Rắc rối hẻm chung trong các tranh chấp nhà đất

17/05/2017 09:02 GMT+7

Một bên nói có hẻm chung, một bên nói không. Rốt cuộc phát sinh nhiều vấn đề về pháp lý. Đây là vụ việc khá điển hình cho những rắc rối về tranh chấp nhà đất ở đô thị.

Bên nói có hẻm, bên lại bảo không!
Bà Lê Thị Mỹ (166/5/22 Lý Thái Tổ, P.1, Q.3, TP.HCM) gửi đơn đến Báo Thanh Niên phản ánh: Bà mua căn nhà ở địa chỉ 166/5/22 Lý Thái Tổ từ năm 1986, lúc đó, giữa nhà bà và nhà 166/5/20 Lý Thái Tổ (do bà Đoàn Thị Tuyết sở hữu) có hẻm chung, diện tích khoảng 0,9 m x 10 m, cả hai nhà đều trổ cửa sổ ra hẻm này.

tin liên quan

Trường mẫu giáo giữa xưởng cưa và bãi củi
Hàng trăm trẻ em cùng giáo viên tại điểm trường Mẫu giáo Điện Phương đang bị bủa vây bởi mùi hôi thối, tiếng ồn từ xưởng cưa và bãi tập kết củi của 2 doanh nghiệp chỉ cách trường một con đường khoảng 3 m.
Theo bà Mỹ, năm 1999 trong giấy thỏa thuận về việc xác định ranh giới nhà đất do bà Lê Thị Mỹ lập, bà Đoàn Thị Tuyết có ký xác nhận giữa 2 nhà có hẻm nhỏ. Trước năm 2008, bà Đoàn Thị Tuyết qua xin bà Mỹ cho bít hai đầu hẻm vì chuột nhiều, người nghiện ma túy vào hút chích rất dơ bẩn, nguy hiểm. Nhưng đến năm 2008, UBND Q.3 đã công nhận chủ quyền phần hẻm này cho bà Tuyết, thể hiện trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 1259/2008/GCN-UB ngày 8.4.2008.
Năm 2013, bà Đoàn Thị Tuyết chuyển nhượng nhà đất cho bà N.T.H.T. Cuối tháng 3.2017, bà T. đập nhà cũ để xây mới thì bà Lê Thị Mỹ mới biết hẻm chung đã được cấp chủ quyền.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên, bà Đoàn Thị Tuyết khẳng định: “Khoảng năm 1957 giữa 2 nhà có khoảng hở bề ngang 2 m và chủ trước của bà Mỹ có thỏa thuận với gia đình tôi chia khoảng hở này làm 2 phần. Sau khi chia, chủ trước nhà bà Mỹ xây dựng nhà như hiện nay và bán lại cho người khác rồi người này bán lại cho vợ chồng bà Mỹ. Bà Mỹ mua nhà sau này nên không nắm rõ sự việc, vì thế cứ nghĩ đó là hẻm chung”.
Bà Tuyết trình bày thêm sau khi phân chia khoảng hở, do không có điều kiện xây dựng nhà mới nên gia đình bà để trống, chỉ sử dụng một phần khoảng hở làm cầu thang lên lầu. Trong giấy kê khai năm 1999 do bà Tuyết lập, bà Mỹ cũng đã ký xác nhận giữa 2 nhà tiếp giáp vách hông. Do đó, bà Tuyết cho rằng việc bà Mỹ nói giữa 2 nhà có hẻm chung là không có cơ sở.
Nên khởi kiện ra tòa
Liên quan đến vụ việc, ngày 17.4, Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.3 đã tổ chức cuộc họp với sự có mặt của hộ bà Đoàn Thị Tuyết, Lê Thị Mỹ… để lắng nghe ý kiến của các bên.
Sau khi nghe hai bên trình bày vụ việc, ông Hoàng Đại Công - chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.3, khẳng định qua những tài liệu lưu trữ tại Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.3 thì việc cấp giấy chứng nhận chủ quyền cho bà Đoàn Thị Tuyết là đúng trình tự pháp luật. Khi kiểm tra nhà để cấp giấy cho hộ bà Tuyết, cán bộ không thấy giữa hai nhà có hẻm chung.
“Sau khi làm việc với các bên, Phòng Tài nguyên - Môi trường đã có tờ trình đến UBND Q.3 để trả lời cho hộ bà Lê Thị Mỹ khi bà Mỹ khiếu nại với nội dung như đã nói ở trên. Nếu hộ bà Mỹ vẫn cho rằng giữa 2 nhà có hẻm chung và tiếp tục tranh chấp thì phải khởi kiện ra tòa án để được giải quyết”, ông Hoàng Đại Công cho biết.
Bà Lê Thị Mỹ phải cung cấp được chứng cứ chứng minh con hẻm giữa 2 nhà là hẻm chung thông qua các tài liệu như tờ kê khai nhà đất, thông tin được lưu trữ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền... Khi có đủ chứng cứ, bà Lê Thị Mỹ có thể khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND Q.3 khi công nhận chủ quyền hẻm chung cho hộ bà Đoàn Thị Tuyết (nếu còn thời hiệu khởi kiện hành chính).
Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Tiến Mạnh (Đoàn luật sư TP.HCM)
 

tin liên quan

Xe ben hoành hành trong khu dân cư
Người dân sống ven đường Ngô Quyền, xã An Hòa, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) hiện rất khổ sở chịu cảnh khói bụi, ô nhiễm và mất an toàn giao thông, khi mỗi ngày có hàng trăm lượt xe ben nối đuôi nhau ầm ầm chạy qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.