Con nhà hoàng phái mê chớp bóng
Hồi tưởng về rạp chiếu phim Rex, Đại Nam được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á trước 1975, anh Nguyễn Phước Bảo Trọng (Q.6, TP.HCM) kể lại: "Ông cố Nguyễn Phước Ưng Thi nhà tôi là người xây rạp. Ở miền Trung trước 1954, nhà ông Ưng Thi là gia đình hoàng phái giàu có bậc nhất đất miền Trung. Tuy vậy, ba anh em Ưng Thi, Ưng Du, Ưng Bình lại thích sống ở miền Nam nên di cư vào Sài Gòn ở hết. Mấy ổng làm nghề buôn bán đất đai, lập công ty mua bán xe hơi, hãng xe đò, xây nhà cho thuê khắp vùng Sài Gòn - Gia Định. Rồi vì "Phú quý sinh lễ nghĩa", mê phim nên các ông xây rạp chớp bóng, làm cho vui chứ không phải để kinh doanh".
"Rạp Rex ban đầu là một gara xe hơi, sau khi ông Ưng Thi mua lại thì xây thành khu thương xá, trong đó có một rạp chiếu phim lớn và hai rạp nhỏ là Rex mini A và B. Trước đó, anh em ông Ưng Thi xây rạp Đại Nam, không rõ từ khi nào nhưng phim chiếu ở đây tôi có xem từ năm 1959. Các rạp này thuộc hạng sang ở trung tâm Sài Gòn, chuyên chiếu những phim nhập mới của các nước phương Tây, có những phim khi nhập về được chiếu trên nhiều rạp cùng một lúc, có những phim hay khác họ thường chiếu độc quyền, chỉ có rạp họ được chiếu thôi", nhà sưu tầm Vũ Hải, hiện sống ở Mỹ, kể lại.
"Rạp Rex hay Đại Nam có các suất chiếu "thường trực ban ngày", chiếu liên tục, ai vô lúc nào cũng được, muốn ra về khi nào cũng được. Và suất "thường lệ" buổi tối là họ chiếu theo suất cố định, hết phim phải ra về để chiếu suất kế tiếp. Những phim được chiếu độc quyền ở Rex, Đại Nam, hay Eden hồi đó toàn phim hay, nổi tiếng, được nhiều giải Oscar. Có thể kể ra như các phim: Doctor Zhivago, Love Story, Les Canons De Navarone… Khi chiếu độc quyền họ chiếu dài ngày hơn, giá vé cao hơn, và chiếu theo suất, sau đó họ mới nhường quyền lại cho các rạp nhỏ chiếu tiếp. Giá vé khoảng từ 100 - 150 đồng một vé vào thập niên 1960 - 1970 ở các rạp lớn trung tâm Sài Gòn. Còn các rạp nhỏ ở các quận ven chỉ bằng nửa giá vé rạp trung tâm vì chiếu lại phim cũ. Nhưng thời điểm năm 1970 giá tô phở cũng chỉ khoảng 50 - 70 đồng", ông Vũ Hải nói thêm.
Ông Nguyễn Phước Vĩnh Tuấn, 70 tuổi, là con cháu của ông Ưng Thi, hiện ở TP.Long Khánh, Đồng Nai, kể: "Thời đó, rạp Rex có khán phòng lớn chưa từng có ở VN. Rạp được trang bị dàn máy lạnh có công suất lớn khiến hơn 1.000 khán giả ngồi xem phim lạnh run. Rạp có hai lầu nên giá vé khác nhau, trên lầu giá vé cao hơn và khách được dùng thang máy cuốn, rạp này là nơi đầu tiên ở VN có thang cuốn hiện đại. Ngoài ra, ông Ưng Thi và em trai là Ưng Du sau này còn xây thêm hai rạp mini Rex có số lượng ghế ít hơn, độ gần 200 ghế nhưng ấm cúng, sang trọng và chiếu toàn phim nước nhất".
Nàng Dalida ở Sài Gòn
Ông Nguyễn Chỉnh, 70 tuổi (Q.3, TP.HCM), từng dự khai trương rạp Rex lớn, nhớ lại: "Cuốn phim đầu tiên rạp Rex chiếu hôm khai trương là Ben Hur được 11 giải Oscar, cùng thời gian với rạp ở Mỹ. Và cũng không thể quên một buổi đại nhạc hội ở rạp này khi đích danh nữ ca sĩ Dalida đến biểu diễn".
Số báo ngày 7.7.1962, nhà báo Nhật Quang của tạp chí Kịch ảnh kể lại buổi biểu diễn ở rạp Rex với tựa đề Tiếng hát Dalida. Xin được trích lại một đoạn từ bài báo: "Đang băn khoăn không biết làm sao mua được một vé đi nghe Dalida ngay buổi "Dạ hội đầu tiên" thì anh Quốc Phong liệng cho cái vé 250 đ (đắt gấp đôi so với giá vé ngày thường - PV). Tại khu vực Tự Do - Lê Lợi (đường Đồng Khởi - Nguyễn Huệ ngày nay - PV), tôi đến Rex trước 9 giờ. Khách đi xem đến đã đông nghịt. Vé tối nay hết từ lâu. Vé những ngày sau cũng vợi đi nhiều. Mọi người đứng lộn xộn bàn tán nhỏ to, chốc chốc lại chạy ra chạy vào. Không có ban trật tự. Tôi nghĩ rồi không biết có đến nỗi "lộn xộn vĩ đại" khi Dalida đến không? (...)
(…) Sáu chiếc Haut-Parleurs Haute-Fidélité của riêng ban nhạc đã được sắp xếp sẵn sàng để tạo nền âm thanh nổi cho khán thính giả (4 cái trên scene, 2 cái treo hai bên tường khoảng đầu dãy ghế hạng chót)… Đúng 9 giờ 30 đêm diễn bắt đầu… Tổng cộng 20 bài, hát không ngừng trong 90 phút đồng hồ, Dalida quả đã chiều khán thính giả VN rất nhiều. Nếu trước kia ta nghe nói Dalida sau mỗi buổi trình diễn sút mất một hai ký mà không tin thì nay phải tin. Tôi chấm dứt bài này bằng bài phỏng vấn chớp nhoáng với một nữ khán giả bên cạnh: "Thưa cô, cô có thấy hài lòng và thấy hay không ạ? - Dạ hay lắm nhưng không thích bằng nghe đĩa". Tôi lại hỏi thêm: Cô thấy có… đáng đồng tiền không ạ? - Theo nghĩa bóng thì đáng lắm, theo nghĩa đen thì hơi đắt! Câu trả lời lắt léo hãy còn làm tôi thắc mắc mãi, không biết có phải ý kiến này tiêu biểu cho đa số khán thính giả hôm nay không? Quý vị độc giả cũng có mặt đêm nay nghĩ sao?". (còn tiếp)
"Đến năm 1973 thương xá Rex lúc này chỉ hoạt động phần còn lại làm 1 vũ trường, 3 rạp chiếu bóng (Rex A và Mini A, B), nhà hàng Cafeteria ở tầng trệt, hoạt động đến 30.4.1975, khi Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Với hơn 90 năm hình thành và phát triển, Rex Hotel Saigon ngày nay là một khách sạn sang trọng với 286 phòng ngủ, 5 nhà hàng và bar, hệ thống 8 phòng họp được trang bị hiện đại, khu mua sắm với những thương hiệu nổi tiếng thế giới…", trích phần giới thiệu trong lịch sử khách sạn Rex Sài Gòn ngày nay.
Bình luận (0)