Chiều nay (21.8), tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB và XH tổ chức lễ triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Theo quyết định này, từ hôm nay, Tổng cục Dạy nghề sẽ chính thức mang tên mới là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.
Phát biểu tại lễ trao quyết định, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung khẳng định Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp dù đã trải qua nhiều tên gọi, chuyển đổi qua nhiều cơ quan quản lý, nhưng có một sứ mệnh không bao giờ thay đổi, đó là lo công ăn việc làm, lo dạy nghề cho học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu, nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu thông tin hơn 100.000 thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 nhưng không xác nhận nhập học như một ví dụ cho thời cơ của giáo dục nghề nghiệp, và nhấn mạnh, năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ bỏ điểm sàn trong tuyển sinh đại học là một thách thức với giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên không cần thiết phải lo lắng quá mức. Với người học, điều quan trọng nhất là có việc làm sau khi ra trường. Ra trường có việc làm thì yên tâm có người học.
Nêu một số dẫn chứng về những nơi đào tạo tốt, gần 100% người học có việc làm, thậm chí có nhiều trường còn mạnh dạn cam kết nếu người học không có việc làm sau khi ra trường thì sẽ hoàn học phí, ông Dung nói: “Tôi rất mừng vì trong hệ thống của chúng ta ngày càng có nhiều trường chủ động, tự tin khẳng định học sinh của họ ra trường là có việc làm”.
tin liên quan
5 trường ĐH Sư phạm kỹ thuật muốn về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệpSáng 11.8, Hội nghị Định hướng, phối hợp đào tạo và phát triển giáo viên giáo dục nghề nghiệp từ nay đến năm 2020 đã diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.
Ông Dung chia sẻ thêm: “Tôi vào Quảng Ngãi thì được biết ở đó Toshiba vừa tuyển dụng 50 người trong số 224 ứng viên. Điều đặc biệt là 49 người vốn là học viên trường nghề Dung Quất, chỉ 1 người duy nhất tốt nghiệp đại học".
Bộ trưởng Dung bày tỏ: "Trong khó khăn, chúng ta tìm ra hướng mới, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, của người học, đặc biệt là các bậc cha mẹ, để từ đó hoàn thành sứ mệnh mà Chính phủ và Đảng đã giao cho là tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước, giải quyết hài hòa bài toán giữa thầy và thợ”.
Bình luận (0)