Quyết liệt phòng chống lây nhiễm bệnh tại bệnh viện

Duy Tính
Duy Tính
15/10/2018 14:55 GMT+7

Bàn tay nhân viên y tế có nguy cơ rất lớn trong việc lây nhiễm bệnh tại bệnh viện nếu không tuân thủ việc rửa tay.

Ngày 15.10, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương TP.HCM đã phát động chương trình rửa tay bảo vệ sự sống năm 2018 với chủ đề: Đề phòng nhiễm trùng huyết liên quan đến chăm sóc tại cơ sở y tế.
Dịch bệnh đang nóng
Tại buổi phát động, bác sĩ Lê Văn Tuân, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại TP.HCM, cho biết các loại dịch bệnh sởi, tay chân miệng… theo dự báo từ nay đến cuối tháng 11 số mắc sẽ tiếp tục duy trì ở mức độ cao và khả năng sẽ xảy ra tử vong với ca bệnh nặng, đặc biệt với những trường hợp có bệnh lý nền.
“Chúng ta đã có bài học kinh nghiệm trong vụ dịch cúm A/H1N1 năm 2009 và đã có bài học xương máu trong vụ dịch sởi tại BV Nhi T.Ư năm 2014 với 1.280 ca mắc, trên 100 ca tử vong mà hầu hết là do lây nhiễm chéo, lây nhiễm trong BV”, bác sĩ Tuân nói.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết thêm dịch bệnh hiện nay là đang nóng. Hơn nữa, thời gia qua tại TP đã xuất hiện chùm ca bệnh H1N1 tại BV Từ Dũ, Chợ Rẫy và bệnh sởi tại BV Nhi đồng 2. Sở Y tế đã chỉ đạo các BV quyết liệt các giải pháp phòng chống nhiễm khuẩn BV và chống lây chéo.
Trước tình hình các vụ dịch đã xảy ra và việc lây nhiễm chéo trong các BV, cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã kêu gọi phụ huynh không nên đưa con em bị bệnh nhẹ lên BV tuyến trên để tránh mắc lây nhiễm như vụ dịch sởi tại Hà Nội vào năm 2014.
Bác sĩ tuân thủ rửa tay ít hơn điều dưỡng
Khảo sát của BV Nguyễn Tri Phương cho thấy tỉ lệ điều dưỡng tuân thủ rửa tay cao hơn bác sĩ. Tỉ lệ tuân thủ rửa tay của các khoa chưa đạt mức 50%. Trong khi theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc rửa tay tại BV phải đạt từ 70% trở lên.
Một khảo sát của Sở Y tế TP vào tháng 9.2018 tại khoảng 100 BV thuộc Sở cho thấy, còn 16% BV chưa thực hiện đầy đủ nước rửa tay đầu giường ở các khoa bệnh nặng như khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu.
Bác sĩ Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, cho rằng nghiên cứu trên 10.000 bệnh nhân tại  10 BV cho thấy tỉ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV chiếm đến 55,4%. Nghiên cứu gần đây của BV Chợ Rẫy cũng cho thấy nhiễm khuẩn BV làm kéo dài thời gian điều trị đến 15 ngày và viện phí phát sinh ước tính là 2,9 triệu đồng/ca.
Theo bác sĩ Chiến, nhiễm khuẩn BV là điều gây đau đầu cho các nhà quản lý, bởi nhiều bệnh nhân vào viện bệnh này nhưng lại mắc thêm một nhiễm khuẩn khác tại BV.
Còn theo bác sĩ Tuân, ước lượng hàng năm trên toàn thế giới nhiễm trùng huyết đã tác động lên hơn 30 triệu bệnh nhân, 3 triệu trẻ sơ sinh, 1,2 triệu trẻ em và gây tử vong cho 6 triệu người, 500.000 trẻ sơ sinh và 1/10 bà mẹ mang thai tử vong.
Theo bác sĩ Tuân, nhiễm trùng huyết liên quan đến chăm sóc y tế và nhiễm trùng mắc phải trong quá trình điều trị thường hay xảy ra và là yếu tố nguy cơ nên nên nhiễm trùng huyết. Điều này có thể ngăn ngừa và cứu được hàng sinh mạng, trong đó bàn tay nhân viên y tế là trung gian truyền bệnh được y văn nói đến.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng chỉ đạo, không chỉ là cuộc phát động rửa tay thông thường mà là các BV còn phải kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ của nhân viên y tế. Ngoài ra, BV phải tuyên truyền để bệnh nhân, thân nhân và những người ra vào BV thường xuyên rửa tay.
5 thời điểm nhân viên y tế phải rửa tay

Theo bác sĩ Võ Đức Chiến, nhân viên y tế phải thuân thủ 5 thời điểm rửa tay. Trong đó, 2 trước: trước khám, trước phẫu thuật; 3 sau: sau khám, sau thủ thuật, tiếp xúc bệnh nhân và sau phơi nhiễm.

Bác sĩ Lê Văn Tuân thì cho rằng rửa tay tại cơ sở y tế tại 5 thời điểm này sẽ giảm 50% số ca nhiễm trùng. Dụng cụ và môi trường sạch, nước sạch và vệ sinh, thực hiện chương trình phòng chống nhiễm khuẩn sẽ giảm 30% số nhiễm trùng”, bác sĩ Tuân nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.