là đúng, là phù hợp. Đến bây giờ ai cũng nói bài học của Hà Nội trong công tác cán bộ và sắp xếp bộ máy là thành công, phát huy được sức mạnh đoàn kết và quan trọng là không có tiêu cực, không để cho ai “chạy ghế” cả.
Mở rộng địa giới Thủ đô là một quyết định lịch sử và rất lâu sau nữa các thế hệ sau vẫn sẽ nhìn lại quyết định này. Là người trong cuộc, ông có ngại sự phán xét của lịch sử? Ông có tự tin rằng mình đã quyết định đúng và lịch sử sẽ có cái nhìn công bằng?
Câu hỏi này tôi đã trả lời báo chí trước khi Quốc hội quyết định bấm nút biểu quyết. Tôi nói rằng đây là quyết định có tầm nhìn 100 năm, nghĩa là 100 năm nữa và mãi về sau người ta vẫn sẽ đánh giá quyết định này. Tôi không dám chủ quan nói rằng không có vấn đề gì lăn tăn, là vì quyết định, chủ trương có thể đúng, nhưng tổ chức thực hiện dở quá, thì có thể kết quả sẽ trái ngược.
Nhưng ít ra, ở thời điểm này, sau 10 năm hợp nhất thì chủ trương là đúng và việc tổ chức thực hiện quyết định này là tốt. Còn 20 năm và lâu hơn nữa, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan, tôi không dám khẳng định cho tương lai lâu dài.
Thế hệ chúng tôi đã sắm cho Hà Nội một cái áo mới, không chỉ rộng hơn, mà là cái áo đẹp, nhưng cũng phải giữ gìn và đến lúc phải sắm áo mới. Nếu những người sắm áo sau đó không biết chọn, thì lỗi không phải ở người truyền lại cái áo đầu tiên. Nhưng chắc chắn sẽ có sự đánh giá đi, đánh giá lại.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.