Cuốn sách được NXB Nghệ An phối hợp với gia đình tổ chức biên soạn như một nén tâm hương, một lẵng hoa tươi thắm dâng lên mừng sinh nhật tuổi 100 của nhà thơ, nhà văn, nhà văn hóa Trần Hữu Thung.
Những tác phẩm của Trần Hữu Thung trong cuốn sách được tuyển trong phần 1, dựa trên 2 cuốn tuyển tập do NXB Nghệ An ấn hành năm 1997; đồng thời là sự dày công sưu tầm, tuyển chọn một số bài viết, bài thơ của các văn nghệ sĩ, nhà báo đã được đăng tải trên sách, báo.
Cuốn sách Trăm năm Trần Hữu Thung dày hơn 500 trang gồm 2 phần: Trần Hữu Thung - Tác phẩm tuyển chọn với các tác phẩm thơ, bút ký, tiểu luận tiêu biểu và Nhớ Trần Hữu Thung, tập hợp những bài viết, bài thơ tâm đắc của nhiều văn nghệ sĩ viết về ông.
Phát biểu tại lễ ra mắt sách, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đánh giá cao về sự nghiệp và những cống hiến của cố nhà thơ Trần Hữu Thung cho văn học cách mạng nước nhà. Thơ của Trần Hữu Thung trong sáng, giản dị, lạc quan và luôn gần gũi phổ cập trong quần chúng nhân dân. Những tác phẩm của ông đã nằm lòng trong nhiều thế hệ độc giả yêu thơ Việt Nam; góp phần khẳng định giá trị trường tồn về văn hóa, giá trị về một người nghệ sĩ trung thực, chính trực để lại cho thế hệ sau.
“Khi ra đi, nhà thơ Trần Hữu Thung đã để lại những tác phẩm lớn, bất hủ. Đó không chỉ là tác phẩm văn, thơ mà còn về chính cuộc đời ông - một con người bình dị, chân thực, thẳng thắn, mãnh liệt và đầy dâng hiến. Có thể nói, cuộc đời của nhà thơ Trần Hữu Thung và tác phẩm của ông chính là một sự song hành đẹp đẽ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhà thơ Trần Hữu Thung sinh ngày 26.7.1923, mất ngày 31.7.1999 tại quê nhà Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, trải qua nhiều cương vị công tác ở Liên khu 5. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và từng là Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hội trưởng Hội Văn nghệ Hà Tĩnh.
Trong cuộc đời cầm bút của mình, nhà thơ Trần Hữu Thung đã xuất bản trên dưới 20 tác phẩm như: Đồng tháng Tám (tập thơ đoạt giải nhì về thơ của Hội Văn nghệ Việt Nam (1954 - 1955), Dặn con (thơ - 1955), Ngày thu ấy (thơ - 1957), Gió Nam (thơ - 1962), Hai Tô hò khoan (thơ - 1961), Chị Nguyễn Thị Minh Khai (thơ - 1961)... Bên cạnh đó, Trần Hữu Thung còn viết văn xuôi, chủ yếu là những ghi chép, giữ lại những năm tháng, những kỷ niệm của quê hương đánh giặc.
Với những đóng góp của mình, cố nhà thơ Trần Hữu Thung vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật năm 2001.
Bình luận (0)