Rạng sáng mai, thời điểm 'vàng' để người Việt ngắm hành tinh nhỏ nhất hệ mặt trời

08/05/2024 20:20 GMT+7

Rạng sáng mai 9.5, trước khi mặt trời mọc là thời điểm 'vàng' để người yêu thiên văn Việt Nam quan sát sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất hệ mặt trời. Vì sao?

Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía tây

Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), ngày 9.5 là thời điểm sao Thủy, hành tinh nhỏ nhất hệ mặt trời ở vị trí ly giác cực đại về phía tây. Dự báo sao Thủy sẽ đạt độ giãn dài lớn nhất về phía tây là 26,4 độ tính từ mặt trời.

Rạng sáng mai, thời điểm 'vàng' để người Việt ngắm hành tinh nhỏ nhất hệ mặt trời- Ảnh 1.

Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất hệ mặt trời

VACA

“Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát sao Thủy vì nó sẽ ở điểm cao nhất phía trên đường chân trời trên bầu trời buổi sáng. Hãy tìm hành tinh này ở vị trí thấp trên bầu trời phía đông ngay trước khi mặt trời mọc”, HAS hướng dẫn.

Còn Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) thì cho biết thời điểm sao Thủy ly giác cực đại về phía tây, hành tinh nhỏ nhất và gần mặt trời nhất này sẽ ở vị trí cách xa mặt trời nhất khi nhìn từ trái đất. Điều này khiến nó dễ dàng được quan sát hơn do ít bị lóa bởi ánh sáng mặt trời. Vào lúc sáng sớm, bạn sẽ tìm thấy nó nằm khá thấp trên bầu trời phía đông, trước khi mặt trời ló dạng.

Trong khi đó, theo các nhà nghiên cứu, vào các ngày 24.3, 22.6 và 16.11 năm nay, sao Thủy đạt biên độ cực đại về phía đông. Do có chu kỳ ngắn, sao Thủy nhanh chóng đi sang phía bên kia của mặt trời theo góc nhìn của chúng ta. Lúc này, bạn sẽ thấy nó vào lúc chiều tối ở dưới thấp của bầu trời phía tây, khi mặt trời bắt đầu lặn.

Nhật Nam (20 tuổi, ngụ TP.HCM) cho biết vì không có sẵn kính thiên văn nên chàng sinh viên đam mê thiên văn này cho biết sẽ mượn kính của bạn bè để quan sát: “Mình nghĩ với thời tiết này, buổi sáng có thể thích hợp để quan sát sao Thủy. Với mình, đây thực sự là thời điểm vàng vì đây là hành tinh không dễ để quan sát".

"Bí mật" của sao Thủy

Theo space.com, hành tinh nhỏ và có nhiều miệng núi lửa này không có bất kỳ mặt trăng nào và chuyển động quay quanh mặt trời nhanh hơn bất kỳ hành tinh nào khác trong hệ mặt trời. Đó là lý do tại sao người La Mã đặt tên nó theo tên vị thần đưa tin nhanh nhẹn của họ, Mercurius.

Tìm hành tinh này ở vị trí thấp trên bầu trời phía đông ngay trước khi mặt trời mọc

Tìm hành tinh này ở vị trí thấp trên bầu trời phía đông ngay trước khi mặt trời mọc

HUY HYUNH

Đây là hành tinh dày đặc thứ 2 sau trái đất, với lõi kim loại khổng lồ rộng khoảng 3.600 - 3.800 km, tương đương khoảng 75% đường kính của hành tinh. Vì hành tinh này rất gần mặt trời nên nhiệt độ bề mặt của sao Thủy có thể lên tới mức thiêu đốt 450oC.

Tuy nhiên, ban đêm nhiệt độ của hành tinh này có thể giảm mạnh xuống -170oC, nhiệt độ dao động hơn 600oC, lớn nhất trong hệ mặt trời.

Space.com cũng thông tin tốc độ sao Thủy quay quanh mặt trời hay một năm trên sao Thủy bằng 88 ngày trên trái đất, di chuyển trong không gian với tốc độ gần 180.000 km/h, nhanh hơn bất kỳ hành tinh nào khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.