Rà soát cá nhân đứng tên 4 SIM, được không?

20/03/2024 04:14 GMT+7

Từ 15.3, Bộ TT-TT cùng nhà mạng triển khai chiến dịch rà soát người đứng tên từ 4 SIM trở lên dành cho thiết bị di động, nhằm đảm bảo SIM được sử dụng đúng người đã đăng ký.

"Dở khóc dở cười" vì bị mượn tên đăng ký

Chị P.T (ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) bức xúc kể: "Mới đây, tôi muốn mua thêm 1 SIM điện thoại di động và đăng ký chính chủ thì thông tin số căn cước công dân (CCCD) của mình đã vượt quá 3 số SIM được đứng tên, trong khi tôi chỉ sử dụng và đi đăng ký có 1 SIM của mạng V. Tôi bất ngờ nên gọi đến tổng đài đề nghị hủy thông tin chính chủ 2 số kia, và nhận được yêu cầu phải tự ra phòng giao dịch để hủy. Tôi không đồng ý và đề nghị làm rõ việc này, nhưng đến nay chưa có ai liên hệ để giải quyết. Tôi đã kiểm tra thông tin bằng tin nhắn gửi đến tổng đài và nhận được 2 số ko phải của mình, nhưng đã được đăng ký bằng số CCCD của tôi, và 2 số này cũng đã được sử dụng để đăng ký tài khoản Zalo. Khi tôi gọi lại tổng đài thì được trả lời là đang giải quyết, muốn nhanh thì phải tự đi kiếm phòng giao dịch để hủy, hoặc các SIM đó không phát sinh hoạt động thì sẽ bị tự hủy".

Rà soát cá nhân đứng tên 4 SIM, được không?- Ảnh 1.

Các nhà mạng bắt buộc phải rà soát SIM rác trước ngày 15.4

Nhật Thịnh

Thực ra, tình trạng bị mượn thông tin đứng SIM số lạ không mới. Năm 2023, anh N.T.K (ngụ H.Núi Thành, Quảng Nam) có nhu cầu và đăng ký SIM điện thoại thứ 2 của nhà mạng thì phát hiện mình đang đứng tên 5 SIM khác của nhà mạng này. Anh K. kể, khi ra cửa hàng đăng ký thông tin SIM mới mà trước đây anh đã đăng ký mua qua mạng thì anh được nhân viên thông báo rằng số CMND của anh đã được đăng ký 5 SIM thuê bao khác rồi. Vì số lượng SIM vượt quá mức cho phép nên anh không thể đăng ký thêm được nữa.

"Lúc đó, tôi rất bất ngờ vì trước giờ mình chỉ đăng ký 1 SIM của nhà mạng này và đây là SIM thứ 2 tôi đăng ký bằng CCCD của mình. Sau khi kiểm tra, nhân viên tại cửa hàng cung cấp 5 số điện thoại được đăng ký bằng CMND của tôi. Tại cửa hàng, nhân viên cũng hỗ trợ tôi gửi email phản ánh lên cấp trên để giải quyết", anh K. nói.

Theo đại diện Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM, sau đợt thanh tra trong năm vừa qua, thông tin thuê bao di động được chuẩn xác hơn, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông thực hiện đăng ký thông tin thuê bao đúng quy trình, đúng quy định hơn, số lượng SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước trên thị trường đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng còn tồn tại SIM đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước chủ yếu là do các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng hình ảnh giấy tờ của người khác để đăng ký thêm số lượng SIM thuê bao.

Đại diện Bộ TT-TT cũng thừa nhận kết quả thanh tra của các Sở TT-TT các địa phương báo cáo cho thấy vẫn còn tình trạng một số thuê bao đăng ký ở nhiều tỉnh, thành phố trong một thời gian ngắn; nhiều SIM hiện nay không có ảnh chụp của chủ thuê bao, thậm chí có nhiều trường hợp hình ảnh chủ thuê bao là người… cởi trần, và còn tồn tại tình trạng chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng với nhà mạng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên.

