Bờ biển ngập rác
Bãi biển Côn Đảo thời gian gần đây rác thải rất nhiều. Ngoài lượng rong tảo chết dạt vô bờ thì từ ngoài biển, rác thải công nghiệp (bịch ni lông, chai nhựa…) thường xuyên được sóng đưa vào đầy bờ. Gần như mỗi cơn sóng vào bờ là mang theo nhiều bịch ni lông, chai nhựa.
Mỗi tuần, Ban quản lý (BQL) các công trình công cộng H.Côn Đảo tổ chức thu gom rác 3 lần (vào các ngày thứ 2, 4 và 6). Theo các công nhân, rác thải chủ yếu do các tàu đánh bắt hải sản xả xuống biển. Chị Đỗ Thị Dung, công nhân BQL công trình công cộng H. Côn Đảo cho biết: “Rong chết nên trôi dạt vào bờ. Còn các bịch ni lông, chai nhựa… chủ yếu của các ghe mực, ghe cá đánh bắt xả xuống biển.
Theo thời gian, các loại rác này theo sóng mà vào bờ. Hằng tuần công nhân tổ chức thu gom rác trên bãi biển 3 ngày. Người dân ở đảo không xả rác bừa bãi, mà bỏ đúng nơi có lực lượng thu gom. Chỉ có các ngư dân đánh bắt xả chai nhựa, bịch ni lông xuống biển”.
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ ca nô chở khách đến khu rừng ramsar, dọc bờ biển Hòn Tài, các loại chai nhựa, thùng xốp, bao ni lông... nằm dày đặc. Từ xa, nhìn các thùng xốp trắng xóa, nằm ken đặc bờ biển Hòn Tài. Lối dẫn vào khu rừng ramsar, bao ni lông treo lủng lẳng trên các cây rừng. Nhiều thùng xốp, chai nhựa dính đầy dầu đen kịt nằm la liệt bên bờ rừng. Có cả xô đựng nước cũng theo sóng biển trôi dạt vào bờ. Một nhóm khách theo đoàn vào khu ramsar tham quan cầm lon bia uống xong cũng vô tư quăng xuống biển.
Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững Côn Đảo
Ông Lê Văn Phong, Chủ tịch UBND H. Côn Đảo cho biết, bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nội dung cơ bản để phát triển bền vững huyện. Theo đó, mục tiêu chung của huyện là bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học; bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa tại địa phương, góp phần xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế; bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ với phát triển của cả vùng phía Nam Tổ quốc.
“Thông điệp bảo vệ môi trường của H.Côn Đảo là lấy phòng ngừa và hạn chế các tác động xấu đối với môi trường là chính, kết hợp với xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, cải thiện chất lượng môi trường và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học… Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân, du khách và doanh nghiệp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, huyện cũng có các biện pháp chế tài mạnh mẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học”, ông Phong nhấn mạnh.
Năm 2018, UBND H. Côn Đảo phối hợp với Công ty TNHH Truyền thông và Sự kiện Sao Mai, Công ty CP Hướng Dương đã triển khai dự án “Truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường kết hợp với quảng bá loại hình du lịch sinh thái tại Côn Đảo”.
Dự án được triển khai với hàng loạt giải pháp đồng bộ gồm: Truyền thông đại chúng trên phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng internet; truyền thông trực quan bằng pano; truyền thông qua tổ chức tập huấn, đào tạo; truyền thông tiếp cận cá nhân thông qua ấn phẩm tờ rơi, cẩm nang; thành lập Câu lạc bộ Truyền thông BVMT Côn Đảo… Những hoạt động khởi động dự án bước đầu nhận được sự đồng tình, ủng hộ của du khách.
Theo UBND H.Côn Đảo, mỗi ngày, toàn huyện có 15 tấn rác thải được thu gom đưa đến bãi rác Bãi Nhác để xử lý. Do hiện nay, bãi rác ở đây đã đầy, đang tồn hơn 70.000 tấn, lâu dài sẽ gây ảnh hưởng đến khu vực bãi biển nơi đây. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương giao UBND H.Côn Đảo phối hợp với các sở, ngành tổ chức đóng gói rác ở Bãi Nhác để đưa vào bờ xử lý. Kinh phí thực hiện khoảng 70 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)