Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế

11/04/2023 06:32 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 50, trong đó yêu cầu các địa phương lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng các dự án đầu tư, nhanh chóng phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Dồn lực "lấy lại những gì đã mất"

Thực tế, từ trước khi Nghị quyết 50 được Chính phủ ban hành, các địa phương và đặc biệt là đầu tàu TP.HCM đã dồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm "lấy lại những gì đã mất" sau kết quả tăng trưởng kinh tế quý 1 không như mong đợi.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 1.

Nghị quyết 50 được kỳ vọng sẽ tạo ra “luồng sinh khí” mới cho kinh tế VN

ĐÌNH SƠN

"Sáng nay, Ban Giao thông cùng các sở, ngành họp với Chủ tịch UBND TP tới hơn 13 giờ, nghỉ một chút rồi lại chuẩn bị tiếp cho cuộc họp lúc 14 giờ, cũng anh Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi - NV) chủ trì, cùng nội dung thúc tiến độ các dự án đầu tư công. Lãnh đạo TP đang quyết liệt đạt mục tiêu giải ngân kỷ lục để tạo bước ngoặt cho kinh tế TP.HCM", Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) Lương Minh Phúc chia sẻ với Thanh Niên khi trao đổi về câu chuyện thúc giải ngân đầu tư công, vực dậy tăng trưởng kinh tế.

Kết luận trong phiên họp kinh tế - xã hội của UBND TP.HCM sáng 1.4, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã yêu cầu từng sở, ngành, địa phương, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải rà soát lại công việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất chức trách, nhiệm vụ, quyết liệt để đưa TP sớm thoát khỏi tình trạng khó khăn này.

Đặc biệt, đối với nhóm công việc cần sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, ông Phan Văn Mãi yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc chờ đợi nhau khi xin ý kiến. Trong thời gian nhất định, nếu đơn vị được xin ý kiến không phản hồi thì coi như đồng ý. Chủ tịch TP cũng giao Văn phòng UBND TP tổng hợp danh sách đơn vị không trả lời để có hình thức nhắc nhở.

Chỉ vài ngày sau, người đứng đầu UBND TP tiếp tục ra văn bản chỉ đạo siết chặt kỷ cương công vụ. Theo đó, các đơn vị được yêu cầu rà soát, báo cáo Thường trực UBND TP.HCM về số lượng, danh mục công việc còn tồn đọng trước ngày 10.4. Đồng thời, chủ động giải quyết và thực hiện chế độ báo cáo nội dung này định kỳ 2 tuần/lần đến lãnh đạo UBND TP phụ trách. Thời hạn giải quyết hồ sơ đối với các nhiệm vụ được giao đã quá thời hạn nhưng chưa hoàn thành thì chậm nhất sau 5 ngày làm việc phải báo cáo UBND TP để xem xét, chỉ đạo.

Người đứng đầu chính quyền TP còn đặc biệt lưu ý khi được các cơ quan khác lấy ý kiến, phải phản hồi ý kiến chính thức bằng văn bản, nội dung thể hiện chính kiến là đồng ý hoặc không đồng ý, không được trả lời chung chung. Hiện nay, ông Phan Văn Mãi cũng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án Vành đai 3; Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số; Trưởng ban Chỉ đạo sắp xếp khu phố, ấp tại TP.HCM… Chủ tịch UBND TP.HCM cùng các phó chủ tịch đang sát sao chỉ đạo từng đầu công việc nhằm đưa kinh tế TP.HCM thoát khỏi giai đoạn khó khăn.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 2.

Nằm trong nhóm 5 địa phương "đội sổ" kinh tế quý 1, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang quyết liệt thúc đẩy các giải pháp để phục hồi tăng trưởng.

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành rà soát từng công trình đầu tư công để đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ, rà soát từng đầu công việc để gỡ khó cho các doanh nghiệp (DN), thu hút DN đầu tư vào tỉnh.

Tương tự, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đã chủ trì cùng với 3 phó chủ tịch tỉnh và hơn 10 lãnh đạo của các sở, ngành gặp gỡ để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị về những khó khăn, vướng mắc của hơn 300 DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Không chỉ ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của DN, ông Tuấn còn có những chỉ đạo trực tiếp, cụ thể riêng với từng nhóm lĩnh vực và khẳng định sẽ sửa đổi ngay việc giao đất, cho thuê đất theo từng giai đoạn mà các DN đề xuất.

Các dự án sẽ nhanh chóng được gỡ vướng

Sự quyết liệt vào cuộc của các cấp lãnh đạo từ T.Ư tới địa phương đã tạo nguồn động viên, nguồn năng lượng rất lớn cho các DN sau thời gian chìm trong khó khăn.

Chia sẻ với Thanh Niên, ông Phan Viết Nuôi, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Xuân, nhận xét vướng mắc lớn nhất với các DN là thủ tục liên quan đến đất đai, đất công, cổ phần hóa. Nhiều dự án đã cổ phần hóa trước đây, nhưng giờ đến cơ quan nào cũng đặt vấn đề thất thoát nên không dám ký, thậm chí không dám xin ý kiến, không dám trình.

"Chờ luật hoàn thiện, đồng bộ thì rất lâu nên quan trọng nhất lúc này là làm sao phải tháo gỡ khó khăn về pháp lý và tâm lý của cán bộ, phải tạo ra sự tự tin cho các lãnh đạo dám nghĩ, dám làm. Nghị quyết 50 lần này giao trách nhiệm cho chủ tịch địa phương được kỳ vọng sẽ xốc lại tinh thần cho đội ngũ cán bộ cấp dưới làm việc tự tin hơn, tạo ra sự chuyển biến lớn trong bộ máy chính quyền. Từ đó, tháo gỡ được các khó khăn cho DN, cho người dân, giúp nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ", ông Phan Viết Nuôi nói.

