Quyết liệt chống chuyển giá

27/08/2016 10:00 GMT+7

Câu chuyện tìm cách hạn chế tình trạng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyển giá là nội dung được quan tâm nhất tại buổi làm việc giữa Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng với Bộ Tài chính hôm qua (26.8).

Ông Cao Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, theo kế hoạch, dự thảo nghị định về chống chuyển giá phải trình Thủ tướng trước 30.6.2016. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của hoạt động này nên Bộ Tài chính đã xin gia hạn và được Thủ tướng chấp nhận lùi ngày hoàn thiện thêm 5 tháng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ, dù là cơ quan được giao soạn thảo nghị định, song hành vi chuyển giá diễn ra hầu hết các khâu, từ cấp phép đầu tư, mua sắm thiết bị máy móc... chứ không chỉ ở những công đoạn mà ngành tài chính quản lý nên rất cần tham vấn các bộ ngành. "Ví dụ họ vay thấp nhưng nói lãi cao. Nhập một cái máy giá 100 tỉ song lại khai 200 tỉ để tăng khấu hao. Tương tự là nguyên liệu đầu vào rẻ nhưng họ nâng lên, còn bán ra đắt nhưng thông qua công ty con thì giá rất thấp", ông Dũng ví dụ.
Giám sát 12.000 doanh nghiệp FDI
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: “Trong trường hợp nhà đầu tư mua máy móc, linh kiện từ các quốc gia phát triển như G7 hay G20 thì việc kê khai giá sẽ rất dễ xác minh. Nhưng hiện các công ty FDI rất hay nhập qua thị trường Trung Quốc nên công tác đối chiếu, thẩm tra về giá rất phức tạp, trong khi tỷ lệ nhập từ các nước G7 chỉ khoảng 10%”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho hay, với việc VN vừa tham gia diễn đàn chống chuyển giá của các nước G20 nên có thể áp dụng nhiều thông lệ quốc tế trong điều tra chống chuyển giá, trốn thuế. "Như trong khối dệt may, nếu doanh thu hay lợi nhuận của một công ty liên kết với nước ngoài thấp hơn mức trung bình của doanh nghiệp nội có quy mô tương đương thì rõ ràng có dấu hiệu bất thường, khi đó có cơ sở để thanh kiểm tra theo thông lệ quốc tế", ông nói.
Đáng chú ý, Thứ trưởng Tuấn khẳng định Tổng cục Thuế vừa hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu thông tin của 12.000 doanh nghiệp FDI, điều này được cho là sẽ hỗ trợ tích cực vào quá trình giám sát hoạt động, lỗ lãi của khối này.
Đồng cảm với những khó khăn trong hoạt động đấu tranh chống chuyển giá song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh đây là vấn đề được Thủ tướng đặc biệt quan tâm nên việc sớm hoàn thành xây dựng nghị định chống chuyển giá trong năm nay là việc không thể trì hoãn. Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng cũng nêu ví dụ hồi ông công tác ở địa phương như là một kinh nghiệm. Ông kể, sau khi nghe báo cáo một công ty Nhật Bản có dấu hiệu chuyển giá khi báo lỗ 98 tỉ nhưng vẫn lên kế hoạch tuyển dụng lao động, xin cấp đất để mở rộng sản xuất, ông liền đề nghị mời tổng giám đốc công ty mẹ sang nói chuyện. “Tôi bảo chúng tôi ủng hộ các ông, nhưng rất khó ăn nói với người dân vì họ kêu đất trồng ngô, trồng sắn còn có lợi chứ doanh nghiệp kêu lỗ, công nhân lương thấp thì thôi giao thêm đất, mời nhà máy đi cho. Thế là năm sau, doanh nghiệp bỗng nhiên hết lỗ”, ông Dũng chia sẻ.
Chặt đứt cơ chế “xin cho” trong phân bổ ngân sách
Một nội dung khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của tổ công tác là cơ chế “xin cho” trong phân bổ ngân sách. “Thủ tướng nhắc tôi truyền đạt lại với Bộ Tài chính là phải chấm dứt tình trạng các bí thư, chủ tịch tỉnh lên xin bộ giảm chỉ tiêu thu ngân sách”, ông Dũng nói. Lý giải cho thực tế này, đại diện Bộ Tài chính cho biết trước đây việc giao dự toán ngân sách vẫn theo kiểu truyền thống, nên lãnh đạo địa phương thường mặc cả. "Tâm lý này của các tỉnh là dễ hiểu vì giao dự toán thu thấp bên cạnh để hoàn thành chỉ tiêu thu cuối năm thì cái lợi nữa là có thêm nguồn phân bổ từ T.Ư về", ông Đinh Tiến Dũng lý giải song cũng cam kết "nếu cán bộ nào còn cò cưa với địa phương về tỷ lệ phân bổ thì sẽ bị kỷ luật".
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, có khi lãnh đạo địa phương lên T.Ư không hẳn để xin giảm mà là để "cãi nhau", để bảo vệ vì chỉ tiêu giao không sát. Ông Thừa cũng minh họa thêm cho tình trạng giao ngân sách theo kiểu cũ như việc phân bổ chi trong sự nghiệp giáo dục, y tế, khoa học theo biên chế. "Tới đây chúng tôi kiến nghị giao ngân sách cho giáo dục theo số học sinh chứ định mức biên chế là xưa rồi. Chi sự nghiệp công nếu không đổi mới sẽ làm tăng gánh nặng cho ngân sách", ông Thừa cảnh báo.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cam kết sẽ làm kế hoạch ngân sách theo hướng minh bạch, quy định công khai và kiểm soát để “chặt đứt cơ chế xin cho” bởi chính mình cũng từng là nạn nhân của cách làm cũ. "Có năm chốt phân bổ thu về các địa phương xong hết rồi thì Thủ tướng bảo thôi cố thu thêm 30.000 tỉ. Sang Thường vụ Quốc hội lại bảo gắng thêm 10.000 tỉ để có nguồn làm lương. Đêm về tôi vắt tay lên trán nghĩ mãi mà không biết bổ thêm vào đâu cả", Bộ trưởng Tài chính nhớ lại.
Tất nhiên, theo ông Dũng, có năm chỉ tiêu thu không những hoàn thành mà vượt lên hơn 60.000 tỉ đồng, song điều này cũng khiến ông suy nghĩ trong cách đặt kế hoạch, chỉ tiêu làm sao cho sát, bởi "khi mức tăng thu không tương đồng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thì cũng là điều đáng lo”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.