Rào cản pháp lý ngăn Mỹ bán tài sản bị phong tỏa

30/04/2022 09:42 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy quốc hội gia tăng thẩm quyền để tịch thu và thanh lý tài sản của giới tài phiệt Nga nhằm gây thêm sức ép để Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Hạ viện Mỹ ngày 27.4 thông qua dự luật Đạo luật tịch thu tài sản để tái thiết Ukraine, cho phép tổng thống tịch thu và thanh lý tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân bị cấm vận và số tiền thu được chỉ được sử dụng cho một số mục đích nhất định như tái thiết, viện trợ nhân đạo, vũ khí cho quân đội Ukraine và viện trợ nhân đạo, phát triển cho người dân Nga.

Siêu du thuyền của một tỉ phú Nga bị Tây Ban Nha tạm giữ theo yêu cầu của Mỹ

Reuters

Việc tịch thu chỉ có thể được thực hiện trong vòng 2 năm từ khi dự luật được ban hành và nếu Nga còn tham gia chiến sự tại Ukraine, tổng thống Mỹ đã cấm vận chủ nhân của tài sản vì cuộc xung đột và tài sản đó trị giá hơn 5 triệu USD.

Ngày 28.4, Tổng thống Biden trình quốc hội đề xuất gói hỗ trợ an ninh, kinh tế và nhân đạo 33 tỉ USD cho Ukraine. Bên cạnh đó, ông Biden đề xuất hình sự hóa việc né tránh lệnh cấm vận, kéo dài thời hiệu truy tố tội rửa tiền từ 5 lên 10 năm, hình sự hóa tội sở hữu tài sản dù biết tài sản đó liên quan đến giao dịch tham nhũng với Nga. Tài sản bị tịch thu, gồm bất động sản, du thuyền… sẽ được bán đi để bù đắp những thiệt hại mà chiến dịch quân sự của Nga gây ra tại Ukraine.

Rào cản pháp lý ngăn Mỹ bán tài sản Nga bị phong tỏa

Theo luật liên bang Mỹ hiện hành, chỉ có Bộ Tư pháp mới có thẩm quyền quyết định việc sử dụng số tiền từ việc tịch thu tài sản, theo AP. Bên cạnh đó, quy định về người có thể thụ hưởng số tiền đó cũng được cho là hết sức nghiêm ngặt nên không dễ để chính quyền chi hỗ trợ Ukraine, Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland nói trong một phiên điều trần gần đây. Do đó, chính quyền Tổng thống Biden muốn nới lỏng quy định để các quan chức dễ dàng hơn khi quyết định sử dụng tài sản bị phong tỏa hay bị tịch thu. Tuy nhiên, cựu công tố viên Ryan Fayhee của Bộ Tư pháp Mỹ, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực tư nhân chuyên về cấm vận, cho rằng việc tịch thu tài sản chắc chắn sẽ gây ra nhiều vụ kiện tụng trong tương lai.

Nhà Trắng cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã cấm vận và ngăn chặn số tàu thuyền, máy bay trị giá hơn 1 tỉ USD của những người Nga. Giới luật sư Mỹ cho rằng quá trình thanh lý tài sản tịch thu và sử dụng số tiền thu được có thể mất nhiều năm.

Tổng thống Biden muốn có "ngân sách chiến tranh" 33 tỉ USD cho Ukraine

Mặt khác, những đề xuất mới của chính quyền Mỹ không nhắc đến tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB). Lượng dự trữ ngoại hối hơn 600 tỉ USD của ngân hàng này đang bị Mỹ và đồng minh đóng băng. Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tỏ ra dè dặt về việc dùng tài sản đóng băng của RCB để tái thiết Ukraine và nhấn mạnh ý tưởng này chỉ có thể thực hiện khi có sự sửa đổi luật trong nước và sự đồng thuận với các đồng minh, đối tác của Mỹ, theo tờ The Washington Post.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.