Rà soát, chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa

Bích Thanh
Bích Thanh
11/04/2023 06:01 GMT+7

Những vụ việc liên quan đến an toàn của học sinh trong các hoạt động ngoại khóa cùng với lùm xùm quanh khâu tổ chức hoạt động này ở một số trường phổ thông đặt ra vấn đề làm sao để phụ huynh an tâm cho con tham gia.

AN TOÀN LÀ TIÊU CHÍ QUAN TRỌNG NHẤT

Hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm được quy định thành nội dung nằm trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Hoạt động này có thể được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài nhà trường. Bộ GD-ĐT yêu cầu cần đảm bảo mục tiêu giáo dục và an toàn cho học sinh (HS). Đây cũng là yêu cầu của Sở GD-ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch giáo dục hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học có tiếng tại Q.1, TP.HCM cho hay, để tổ chức cho HS hoạt động một ngày thì kế hoạch có khi phải được chuẩn bị trước một tháng. Tất cả phải được phòng GD-ĐT duyệt, thông qua.

Từ đó, nhà trường lên phương án, tìm đơn vị tổ chức có uy tín, mua bảo hiểm cho HS, phân công nhân sự để đảm bảo an toàn khi di chuyển, trải nghiệm và an toàn vệ sinh thực phẩm. "Hằng ngày HS chỉ học, ăn, nghỉ trưa, sinh hoạt tại trường và đến 21 giờ không có điện thoại gì thì mới phần nào yên tâm. Còn vào những ngày tổ chức cho HS tham gia các hoạt động ngoài nhà trường thì nỗi lo lắng và áp lực đảm bảo an toàn cho các con tăng hơn gấp nhiều lần", hiệu trưởng này cho hay.

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa - Ảnh 1.

Hoạt động trải nghiệm của học sinh Q.1 (TP.HCM) ở Thảo Cầm Viên

PHƯỚC HẢI

Còn bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1), cho biết thông thường nhà trường sẽ tham khảo ít nhất từ 2 - 3 đơn vị tổ chức có uy tín, đưa ra yêu cầu, nội dung để các đơn vị này thiết kế lịch trình và các dịch vụ chi tiết.

Theo bà Trang, trường sẽ lựa chọn đơn vị có cách thức tổ chức an toàn cho HS từ ăn uống, di chuyển, phù hợp với mục tiêu giáo dục HS trong chuyến đi. Đặc biệt, trường chọn mức chi phí hợp lý nhất để mọi HS đều có thể tham gia.

Vào cuối tháng 3, trong hoạt động trải nghiệm HS 3 khối lớp của 2 trường tiểu học tại TP.Thủ Đức, một số HS có dấu hiệu đau bụng, phải vào bệnh viện thăm khám. Phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức ngay lập tức yêu cầu ngừng kế hoạch tổ chức cho HS các khối lớp tiếp theo; đồng thời đề nghị nhà trường cùng đơn vị phối hợp tổ chức báo cáo, rà soát lại quy trình.

Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, cho biết nhà trường không được phép giao khoán và phải có ràng buộc trách nhiệm với đơn vị tổ chức. An toàn của HS phải đặt lên hàng đầu.

ĐẢM BẢO TÍNH THIẾT THỰC

Ông Vĩnh Nguyên cũng cho rằng việc xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động trải nghiệm các nhà trường phải để phụ huynh thấy tin tưởng, đồng thuận cho con em tham gia. Phụ huynh phải thấy được con em mình thu được gì từ hoạt động trải nghiệm, giúp HS phát triển, bổ sung kỹ năng gì không phải chỉ là tổ chức đi chơi.

Rà soát, chấn chỉnh hoạt động ngoại khóa - Ảnh 2.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm tại chi đội kiểm ngư số 2 Vùng 2 Hải quân

PHƯỚC HẢI

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, ngoại khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc trong chương trình mới nên phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức.

Cũng theo ông Dũng, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông HS trong cùng một thời điểm. Đồng thời khuyến khích phụ huynh tham gia và yêu cầu ban đại diện cha mẹ HS tổ chức, quản lý cùng giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường. Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng yêu cầu việc tổ chức các hoạt động học tập trải nghiệm, tiết học ngoài nhà trường phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, công khai. Riêng ở bậc tiểu học, Sở cũng đề nghị các trường không tổ chức những hoạt động trải nghiệm cho HS ra khỏi TP.HCM.

Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, cho biết Sở hạn chế cho HS tiểu học ra khỏi TP vì lứa tuổi nhỏ, di chuyển quãng đường xa có nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt việc đảm bảo an toàn cho lứa HS này nhiều phức tạp.

Trước thực tế hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa của HS hiện nay, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, cho hay Sở GD-ĐT cần phải rà soát, đánh giá lại nhu cầu, thực trạng tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường tại các cơ sở giáo dục trong thời gian vừa qua. Từ đó thấy được mức độ hiệu quả đến đâu, tác động đến HS, phụ huynh ra sao, sự hài lòng của phụ huynh như thế nào?...

Nhiều điểm đến cho học sinh trải nghiệm ngay tại TP.HCM

Ông Cao Thanh Bình đề nghị ngành giáo dục có thể tính toán mô hình, cách thức tổ chức các hoạt động tham quan, học tập trải nghiệm cho HS. Có thể nghiên cứu cho HS tham quan, học tập trải nghiệm, hướng nghiệp trước mắt tại TP. Ở TP.Thủ Đức và các quận, huyện đều có ít nhất từ 1 đến 2 điểm đến, với nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, cấp quốc gia, thậm chí là di tích quốc gia đặc biệt như Dinh Độc Lập (Q.1) hay Giồng Cá Vồ (Cần Giờ). Thêm vào đó cũng có các tour trải nghiệm như Biệt động Sài Gòn, Sài Gòn sống động…

"Điều này không chỉ trang bị cho các em những hiểu biết, kiến thức văn hóa, lịch sử thành phố mà còn nằm trong khuôn khổ nội dung giáo dục lịch sử địa phương đang được triển khai ở chương trình giáo dục mới", ông Bình nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.