Theo thống kê của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ 1.7.2014 (thời điểm luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực) đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh này có 1.617 dự án (DA) được giao, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 7.800 ha. Trong số các dự án này, có 68% đã hoàn thành đầu tư, đảm bảo tiến độ, đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; hơn 12% DA đang thực hiện đầu tư đảm bảo tiến độ; hơn 15% thực hiện đầu tư chậm tiến độ, nhưng chưa quá 24 tháng, chưa vi phạm quy định của luật Đất đai; và 3,71% chậm tiến độ quá 24 tháng, vi phạm luật Đất đai.
DA Nhà máy xi măng Thanh Sơn bỏ hoang từ năm 2010 đến nay đang bị xử lý theo hướng thu hồi |
Minh Hải |
Điển hình trong số các DA được cho thuê đất, giao đất nhưng “treo” nhiều năm qua, gây thiệt hại kinh tế cho người dân, và lãng phí tài nguyên có DA Khu công nghiệp Hoàng Long của Tập đoàn FLC rộng hơn 286 ha (diện tích thuộc địa bàn TP.Thanh Hóa và H.Hoằng Hóa), có vốn đầu tư hơn 2.300 tỉ đồng. 7 năm trước, Tập đoàn này đã khởi công xây dựng, nhưng chỉ xây được vỏn vẹn cổng chào rồi nằm “án binh bất động” đến nay. DA “treo” đã gây thiệt hại cho hàng trăm hộ dân ở H.Hoằng Hóa và TP.Thanh Hóa, vì hàng trăm hecta đất trồng lúa bị bỏ hoang, không thể cày cấy, cỏ dại mọc um tùm.
Hiện, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục thu hồi DA để lập quy hoạch triển khai DA khác.
Tương tự, DA Nhà máy xi măng Thanh Sơn (ở xã Thúy Sơn, H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) có diện tích hơn 36 ha, vốn đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng. Sau khi triển khai xây dựng nhà ở công nhân, tường rào, ép một số cọc bê tông móng… cũng bỏ hoang từ năm 2010 đến nay. DA “treo” quá lâu khiến hơn 200 hộ dân nhường đất cho DA gặp rất nhiều khó khăn vì đã đầu tư tiền cho con em trong gia đình đi đào tạo, học nghề để về làm việc cho nhà máy như kế hoạch dự kiến, nhưng đến nay nhà máy vẫn chưa hoàn thành. Tỉnh Thanh Hóa đang giải quyết theo hướng đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét dừng triển khai DA.
Một số DA lớn khác mới đây cũng đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất, thu hồi DA do “treo” quá lâu, như: DA của Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Thanh Hóa tại khu đô thị phía Nam TP.Thanh Hóa với diện tích hơn 2,2 ha đất; DA nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Vinaxuki (ở xã Đại Lộc, H.Hậu Lộc) của Công ty TNHH MTV ô tô Vinaxuki Thanh Hóa; DA của Công ty CP AE Toàn Tích Thiện (tại P.Đông Sơn, TX.Bỉm Sơn)…
Quyết liệt dọn sạch DA “treo”
Thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã thu hồi hơn 20 DA chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai. Để tiếp tục “lọc” các DA chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, UBND tỉnh này đã thành lập tổ công tác để tổ chức rà soát các DA đầu tư trực tiếp trên địa bàn. Tinh thần của tỉnh Thanh Hóa là khi phát hiện DA chậm tiến độ, vi phạm luật Đất đai quá thời hạn cho phép thì sẽ thu hồi để tìm nhà đầu tư mới có hiệu quả.
Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết nguyên nhân của việc xảy ra nhiều DA chậm tiến độ là do công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn có yếu kém, nhà đầu tư DA yếu kém về tài chính. Ngoài ra, tình trạng nhà đầu tư lợi dụng quy định của pháp luật về giãn tiến độ thực hiện DA và điều chỉnh tiến độ thực hiện DA để kéo dài DA, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích.
Tình trạng DA “treo” đang gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho người dân, lãng phí tài nguyên, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đã xác định sẽ dẹp sạch những DA “treo” vi phạm luật Đất đai, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư mới có năng lực để thực hiện DA mới.
Bình luận (0)