Nằm cách Hà Nội 40 km về hướng đông đông bắc, xã Song Hồ từ lâu nổi tiếng với dòng tranh dân gian Đông Hồ. Ngày nay, nghề làm tranh dân gian bị mai một, những thợ thủ công truyền thống vẽ tranh Đông Hồ liên tục bỏ nghề, chuyển sang làm hàng vàng mã.
Được mệnh danh là “đại công xưởng vàng mã” hay “thủ phủ vàng mã” lớn nhất miền Bắc, nhiều năm nay, cứ vào tháng 7 âm lịch, những con đường ra vào xã lại nhộn nhịp xe cộ đến mua hàng. Đây được xem là một trong 2 "mùa vụ" lớn nhất trong năm của dân làng.
Mẫu mã đa dạng nhưng ảm đạm người mua
Theo ghi nhận của Thanh Niên, các mặt hàng vàng mã được sản xuất khá phong phú, đa dạng, từ biệt thự, xe hơi tới điện thoại, ti vi... Tuy nhiên, trái với cảnh nhộn nhịp, tất bật thường thấy hàng năm, năm nay, dù đã cận kề ngày rằm tháng 7, không khí mua bán tại "thủ phủ vàng mã" lại có phần đìu hiu. Nhiều hộ dân phản ánh, tính đến thời điểm hiện tại, vàng mã bán rất chậm, chỉ bằng 40 - 50% so với năm ngoái.
Anh Nguyễn Đức Trường (40 tuổi, trú xã Song Hồ) cho biết, những năm trước, khắp làng đã nhộn nhịp làm từ cuối tháng 5, nhưng năm nay cuối tháng 6 mới sản xuất các sản phẩm mới.
"Tôi đã gắn bó với nghề được hơn 7 năm. Thời điểm này năm ngoái, xưởng nhà tôi lúc nào cũng có cả chục người làm. Tuy nhiên, năm nay thị trường vàng mã tiêu thụ khó khăn nên chỉ dám thuê 3 - 4 nhân công", anh Trường nói.
Lý giải nguyên nhân thị trường ảm đạm, theo anh Trường, những năm gần đây, việc đốt vàng mã được cơ quan chức năng và một số ngôi chùa kêu gọi hạn chế. Bên cạnh đó, kinh tế năm nay khó khăn, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn.
Thương lái ép giá
Tương tự xã Song Hồ, tại làng Phúc Am (xã Duyên Thái, H.Thường Tín, Hà Nội) - một trong những nơi nhiều đời nay người dân có nghề làm hàng mã, dịp cận kề rằm tháng 7 năm nay, hoạt động buôn bán cũng trong cảnh ế ẩm.
Theo người dân địa phương, năm nay, các hộ kinh doanh sản xuất các loại vàng mã rất đa dạng, có kích thước lớn để phục vụ nhu cầu cúng lễ như bộ trang sức nam, xe sang Maybach, iPhone 14, biệt thự... được bày bán rất nhiều nhưng rất ít người đến mua.
Ông Nguyễn Văn Thanh (người dân có 8 năm làm nghề sản xuất vàng mã tại làng Phúc Am) cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, các đơn hàng bắt đầu giảm mạnh. Ngày trước, khi vào vụ ngày rằm tháng 7 và dịp cuối năm, đầu năm, lễ hội diễn ra liên tục, gia đình phải huy động cả chục người làm, thế nhưng thời điểm này cũng chỉ có 3 người làm.
Anh Trường thông tin thêm, năm nay lượng thương lái đến mua vàng mã giảm khá mạnh. Đáng chú ý, các mặt hàng bán chậm khiến thương lái buộc phải ép giá.
"Những chiếc xe máy vàng mã gia đình tôi sản xuất vẫn bán với giá 30.000 đồng/xe, nhưng nay bị thương lái ép giá xuống khoảng 20.000 - 25.000 đồng/xe… Năm nay, chỉ những sản phẩm độc, lạ, được khách hàng đặt trước mới bán được giá cao, còn lại những sản phẩm khác ế ẩm hoặc bị thương lái ép giá", anh Trường nói.
Dưới đây là một số hình ảnh Thanh Niên vừa ghi nhận tại "thủ phủ vàng mã" xã Song Hồ và làng Phúc Am:
Người dân vẫn tất bật sản xuất nhưng đơn hàng đã ít đi rất nhiều
ĐÌNH HUY
Những mặt hàng mang tính "hiện đại" như bộ trang sức nam, xe sang Maybach, iPhone 14, biệt thự... được bày bán rất nhiều
ĐÌNH HUY
Bình luận (0)