Rã 'cục máu đông' nợ xấu

07/06/2017 07:04 GMT+7

Hôm nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ giải trình trước Quốc hội về dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng - một chính sách đặc thù đang nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều từ các đại biểu.

Nhiều người cho rằng nợ xấu do ngân hàng (NH) cho vay không đòi được, nay phải tự trích lập dự phòng rủi ro, tự cấu vào lợi nhuận, tài sản của mình để xử lý. Nếu nghị quyết được thông qua sẽ là sự “ưu ái đặc biệt” cho các NH hay một cuộc giải cứu NH bằng chính sách thay vì dùng “tiền tươi” của nhà nước bơm vào.
Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến đồng thuận, đề nghị cần có một chính sách đặc thù để rã tan “cục máu đông” nợ xấu. Bởi nợ xấu không chỉ do NH đẻ ra mà là sản phẩm của cả nền kinh tế. Trong đó có con nợ vay không trả được từ nguyên nhân khách quan thiên tai, lũ lụt, hạn hán; nợ xấu do thực hiện tín dụng ưu đãi, nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước...
Số liệu cho thấy, sau 7 năm thực hiện tái cơ cấu các tổ chức tín dụng cùng đề án xử lý nợ xấu, đến nay cũng đạt được kết quả khá tích cực. Nợ xấu hiện chỉ chiếm chưa đầy 3% tổng dư nợ (mức an toàn theo chuẩn chung của thế giới). Song đó mới chỉ là trên sổ sách, thực chất nợ xấu phải tính đủ cả hơn 200.000 tỉ đồng các NH đã bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) chưa được xử lý. Ngoài ra, còn một khoản nợ tiềm ẩn có nguy cơ trở thành nợ xấu do chính sách gia hạn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, khoản này cỡ trên dưới 200.000 tỉ đồng.
Nợ xấu quá lớn, càng để lâu sẽ càng xấu hơn: chi phí tăng cao, giá trị tài sản sụt giảm khiến quá trình cải cách NH rất khó khăn; phí tổn của NH sẽ cao hơn khi phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khiến hoạt động kinh doanh cũng như khả năng sinh lời của NH thấp, khó giảm hoặc giảm sâu lãi suất như mong muốn. Nguy hiểm hơn, nợ xấu có thể dẫn đến mất ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí khủng hoảng tài chính và cả khủng hoảng kinh tế.
Bên cạnh đó, nợ xấu “ủ” càng lâu thì lòng tin vào một nền tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô càng yếu, tác động đến môi trường kinh doanh chung, làm giảm khả năng thúc đẩy đầu tư kinh doanh của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Và cuối cùng, cả nền kinh tế thiếu nền tảng một hệ thống tài chính - NH lành mạnh, kéo theo khả năng chống đỡ các cú sốc bên trong cũng như từ bên ngoài yếu.
Rõ ràng, chính sách đặc thù đó cần thiết cho cả nền kinh tế và quyền lợi người gửi tiền. Tất nhiên, nguyên tắc ở đây là quyền hạn, cách làm quyết liệt hơn đi đôi với giải trình, giám sát minh bạch. Đi kèm là phải xử lý nghiêm minh, không được bao che dung túng cho nhóm lợi ích, cá nhân lũng đoạn NH, sở hữu chéo, sân sau... gây ra nợ xấu.
Chính sách đặc thù phải đi kèm quy định đủ mạnh và căn cơ. Dự thảo nghị quyết hiện chỉ cho phép xử lý nợ xấu phát sinh trước thời điểm 31.12.2016. Quy định như vậy chỉ “rã” được khoảng hơn 50% cục máu đông nợ xấu, không xử lý được nợ tiềm ẩn, nợ phát sinh hằng năm.
Ngoài ra, việc hạn chế quyền xử lý tài sản đảm bảo cho các tổ chức tín dụng càng khiến quá trình này bị dây dưa, kéo dài, để lại hậu quả khó lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.