Rạp hát cải lương đầu tiên 'Thầy Năm Tú' xác lập Kỷ lục Bất biến Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
14/09/2022 09:42 GMT+7

Trong Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam dưới góc nhìn của Kỷ lục vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố có rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam là Thầy Năm Tú ở Tiền Giang .

Thầy Năm Tú (hay Pierre Tú) được đặt tên cho rạp hát cải lương đầu tiên tại Việt Nam đã xác lập Kỷ lục Bất biến. Người này có tên thật là Châu Văn Tú, người làng Vĩnh Kim, Q.Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay

VietKings

Vốn sinh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên ông rất say mê nghệ thuật cải lương. Ông xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (hiện nay tọa lạc ở ngã ba đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, P.1, TP. Mỹ Tho) để các gánh biểu diễn. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta.

Rạp thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông, màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hằng đêm của thầy tuồng.

Rạp có hai tầng, ghế chia theo thứ hạng, trên lầu cạnh hai bên sân khấu được chia thành từng “lô” dành cho các vị khách quan trọng. Đến thập niên 1950-1960, rạp được bán lại cho một chủ tiệm vàng và đổi tên là Hí viện Vĩnh Lợi. Hí viện Vĩnh Lợi lúc bấy giờ vừa là rạp hát cho các đoàn cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh về biểu diễn vừa là rạp chiếu phim phục vụ công chúng.

Sau năm 1975, rạp Vĩnh Lợi được đổi tên thành Rạp hát Tiền Giang và nay trở lại với tên gọi là Rạp hát Thầy Năm Tú.

Rạp hát thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông, màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hằng đêm của thầy tuồng

VietKings

Từ năm 2010, sau khi được Sở VH-TT&DL tỉnh Tiền Giang trùng tu, ngày 4.6.2012, rạp hát Thầy Năm Tú được UBND tỉnh Tiền Giang ra quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Được biết, từ năm 2013 đến nay, hằng tuần, Sở VH-TT&DL tỉnh vẫn tổ chức chiếu phim màn ảnh rộng, biểu diễn đờn ca tài tử và tổ chức một số sự kiện văn hóa của tỉnh.

Cùng được công nhận Kỷ lục Bất biến Việt Nam năm 2022 còn có Hang Chư Bluk và Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) - hệ sinh thái rừng khô hạn duy nhất Việt Nam.

Hang Chư Bluk hay còn được gọi là Hang Dơi có chiều dài khoảng 25 km, thuộc xã Buôn Choah, H.Krông Nô, tỉnh Đắk Nông, nằm cách trung tâm huyện Krông Nô khoảng 20 km.

Bên trong hang chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ nhờ dòng chảy của nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong đá bazan. Theo các nhà nghiên cứu dự đoán, quá trình hình thành các hang lớn nhỏ bên trong diễn ra cách đây 3.700 năm trước bởi quá trình phun trào núi lửa.

Theo khảo sát sau 7 năm nghiên cứu, của nhóm các nhà khoa học thuộc Bảo tàng địa chất Việt Nam (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản) và các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy khu vực này có trên 100 hang động lớn nhỏ khác nhau, chiều rộng khoảng 5km, chiều dài khoảng 25 km.

Bước đầu đã tiến hành đo đạc được 5 hang (ký hiệu C3, C7, A1, C8, C9). Các hang đều có cấu trúc rất độc đáo và đặc trưng với dòng dung nham phun ngược, tạo nên cảnh kỳ vĩ, hang động C7 dài 1.066,5 m đã được công nhận là đẹp và dài, lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Nam Á, sau đó xếp thứ hai là hang C3 có chiều dài 594,4 m.

Còn khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa nằm ở H.Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) với tổng diện tích 106.646,45 ha; trong đó, vùng lõi là Vườn Quốc gia Núi Chúa với hơn 15.752 ha, vùng đệm chiếm hơn 48.762 ha và vùng chuyển tiếp gần 42.132 ha. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới duy nhất ở Việt Nam đại diện cho hệ sinh thái rừng khô hạn nhiệt đới.

Hệ sinh thái rừng ở khu vực này có giá trị đặc biệt vì thuộc vùng sinh thái Trường Sơn (Greater Annamites - thuộc khu vực SA4), là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là một trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên trái đất.

Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa được các nhà khoa học đánh giá là nơi có khí hậu khắc nghiệt nhất ở Việt Nam hiện nay với lượng mưa trung bình hằng năm dao động từ 700-800 mm, thời tiết quanh năm nắng nóng.

Điều kiện khí hậu khô nóng đã hình thành nên một hệ sinh thái đặc thù với diện tích khoảng 10.600 ha, chiếm khoảng 35% diện tích tự nhiên của Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa.

Hang Chư Bluk hay còn được gọi là Hang Dơi, bên trong hang chia thành hơn 100 hang động lớn nhỏ nhờ dòng chảy của nham thạch cách đây hàng triệu năm, ẩn mình trong đá bazan

VietKings

Điển hình của hệ sinh thái này là các loại thực vật có khả năng chịu hạn với các đặc điểm như rụng lá về mùa khô, cây thấp lùn; lá nhỏ và dày, có răng cưa, nhiều gai để giảm quá trình thoát hơi nước như xương rồng, trâm bầu, mùng quân ấn, lọ nồi ô rô, huyết giác, quyển bá xoắn...

Các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam dưới góc nhìn của Kỷ lục vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) công bố còn có Làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - hang động Thạch nhũ san hô duy nhất tại Việt Nam, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình)… (Còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.