Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024)

Quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/02/2024 06:10 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết quan trọng Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng. Báo Thanh Niên xin trân trọng giới thiệu một số nội dung chính yếu trong bài viết của Tổng Bí thư.

NHỮNG THÀNH TỰU TO LỚN

Nhìn lại chặng đường lịch sử từ năm 1930 khi Đảng ra đời tới năm 1975 khi đất nước thống nhất, Tổng Bí thư khẳng định chúng ta tự hào, tin tưởng và biết ơn sâu sắc Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại đã luôn luôn sáng suốt lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi vang dội này đến thắng lợi vang dội khác, viết tiếp vào lịch sử của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng những trang vàng chói lọi, được thế giới ngưỡng mộ, đánh giá cao.

Quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh,  văn hiến và anh hùng- Ảnh 1.

Sáng 14.10.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các quận Đống Đa, Ba Đình và Hai Bà Trưng (Hà Nội), trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV

TTXVN

Theo Tổng Bí thư, sau khi thống nhất, đất nước đối mặt với hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh. Trước những yêu cầu mới của phát triển đất nước, Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12.1986), trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình đất nước và qua quá trình tìm tòi, khảo nghiệm thực tiễn, với tinh thần "nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", "đổi mới tư duy" đã đề ra Đường lối đổi mới toàn diện đất nước, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển đất nước.

Tổng Bí thư cho biết tới nay, dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: xã hội XHCN mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc đưa ra khái niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới. Theo đó, kinh tế thị trường định hướng XHCN là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ kinh tế thị trường định hướng XHCN là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ).

Tổng Bí thư nhấn mạnh công cuộc đổi mới, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, thực sự đem lại những thay đổi lớn lao, rất tốt đẹp cho đất nước trong gần 40 năm qua, góp phần làm cho "đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Theo Tổng Bí thư, thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng tỏ sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Mặt khác, thông qua quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng được tôi luyện và ngày càng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của nhân dân.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thực tiễn đó khẳng định một chân lý: Ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

DỰA VÀO DÂN ĐỂ XÂY DỰNG ĐẢNG

Khẳng định tin tưởng, tự hào tiến lên dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, song Tổng Bí thư cũng lưu ý bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Theo Tổng Bí thư, để hoàn thành được mục tiêu phát triển KT-XH do Đại hội XIII của Đảng đề ra thì tốc độ tăng trưởng bình quân 6 năm 2024 - 2030 phải đạt khoảng 8%. Đây là mức rất cao, đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao và nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được.

Cạnh đó, thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thanh khoản của một số ngân hàng thương mại yếu kém và doanh nghiệp, dự án lớn sẽ gặp nhiều khó khăn. Lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, sức ép lạm phát còn lớn. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực có xu hướng suy giảm; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng; nhiều doanh nghiệp phải giảm nhân công, giảm giờ làm, cho người lao động nghỉ việc; đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn…

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới, đăng ký bổ sung hoặc góp vốn, mua cổ phần giảm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có dấu hiệu suy giảm; nợ xấu ngân hàng, nợ thuế nhà nước có xu hướng tăng. Việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương ở nhiều nơi chưa nghiêm, thậm chí còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác. Trong khi đó, các thế lực xấu, thù địch, phản động tiếp tục lợi dụng tình hình này để đẩy mạnh việc thực hiện chiến lược "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ.

Tổng Bí thư lưu ý tình hình nói trên đòi hỏi tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, quá say sưa với những kết quả, thành tích đã đạt được, và cũng không quá bi quan, dao động trước những khó khăn, thách thức. Ngược lại, cần phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, phát huy thật tốt những kết quả, bài học kinh nghiệm đã có, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, để tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ mọi thời cơ, thuận lợi; vượt qua mọi khó khăn, thách thức, triển khai thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho nhiệm kỳ khóa XIII và đến năm 2030.

Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc phải quán triệt, vận dụng sáng tạo các bài học kinh nghiệm Đại hội XIII đã đúc kết được, cũng như các bài học kinh nghiệm về đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc được rút ra tại Hội nghị T.Ư giữa nhiệm kỳ khóa XIII (Hội nghị T.Ư 7). Theo đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên T.Ư Đảng.

Tổng Bí thư cũng lưu ý trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN…

5 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

Trong bài viết, Tổng Bí thư nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên triển khai thực hiện thật tốt.

Thứ nhất, về phát triển kinh tế, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hóa, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Thứ hai, về phát triển văn hóa, xã hội, cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Thứ ba, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động; tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tích cực đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu tổ chức thật tốt các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao; chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác; đẩy mạnh đối ngoại đa phương; giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, trước hết.

Thứ tư, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ T.Ư đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết; thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương; tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng Bí thư cũng lưu ý, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với việc đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để "không thể, không dám, không muốn tham nhũng".

Thứ năm, về chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh các tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIV của Đảng cần khẩn trương, nghiêm túc chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành T.Ư và các cấp ủy, chính quyền các địa phương tiến hành tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn qua 40 năm đổi mới, tập trung vào 10 năm gần đây; xây dựng có chất lượng dự thảo các văn kiện trình đại hội đảng bộ các cấp và tham gia góp ý hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Cùng đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng quy hoạch và công tác cán bộ lãnh đạo các cấp, đặc biệt là công tác quy hoạch và công tác cán bộ Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV, nhiệm kỳ 2026 - 2031; chuẩn bị và tiến hành thật tốt đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.

"Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng XHCN", Tổng Bí thư khẳng định.

Tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và dân tộc Việt Nam anh hùng; tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng cách mạng chân chính và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng XHCN.

Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG

(Mời bạn đọc xem toàn văn bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên thanhnien.vn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.