Rắc rối chuyện tính tuổi ở Hàn Quốc

Ngọc Mai
Ngọc Mai
03/06/2019 21:30 GMT+7

Ở Hàn Quốc, một đứa trẻ vừa ra đời đã là 1 tuổi và bé sẽ lên 2 tuổi ngay ngày đầu năm mới.

Không rõ truyền thống có từ bao giờ nhưng một em bé ở Hàn Quốc sẽ được tính là một tuổi ngay khi vừa chào đời. Một số người lý giải là do tính tuổi trong bụng mẹ, tức thời gian mẹ mang thai đứa bé (thường trên dưới 9 tháng). Một số giả thiết khác thì cho rằng điều này xuất phát từ hệ số cổ của người châu Á không tính số 0, theo tờ The Guardian.
Ngoài ra, việc cộng ngay 1 tuổi khi vừa bước sang ngày đầu năm mới cũng khiến nhiều người lúng túng. Một em bé nếu sinh ngay trước thời khắc giao thừa thì khi đồng hồ điểm sang năm mới dương lịch, bé sẽ ngay lập tức được tính đã 2 tuổi. Trên thực tế, việc tính tuổi theo năm không chỉ có ở Hàn Quốc.
Theo The Guardian, nhiều người Hàn Quốc khi được người nước ngoài hỏi về tuổi, họ sẽ trả lời cả “tuổi Hàn” và “tuổi quốc tế”, kèm theo lời giải thích gây bối rối cho người nghe.Tuổi quốc tế được tính theo ngày, có nghĩa nếu bạn sinh ngày 1.12.1999 thì đến ngày 1.1.2019, bạn vẫn chỉ 19 tuổi 11 tháng (nói gọn lại vẫn là 19 tuổi). Trong khi đó, ở Hàn Quốc bạn sẽ được tính là 21 tuổi.
Gần đây, nghị sĩ Hwang Ju-hong đã trình một dự luật yêu cầu chính phủ dùng cách tính tuổi theo chuẩn quốc tế trên các văn bản chính thức và khuyến khích mọi người sử dụng cách tính này trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Hwang cho rằng vấn đề lớn nhất là tuổi pháp lý và tuổi được sử dụng trong đời sống hàng ngày khác nhau. Ông nhấn mạnh tuổi quốc tế được dùng ở các khu vực công như tòa án, bệnh viện, trong khi tuổi tính theo kiểu Hàn Quốc chỉ dùng trong đời sống hằng ngày. Và cách tính khác nhau đó gây bất tiện.
Nghị sĩ này nói rằng nhiều bậc phụ huynh có con sinh vào tháng 12 rất lo lắng khi con cái mình sẽ phải học chung với những bạn bằng tuổi nhưng rõ ràng lớn hơn.
Kim Sun-mi, một bà mẹ vừa sinh con vào ngày 30.12.2018 chia sẻ con gái cô đã làm sinh nhật 2 tuổi chỉ 2 ngày sau khi ra đời và điều đó rất bất lợi cho các bé sinh vào cuối năm.
Chính vì cách tính này, một số người cố để lập kế hoạch mang thai sao cho con họ không sinh vào cuối năm. Một số khác “chơi chiêu” bằng cách khai sinh cho con vào tháng 1 năm sau thay vì để cuối năm trước.
Tuy vậy, không phải tất cả người Hàn Quốc đều nghĩ cách tính tuổi truyền thống là lạc hậu hay không phù hợp, bởi họ cho rằng điều này phản ánh tầm quan trọng của lịch âm trong xã hội đông Á.
"Thống nhất cách tính tuổi theo hệ thống tuổi quốc tế có nghĩa là phá vỡ các quan niệm truyền thống về thời gian dựa trên lịch mặt trăng", nhà nghiên cứu cấp cao Jang Yoo-seung tại Trung tâm Nghiên cứu Phương đông, Đại học Dankook, đánh giá.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.