Theo ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư bất động sản Việt An Hòa, hiện nay Chính phủ, Thủ tướng đã có nhiều nghị quyết, văn bản chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho thị trường bất động sản, cho DN và người dân. Với cách tổ chức mới, Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chắc chắn sẽ "lên dây cót" cho cán bộ cấp dưới, gỡ vướng nhiều hơn cho DN, giúp các dự án đầu tư được xốc lại tinh thần. Điều này cũng giúp bộ máy chính quyền các cấp hoạt động trơn tru hơn. Trong bối cảnh các DN đang tái cấu trúc, cơ cấu lại sản phẩm hướng đến nhu cầu ở thực thì Nghị quyết mới cũng định hướng rõ các chính sách, ưu đãi dành cho nhà ở xã hội. Đồng thời, gói vay ưu đãi 120.000 tỉ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã giúp DN tự tin hơn trong việc triển khai dự án. Cùng với những chỉ đạo trong Nghị quyết 50 được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý hiện nay, giúp nền kinh tế, thị trường bất động sản sớm hồi phục.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thường xuyên trực tiếp đến các công trình trọng điểm để đôn đốc tiến độ, tháo gỡ khó khăn. Trong ảnh: Thủ tướng thăm hỏi, lắng nghe người dân khi kiểm tra tiến độ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

NHẬT BẮC

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hữu Nghĩa cũng đánh giá rất cao Nghị quyết số 50 bởi khi được giao nhiệm vụ cụ thể, lãnh đạo các địa phương sẽ tiếp tục giao cụ thể nhiệm vụ cho từng cơ quan.

"Một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 50 cùng với một số nghị quyết khác được ban hành gần đây được các địa phương, cộng đồng DN quan tâm chính là giải pháp gỡ vướng về mặt tài chính, pháp lý. Riêng tại TP.HCM, công tác gỡ vướng pháp lý đang được đẩy mạnh cho 149 dự án. Ngay trong tháng 3 này, TP sẽ quyết tâm xử lý dứt điểm cho 7 dự án. Do đó, Nghị quyết mới ra đời giúp TP có thêm động lực để tiếp tục gỡ vướng cho các dự án còn lại. Ghi nhận từ một số sàn bất động sản, ngay sau khi TP tập trung gỡ vướng pháp lý và một số ngân hàng đã hạ lãi suất huy động và cho vay theo chỉ đạo, mức độ quan tâm các dự án đang tăng trở lại", ông Nghĩa vui mừng thông tin.

Xốc lại bộ máy, động lực mới cho tăng trưởng

TS Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh) khẳng định để thực hiện chương trình tăng trưởng và thúc đẩy hồi phục kinh tế, Quốc hội đã thông qua nhiều cơ chế đặc biệt, liên quan chỉ định thầu, cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình, ban hành cơ chế đặc biệt trong phối hợp giữa T.Ư và địa phương cũng như với Bộ GTVT… Việc thành lập các Tổ công tác của Chính phủ năm 2022 cũng nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Quốc hội. Nghị quyết 50 với cơ chế thành lập tiếp các tổ công tác sâu sát hơn ở cấp địa phương tiếp tục nằm trong những nỗ lực nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công hiệu quả hơn mà Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra.

"Đầu tư công là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng và thúc đẩy hồi phục mà ở đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế tổ chức, bộ máy chính quyền của các địa phương là cực kỳ quan trọng. Không chỉ trong giai đoạn trước mắt mà cả với các chương trình tầm nhìn dài hạn thì vai trò của người đứng đầu, người lãnh đạo cũng phải đặt lên hàng đầu. Ở đây không chỉ là tính nêu gương, tính dẫn dắt, tính chỉ đạo mà còn là chuyện "sống chết" phải thực thi, phải thay đổi cục diện. Với tinh thần như vậy, hy vọng bức tranh kinh tế thời gian tới sẽ có những chuyển biến tốt", ông Võ Trí Thành kỳ vọng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, đánh giá Nghị quyết 50 là phản ứng chính sách kịp thời đối với tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, đang diễn ra thời gian qua. Thực tế, bộ máy chính quyền trì trệ tại các địa phương một phần là "phản ứng phụ" của chiến dịch đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vì thế, bên cạnh quy rõ trách nhiệm, xốc lại "nhuệ khí" thì về lâu dài cũng cần có chính sách đảm bảo an toàn pháp lý cho cán bộ, công chức. Yêu cầu lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm làm mạnh, làm nhanh thì cũng phải ban hành cơ chế thích hợp, mạnh dạn trao quyền cho địa phương thử nghiệm những mô hình đặc thù kiểu sandbox (khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới) để thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế tốt hơn.

"Hy vọng Nghị quyết 50 sẽ làm tiền đề cho chủ trương mới, thoáng hơn, trao trách nhiệm một cách công bằng, không cực đoan", TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu ý kiến.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 4.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 5.

Quyết liệt thay đổi cục diện kinh tế - Ảnh 6.

Thanh Hóa đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân đầu tư công trước ngày 30.11

Ngày 10.4, thông tin từ VP UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định thành lập 5 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, 5 tổ công tác do chủ tịch và 4 phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa làm tổ trưởng. Trong đó ông Đỗ Minh Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trực tiếp làm tổ trưởng tổ công tác số 1, tập trung kiểm tra, đôn đốc các dự án sử dụng vốn nước ngoài (vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài), các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, cũng như các địa bàn đầu tư trọng điểm…

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.