Ra đảo tiền tiêu khám bệnh

An Dy
An Dy
23/04/2021 16:33 GMT+7

Các y, bác sĩ trong Hội thầy thuốc trẻ TP. Đà Nẵng vừa có chuyến đi ra đảo tiền tiêu Lý Sơn (Quảng Ngãi) để khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân...

Huyện đảo Lý Sơn là điểm dừng chân đầu tháng 4 trong hành trình “Hướng về biên giới, hải đảo” năm 2021, chương trình do Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp với Hội thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng tổ chức.

“Bác sĩ thăm khám tận tình lắm!”

Trực tiếp vận chuyển thuốc men và chữa bệnh tại Lý Sơn, bác sĩ Trần Phước Sinh, Khoa Ngoại bỏng tạo hình, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng, cho biết đoàn ưu tiên khám cho người cao tuổi, những bệnh nhân gặp khó khăn về đi lại và hạn chế điều kiện di chuyển vào đất liền để tiếp cận các dịch vụ y tế trong bờ.
Trong nhóm người được khám bệnh đầu tiên, có cụ bà ngoài 80 tuổi cứ đưa tay chỉ nhiều chỗ trên người cho bác sĩ Sinh kiểm tra, chỗ nào bà cũng nói “đau lắm!”. Cuối cùng, bà được bác sĩ tư vấn về thức ăn, chế độ dinh dưỡng phù hợp.
“Cũng như nhiều người cao tuổi đến khám bệnh, bà cụ có các vấn đề lão suy, thoái hóa khớp, viêm khớp nên đi lại khó khăn. Ngoài việc cấp thuốc giảm đau, kháng viêm và dặn dò uống khi đã ăn no, chúng tôi tư vấn thêm rằng nếu có điều kiện, bà nên để con cháu đưa vào đất liền để thăm khám toàn diện hơn. Vì bà có tiền sử rối loạn nhịp tim, lách lớn...”, bác sĩ Sinh chia sẻ.

Bác sĩ tận tình lắm, hỏi kỹ đau gì, đau ở đâu... Khám rất lâu (…) Bác sĩ còn căn dặn tôi chế độ ăn, vận động thể dục đúng cách”

(Ông Lê Dận, 84 tuổi, ở xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi)

Ông Lê Dận (84 tuổi, xã An Vĩnh, H.Lý Sơn) cho hay cả đời làm nghề đi biển “chẳng thấy đau ốm gì”, cũng không có mấy dịp vào đất liền. Khi được bác sĩ Nguyễn Văn Đặng Sơn (Khoa Đột quỵ, BV Đà Nẵng) khám và tư vấn nhiệt tình, ông rất vui.
“Bác sĩ tận tình lắm, hỏi kỹ đau gì, đau ở đâu... Khám rất lâu và ghi toa thuốc bổ khớp khi tôi đau hai khớp, hai đầu gối, rồi đau trĩ lâu năm và kéo dài. Bác sĩ còn căn dặn tôi chế độ ăn, vận động thể dục đúng cách 30 phút mỗi ngày”, ông Dận nói.
Bác sĩ Sơn cho biết phần nhiều những người cao tuổi trên đảo đều gặp vấn đề về huyết áp cao, có thể là “đặc trưng” của người dân biển đảo. Họ quen ăn muối mặn, những thực phẩm có vị mặn, chế độ ăn giàu muối hơn mức bình thường. Với người có huyết áp tăng đột biến, bác sĩ tư vấn nên đến các trung tâm y tế lớn để kiểm tra, có chế độ theo dõi phù hợp.
Các bác sĩ cũng đặc biệt lưu ý các vấn đề liên quan đến tim mạch, xương khớp, nội tiết... “Có nhiều trường hợp phải tư vấn người dân vào các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh hoặc ra Đà Nẵng. Một vài ca suy tim, phù hai chân, phì đại tuyến tiền liệt, đi tiểu khó, tiểu đêm... đều được tư vấn khám chuyên khoa.

Chia sẻ “y tế thường thức”

Bác sĩ CK2 Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ TP.Đà Nẵng, Phó giám đốc BV Đà Nẵng, cho biết đoàn tiếp cận với hơn 250 người dân, đặc biệt là những người cao tuổi. Ngoài thăm khám, tầm soát sức khỏe cho người dân, các bác sĩ cũng lồng ghép chia sẻ những thông tin y tế thường thức để người dân có thể chủ động hơn trong việc theo dõi sức khỏe.
Người lớn tuổi, có vấn đề về huyết áp được tư vấn khuyến cáo chế độ ăn giảm bớt vị mặn, tăng cường khẩu phần rau xanh, bổ sung thêm nước từ rau củ... “Nhiều người dân không có kiến thức bệnh phổ thông, không quan tâm nhiều đến sức khỏe... Có những bệnh mạn tính phải uống thuốc và theo dõi thường xuyên nhưng lại không uống, không ý thức được vai trò của việc uống thuốc đều đặn trong kiểm soát bệnh mạn tính”, bác sĩ Trung nói thêm.
Đoàn y bác sĩ mang theo những loại thuốc liên quan đến cơ xương khớp, huyết áp, các loại bổ sung can xi, vitamin tổng hợp, thuốc bổ thần kinh, bổ gan... do biết trước đặc thù sức khỏe của người dân vùng biển đảo. Các toa thuốc cũng ghi rõ: “Sau khi hết thuốc phải tái khám ở các cơ sở y tế để theo dõi điều trị thường xuyên”.
“Thành phần thuốc chúng tôi mang ra đảo có hơn 40 loại, chia thành 8 nhóm gồm các nhóm điều trị bệnh lý tai mũi họng, tim mạch, tiêu hóa, hô hấp và các nhóm thuốc khác như kháng sinh, giảm đau kháng viêm hạ sốt, chống dị ứng, thuốc bổ. Có nhiều loại thuốc người dân sẽ uống theo sự hướng dẫn, tư vấn và theo dõi của nhân viên y tế địa phương”, dược sĩ Nguyễn Thị Minh Khải (BV Ung bướu Đà Nẵng) nói.
Có trải qua những ngày nắng gió biển đảo cùng các y, bác sĩ mới thấy hết lòng nhiệt thành của các thầy thuốc trẻ dành cho người dân đảo tiền tiêu. “Họ là những "cột mốc sống" về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là điều mà thế hệ trẻ chúng tôi luôn đau đáu hướng về”, một bác sĩ trẻ tham gia đoàn tình nguyện tâm sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.