Quyết liệt tổ chức sản xuất theo chuỗi

29/01/2018 07:38 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo Bộ NN-PTNT để nâng cao giá trị nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Mô hình chuỗi vừa ít, vừa nửa vời


Bà con nông dân sẽ được khuyến khích liên kết với doanh nghiệp, tham gia các hợp tác xã, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm phù hợp với các thị trường

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường

Theo thống kê từ Bộ NN-PTNT, nông sản VN hiện đã được xuất khẩu đến 180 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đạt 35 tỉ USD. Tuy nhiên, nông sản Việt đa số vẫn xuất thô, giá trị gia tăng thấp; phải đối mặt với không ít khó khăn từ thiên tai cho tới các rào cản phi thuế quan ở nhiều thị trường quan trọng. Bộ trưởng
Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng để có thể sẵn sàng tâm thế chuẩn bị ứng phó các khó khăn trong năm 2018, một mặt VN phải đàm phán với các nước để tháo gỡ rào cản về thị trường. Mặt khác, phải quyết liệt tổ chức sản xuất theo chuỗi từ nguyên liệu, chế biến, bảo quản đến thương mại, tiêu thụ sản phẩm...
“Việc tổ chức sản xuất theo chuỗi nhằm mục đích cắt giảm chi phí, quản lý được chất lượng sản phẩm cũng như hài hòa được lợi ích của các đối tác trong chuỗi giá trị, bảo đảm lợi ích cho nông dân. Bà con nông dân sẽ được khuyến khích liên kết với doanh nghiệp (DN), tham gia các hợp tác xã, hình thành chuỗi sản xuất khép kín, đưa sản phẩm phù hợp với các thị trường”, ông Cường nhận định.
Quyết liệt tổ chức  sản xuất theo chuỗi
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đánh giá từ trước đến nay, sản xuất nông nghiệp VN theo hướng mạnh ai nấy làm, giữa người nông dân, nhà khoa học, DN không có sự liên kết. Khâu phân phối kém khiến giá sản phẩm không có sức cạnh tranh so với các nước trong khu vực như Thái Lan... Năm nay tình trạng trên có chuyển biến tích cực hơn, DN đã chủ động tìm đến người dân, bước đầu mang lại những thắng lợi lớn như gạo VN đã “qua mặt” được Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên mô hình sản xuất theo chuỗi trong ngành nông nghiệp VN mới chỉ ở mức sơ khai, khởi động.
Cụ thể, mô hình hiện nay đang được áp dụng là DN ký hợp đồng với người nông dân, cam kết nguyên liệu sản xuất ra được mua lại với giá khuyến khích, sau đó kiểm soát từ khâu sử dụng giống, quy trình chăm sóc cho đến khâu thu hoạch theo tiêu chuẩn DN đề ra. Tiếp đến, DN thực hiện khâu chế biến và tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm. “Chuỗi khép kín là tiền lãi cuối cùng phải được chia sẻ với người sản xuất. Tức ngay từ đầu, người nông dân cũng tham gia đóng cổ phần để khi có lãi được hưởng cổ tức. Mô hình hiện nay mới chỉ lấp lửng, chưa khép kín, lợi ích giữa các bên và đặc biệt là người nông dân chưa được đáp ứng tối đa”, ông Bửu nói.
Chuỗi hỏng vì thi nhau “bẻ kèo”
PGS-TS Vũ Trọng Khải, chuyên gia về kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, chỉ rõ trong chuỗi sản xuất khép kín, mối liên kết giữa người nông dân và DN đóng vai trò then chốt, trong đó DN là nhạc trưởng, phải cung cấp đầu vào, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của thị trường và đảm bảo đầu ra của sản phẩm. Người nông dân có nghĩa vụ phải chấp hành theo đúng tiêu chuẩn chăm sóc, nuôi trồng mà DN đề ra. Tuy nhiên hiện nay các chuỗi giá trị xây dựng được rất ít, thường xuyên thất bại vì DN và người nông dân thi nhau “bẻ kèo”. Cụ thể, người nông dân hiện nay chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Chưa kể tâm lý thích kinh doanh với thương lái khiến sau khi ký hợp đồng, nếu giá bán trên thị trường cao hơn giá trong hợp đồng đã ký, nông dân sẵn sàng hủy hợp đồng để bán cho thương lái. Còn về phía DN, trường hợp sau khi thỏa thuận giá với đối tác tiêu thụ, giá thị trường trong nước lại bất ngờ tăng vọt, không nâng được giá với đối tác thì dù đã đặt cọc cho nông dân, DN cũng sẽ lập tức “bỏ của chạy lấy người”.
“Bản chất giá mua nông sản giữa DN và nhà nông phải phản ảnh phân chia lợi ích và rủi ro giữa hai bên. Giá chỉ thay đổi khi có những biến đổi đặc biệt như thiên tai hoặc có những biến động bất thường ở thị trường. Cả hai bên đều phải tôn trọng hợp đồng, tôn trọng mối quan hệ hợp tác. Để có được điều này, nông nghiệp Việt cần một lực lượng nông dân chuyên nghiệp, được đào tạo, đủ điều kiện quản lý những trang trại quy mô lớn, có thể áp dụng công nghệ cao, hiểu được giá trị của chuỗi giá trị sản xuất”, ông Khải đề xuất.
Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân bổ sung, vai trò, nhiệm vụ của DN cũng cần được cải thiện. DN Việt hiện khả năng về quản lý, ngoại giao, thương thuyết trên thị trường cả quốc tế và trong nước còn yếu. Đa phần DN còn trông chờ chính sách bảo hộ của nhà nước. Chính phủ cũng đã có chính sách ưu đãi cho DN nông nghiệp vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên nhiều DN hiện nay còn thụ động nên chưa có khả năng để tranh thủ vốn của nhà nước. “DN phải tự chủ động tìm hiểu thị trường để xác định từng thị trường cần gì, tiêu chuẩn như thế nào. Chủ động gặp đối tác để ký hợp đồng mới chắc chắn đầu ra, sau đó mới liên kết cùng địa phương sản xuất ra nguyên liệu phù hợp, đáp ứng tiêu chuẩn. Về phía cơ quan quản lý, phải tạo cơ chế để gắn kết DN và người dân một cách chặt chẽ, đưa ra hệ thống pháp lý, chế tài hợp lý trong những trường hợp “bẻ kèo” giữa các bên”, ông đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.