Tháng lễ hội Xuân Tân Sửu, để phòng dịch Covid-19, một số ngôi chùa lớn ở TP.HCM đã đóng cửa để tránh người dân tập trung đông người. Theo ghi của PV Thanh Niên sáng 26.2, dù không phải cuối tuần nhưng người dân đến các chùa như Chùa Ngọc Hoàng (Q.1), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), chùa Vĩnh Nghiêm,... để đi lễ chùa, cầu bình an dịp rằm tháng Giêng.
Tại Pháp viện Minh Đăng Quang (Q.2) từ 7 giờ sáng đã nhiều người đến chùa. Tuy nhiên, trước khi vào chùa người dân sẽ được các đệ tử của chùa và bảo vệ đo thân nhiệt và xịt rửa tay sát khuẩn. Bảo vệ tại Pháp viện Minh Đăng Quang cho biết hàng năm người đến chùa vào rằm tháng Giêng rất đông, khuôn viên chùa khá rộng nhưng vẫn không đủ chỗ để xe.
|
|
|
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (32 tuổi) quê ở tỉnh An Giang lên đi lễ chùa, chị chia sẻ năm nào cũng đón xe lên TP.HCM để đi lễ chùa ngày rằm tháng Giêng cầu bình an. “Tôi đi một mình, thuê nhà trọ để ở lại qua đêm, nay đi chùa xong thì về lại ở dưới, năm nay thấy vắng hơn mọi năm, dịch nên khi đến chùa mình cũng chú ý đeo khẩu trang rửa tay đo thân nhiệt đầy đủ.Cũng không quen ai nên không tiếp xúc với ai nhiều”, chị nói.
Tại khu vực trước cửa chùa Ngọc Hoàng (Q.1), đội quản lý trật tự đô thị phải liên tục nhắc người dân không dừng xe dưới lòng đường để tránh ùn tắc. Một số người chưa nắm thông tin, đến nơi mới biết chùa đóng cửa nên ra về, số khác thì đến trước cổng chùa đứng vái, ghi thông tin cúng sao gửi vào chùa rồi cũng nhanh chóng rời đi.
Thấy nhiều người đang tập trung ở cổng nên chị Nguyễn Thị Như (32 tuổi, ngụ Q.7) đậu xe tạm trên vỉa hè chờ ít người mới đến vái để phòng dịch. Chị Như cho biết mình đã lên Sài Gòn làm việc được gần 10 năm, dù ở xa nhưng các ngày rằm lớn nhỏ đều đến đây vì “có duyên”.
“Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi luôn tuân thủ quy định, không vào chùa cũng được, không sao, tôi chỉ cầu mong mình và gia đình được bình an, có sức khỏe. Vậy là được rồi”, chị Như nói thêm.
|
|
Cùng suy nghĩ với chị Như, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (59 tuổi, ngụ Q.6) dù biết Việt Nam Quốc Tự (Q.10) đóng cửa nhưng sáng nay vẫn đến để cúng dường và vái ở khu vực sân chùa. Bà Hạnh cho biết thêm, dịch bệnh nên đến chùa bà đều đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và chọn ra vào cửa ít người để tránh tiếp xúc.
“Theo tôi, không nhất thiết phải vào chánh điện mới là đi chùa, thành tâm hay không là ở tấm lòng thôi. Mỗi khi đi chùa, điều đầu tiên tôi cầu mong luôn là sức khỏe, có nó là có tất cả, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay”, bà Hạnh chia sẻ.
|
|
|
Trong khi đó, chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) vẫn mở cửa để người dân tự do vào cúng vái trong ngày rằm tháng giêng. Chùa cũng liên tục phát loa nhắc nhở Phật tử và người dân đến đây thực hiện tốt việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách với nhau và đặc biệt là đốt lượng nhang vừa đủ.
Phần lớn người dân đến đây sau khi thắp nhang, thả chim phóng sanh xong đều nhanh chóng ra về nên không xảy ra tình trạng thiếu chỗ giữ xe hay chen lấn. Bà Nguyễn Thị Đông (83 tuổi, ngụ Q.3) cho biết nhà bà gần đây nên quan sát chùa bớt người mới qua cúng vái.
|
|
“Tôi ở đây cũng hơn 40 năm và là phật tử của chùa nên rằm lớn nhỏ hay ngày thường tôi đều qua để làm công quả và tụng kinh. Năm nay có dịch nên chùa có lác đác người đến chứ bình thường những ngày này là chen chân không lọt luôn, đông lắm”, bà Đông cho biết thêm.
Thượng tọa Thích Nhật Từ (Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM, trụ trì chùa Giác Ngộ) cho biết trước ngày rằm tháng Giêng chùa Giác Ngộ (Q.10) đã gửi thông báo qua các diễn đàn Facebook và Youtube của chùa, đồng thời danh bạ Phật tử hơn 80.000 người cũng được thông tin qua email và hệ thống truyền thông của chùa Giác Ngộ nên sẽ không có tình trạng đến chùa tập trung như mọi năm. Ngoài ra khi phát trực tiếp chùa cũng làm theo dạng Karaoke, mỗi một câu Kinh ở chùa phát trực tiếp thì phật tử có thể đọc theo câu Kinh bên dưới.
Bình luận (0)