Theo chúng tôi hiểu thì đây là yêu cầu rà soát, kêu gọi các cá nhân sở hữu nhiều thuê bao thực hiện việc chuẩn hóa thông tin cá nhân, nếu sau đó họ không thực hiện đúng thì tiến tới thu hồi SIM số về kho, chứ nếu nói rằng ai sở hữu trên 4 SIM sẽ bị ngừng ngay lập tức thì không đúng vì phải tôn trọng quyền cá nhân.

Đại diện truyền thông một nhà mạng

"Tối hậu thư" liệu có đúng hẹn?

Trong công văn trả lời cử tri mới đây, Bộ TT-TT khẳng định Bộ đã triển khai rất nhiều hành động để ngăn chặn tin nhắn rác. Cụ thể, Bộ TT-TT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, trong đó quy định xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao. Bổ sung hình thức xử phạt là đình chỉ phát triển thuê bao mới từ 1 - 12 tháng do thực hiện các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao.

Bộ TT-TT cho biết đã 2 lần ban hành văn bản nhắc nhở, chấn chỉnh đối với người đứng đầu doanh nghiệp (DN) viễn thông di động do để xảy ra vi phạm về quản lý thông tin thuê bao. Các DN viễn thông di động đã hoàn thành xử lý 17 triệu thuê bao có thông tin thuê bao chưa trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thuê bao có giấy tờ tùy thân đăng ký, sở hữu trên 10 SIM...

Mới đây nhất, lãnh đạo Bộ TT-TT tiếp tục giao Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra, xử lý vi phạm với mức xử phạt cao nhất là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới, đồng thời Bộ sẽ có văn bản nhắc nhở DN và báo cáo Thủ tướng xem xét việc kỷ luật người đứng đầu của DN vi phạm.

Theo lộ trình này, đến trước ngày 15.4, các nhà mạng phải tiến hành kiểm tra dữ liệu khách hàng cá nhân và tổ chức có giấy tờ đăng ký từ 4 SIM trở lên, nhằm bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định và xác thực họ có đang sử dụng thuê bao đã đăng ký hay không.

Trả lời Thanh Niên ngày 19.3, một chuyên gia trong lĩnh vực thông tin di động nhận định: "Tôi cho rằng động thái đưa ra hạn chót cho các nhà mạng chấn chỉnh SIM rác là một việc làm quyết liệt. Thực tế đây không phải lần đầu tiên Bộ TT-TT đưa ra yêu cầu này. Tuy nhiên, nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo vẫn tiếp diễn, khiến người dân bức xúc và bất an. Hy vọng với các chỉ đạo quyết tâm như lần này thì việc quản lý SIM sẽ đi vào quy chuẩn hơn".

Trong khi đó, đại diện truyền thông của một nhà mạng thừa nhận: "Yêu cầu chấm dứt SIM rác và chuẩn hóa thông tin của những người sở hữu nhiều SIM với một thời gian ngắn sắp tới có thể nói là nhiệm vụ quá khó. Bởi vì để chuẩn hóa thông tin đăng ký thì phải có thời gian thông báo, thời gian để các chủ thuê bao bổ sung, cập nhật thông tin cho đúng. Theo chúng tôi hiểu thì đây là yêu cầu rà soát, kêu gọi các cá nhân sở hữu nhiều thuê bao thực hiện việc chuẩn hóa thông tin cá nhân, nếu sau đó họ không thực hiện đúng thì tiến tới thu hồi SIM số về kho, chứ nếu nói rằng ai sở hữu trên 4 SIM sẽ bị ngừng ngay lập tức thì không đúng vì phải tôn trọng quyền cá nhân".

Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: giả mạo; sử dụng giấy tờ của các cá nhân, tổ chức khác để thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi: bán SIM thuê bao di động khi không được DN viễn thông di động ký hợp đồng ủy quyền giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; bán, lưu thông trên thị trường SIM thuê bao đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.

Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi cung cấp hoặc sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để giả mạo thông tin, ảnh chụp giấy tờ của cá nhân, tổ chức, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng để thực hiện việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung cung cấp và sử dụng dịch vụ viễn thông...

(Trích Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.