Về Lệ Thủy những ngày mưa lũ dữ dội, tôi chứng kiến những chuyện xưa nay chưa thấy. Đó là cảnh những con thuyền đánh cá của làng biển Ngư Thủy ngược xuôi trên nước lũ. Ban đầu cứ nghĩ bà con nhanh trí làm “dịch vụ”. Nhưng không, họ đang đi cứu người. Trong đêm tối 17 rạng ngày 18.10, mưa như trút, nước lũ về ầm ầm, người kẻ roọng (các xã làm nông - PV) kêu cứu thất thanh. Nhận tin, người kẻ biển bật dậy khỏi giường, hò hét nhau đi cứu nạn. Không có xe, họ phải khiêng thuyền bằng tay, bỏ lên xe, đẩy bộ chạy mười mấy cây số.
Và cuộc đổ bộ của đội tàu biển đã cứu được hàng trăm sinh mạng. Sau lũ, tôi về thôn Mỹ Hà (xã Mỹ Thủy, H.Lệ Thủy), người làng này cảm động gạt nước mắt: “Nếu không có thuyền Ngư Thủy thì xóm này chết hết rồi”.
Không chỉ cứu mạng, người Ngư Thủy còn cứu đói, cứu rét. Khi đàn ông lên thuyền, phụ nữ ở nhà gom góp áo quần cũ và tiền bạc đi mua bánh, mì, nước rồi bỏ vào từng bao nhỏ chuyển ra thuyền mang đi cho người vùng lũ. Rồi họ tiếp tục tổ chức nấu cơm, bỏ vào hộp gọn gàng sạch sẽ.
Chuyện Ngư Thủy đã khơi dậy cả một phong trào cứu đói tại chỗ. Chính quyền và người dân các xã vùng ít bị ảnh hưởng của lũ lụt như Sen Thủy, Thái Thủy, Hưng Thủy, Trường Thủy, Mai Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy... và cả những thôn không bị ngập lụt đã xắn tay góp gạo nấu cơm, bới đi cứu đói.
“Rằng qua cơn lận đận, mới hiểu tận lòng nhau...”, câu hát quen thuộc đã ngân lên. Sự lận đận của người miền Trung, của người vùng lũ Quảng Bình có lẽ còn dài nhưng tấm lòng như đã hòa chung chén nước. Bởi vậy, dù đang ngập lũ lần thứ 3, nhưng những ngày qua người dân xã An Thủy cũng đã quyên góp tiền của để san sẻ với người miệt biển Ngư Thủy đang gặp khó khăn...
Trong hoạn nạn, sự chia sẻ, dù rất nhỏ, cũng luôn cần thiết và đáng trân quý.
Bình luận (0)