Một sinh viên gốc Việt tại phòng thí nghiệm hóa học của Đại học Cộng đồng Surry, bang Bắc Carolina |
Đại học Cộng đồng Surry |
Tại Mỹ, dân gốc Á luôn được công nhận giỏi toán và khoa học. Từ năm 1987, tạp chí Time đăng trang bìa hình ảnh 6 học sinh ngồi sau máy tính và những chồng sách vở, với dòng chú thích “Những đứa trẻ thông minh và tài năng người Mỹ gốc Á”. Dựa trên quan niệm này, nhiều người cho rằng dân gốc Á có thể dễ dàng theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, toán học và kỹ thuật). Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn ngược lại.
Thách thức cho sinh viên gốc Á
Tháng 2.2018, tạp chí The Atlantic dẫn kết quả khảo sát của Đại học California ở San Francisco (bang California) phát hiện sinh viên Mỹ gốc Á, đặc biệt là nữ giới, thường đối mặt những thách thức và trở ngại đáng kể trong lĩnh vực STEM vì tình trạng phân biệt sắc tộc. Gần đây nhất, đội ngũ nghiên cứu của Đại học Buffalo cuối tháng 9 vừa qua công bố báo cáo phơi bày thực tế đáng buồn: sinh viên gốc Việt nằm trong nhóm các nạn nhân bị đối xử bất bình đẳng khi theo đuổi chuyên ngành liên quan đến STEM.
Theo báo cáo được bình duyệt và đăng tải trên chuyên san Journal of Diversity in Higher Education, người Mỹ gốc Á là thuật ngữ được dùng cho hơn 20 phân nhóm dân tộc khác nhau với nhiều ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử khác biệt, trong đó có người Mỹ gốc Việt. Thế nhưng, đồng tác giả - TS Myung Hyun Jo cho hay báo chí và dư luận Mỹ thường đánh đồng họ thành một nhóm duy nhất.
Nhóm của ông đã phân tích kết quả khảo sát do Trung tâm thống kê giáo dục quốc gia công bố năm 2009, chứa dữ liệu về thành tích của hơn 26.000 học sinh cấp 3 và tiếp tục theo dõi 8 năm sau khi các đối tượng tốt nghiệp trung học. Các học sinh gốc Á được chia thành các phân nhóm: Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thành tích học tập dựa trên điểm toán ở lớp 12, và chuyên ngành ở đại học.
Ở nhóm tham gia đại học chương trình 2 năm, vẫn có nhiều sinh viên gốc Việt và gốc Thái chọn chuyên ngành STEM, nhưng con số này giảm mạnh ở các chương trình 4 năm. Điểm toán trung bình vào năm lớp 12 của các học sinh gốc Philippines, Thái Lan và Việt Nam thấp hơn so với các học sinh gốc Á khác. Đồng thời, sinh viên gốc Ấn Độ, Sri Lanka và Trung Quốc nhiều khả năng được nhận vào các đại học danh tiếng hơn.
Nhu cầu cấp bách
“Cuộc nghiên cứu cho thấy di dân gốc Á tại Mỹ luôn phải tự thân nỗ lực để vượt qua các rào cản xã hội và vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ thích đáng từ các ban ngành liên quan”, TS Jo phân tích. Theo nhà nghiên cứu, điều đó cho thấy các học sinh gốc Philippines,Thái Lan và Việt Nam là nạn nhân “vô hình” của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong môi trường học đường Mỹ, và họ bị loại trừ khỏi những cuộc thảo luận về vấn đề bình đẳng và công lý.
Sau các tội ác vì kỳ thị người gốc Á, nạn nhân vượt qua nỗi sợ hãi thế nào? |
Dựa trên những phát hiện mới, đội ngũ chuyên gia kêu gọi giới hữu trách, những nhà hoạch định chính sách và các giảng viên cần phải tìm hiểu nhu cầu cụ thể của các học sinh gốc Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Họ hy vọng báo cáo sẽ tạo động lực cho các ban ngành liên quan triển khai những cải cách phù hợp để giúp đỡ các đối tượng bị đối xử bất bình đẳng trên.
Báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B năm 2020 đã phân tích tình trạng nhân khẩu học của các nhà khoa học xuất hiện trong 7 quyển sách giáo khoa chuyên về sinh học nhập môn phổ biến nhất trên khắp nước Mỹ. Kết quả cho thấy chưa đến 7% số nhà khoa học trong sách là người da màu, và ít hơn 3% là người gốc Á. Trong khi đó, hơn 90% là các nhà khoa học da trắng và 86% là nam giới. “Nhìn chung, rất ít những gương mặt nhà khoa học gốc Á được đề cập trong sách giáo khoa, và với tốc độ hiện nay, ước tính phải mất nhiều thế kỷ để cải thiện tình trạng này”, báo cáo dẫn lời đội ngũ chuyên gia của Đại học Auburn (TP.Auburn, bang Alabama). Các tác giả kêu gọi những nhà xuất bản sách giáo khoa hãy mở rộng phạm vi chọn lọc để phản ánh sự đóng góp của giới khoa học gốc Á trong lịch sử Mỹ.
Bình luận (0)