Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Bao giờ rạp lại sáng đèn?

Lê Vân
Lê Vân
18/08/2023 07:21 GMT+7

Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn những người trong cuộc về bảo tồn và phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa rạp ở TP.HCM.

CỨU RẠP HÁT TRƯỚC

Làm gì để thiết chế văn hóa rạp không bị lụi tàn? NSND Kim Cương đáp ngắn gọn: "Tắt đèn đi, làm lại".

"Muốn thành một đêm diễn thì có 3 yếu tố không thể thiếu được: một là diễn viên, hai là khán giả, ba là rạp hát. Nếu có diễn viên, có khán giả mà mình ra chợ diễn thì không thành một đêm hát. Đem đoàn Kim Cương ra chợ hát thì không thành đêm diễn được. Mà nếu có rạp hát, có diễn viên lại không có khán giả thì cũng không thành rạp hát được. Rạp hát là thánh đường để người ta tới học cái hay, cái đẹp. Có điều đau lòng mà ai cũng thấy là sân khấu miền Nam trong khoảng gần 20 năm nay hình như không còn nữa. Thế hệ đi trước đạp lên tủi nhục, đạp lên nghèo đói để tạo nên sân khấu, thế mà bây giờ đủ hết tiền bạc lại mất sân khấu? Tại sao khi giải phóng vào có mấy chục cái rạp, mấy chục đoàn hát, không có đêm nào còn chỗ cho người ta xem? Bạn có biết vở Lá sầu riêng của Kim Cương diễn ở rạp Hòa Bình tới hơn 2.000 chỗ mà 6 tháng liên tục vẫn cháy vé?

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Bao giờ rạp lại sáng đèn? - Ảnh 1.

NSND Kim Cương tại buổi phỏng vấn

Ngọc Dương

Bây giờ muốn phục hưng sân khấu chỉ có cách tắt đèn, làm lại. Phải kéo khán giả đi coi hát lại từ từ. Nếu có thể thì một tháng anh cho tụi tui kinh phí diễn 10 ngày, mời khán giả đi xem không tốn vé, có kinh phí để nghệ sĩ làm những vở diễn thật hay. Như sân khấu ở nước ngoài đâu có chết vì họ được nhà nước lo hết để bảo tồn. Một năm họ diễn tầm 6 tháng, 3 tháng tập, 3 tháng chuẩn bị cho buổi diễn. Bây giờ một vở kịch có khi chỉ tập được một vài tuần lễ rồi ra hát vì đoàn khó khăn. Đoàn Kim Cương hồi đó tối thiểu cũng phải tập 1 - 2 tháng vì đây là nghệ thuật tổng hợp, không phải ra đứng nói không là thành kịch được. Nó phải kết hợp với đèn, âm nhạc, cảnh trí thì nội mà tập cho vào được cái đó là mấy tháng trời. Mình phải chuẩn bị món ăn hạng nhất như vậy thì mời người ta mới bỏ tiền ra coi… Sân khấu giống như con mèo, không chết vì một vết thương mà chết vì nhiều vết thương cộng lại: Nhà nước đầu tư chưa tương xứng, khán giả không để ý, nghệ sĩ bất cần nghề...

Tôi đi Hà Nội gặp lãnh đạo góp ý về bảo tồn sân khấu, tôi nói phải cứu lấy văn hóa, cứu lấy thế hệ trẻ. Mấy anh nghĩ coi, tụi tui hát người ta mua vé lại coi. Còn bây giờ có những phim trên mạng nó tấu hài nhảm, đi thẳng vào giường ngủ người ta, con cái vợ chồng ngồi đó thấy nói bậy chửi thề mà đám trẻ nó như cục bột có biết gì đâu, thấy cô kia cầm chổi rượt chồng mà cả nhà cười thì có gì tốt? Mà tại sao mấy anh không có thái độ nào? Một tuồng hát làm bại hoại cả một thế hệ trẻ mà mấy anh không thấy? Muốn cứu sân khấu phải cứu rạp hát trước", NSND Kim Cương chia sẻ.

Rạp hát - Rạp chớp bóng Sài Gòn nay đâu?: Bao giờ rạp lại sáng đèn? - Ảnh 2.

Ông Lê Hoàng

Đào Ngọc Thạch

THAY ĐỔI CÔNG NĂNG ĐỂ PHÁT TRIỂN

TP.HCM từng có một đời sống giải trí, văn hóa sôi động từ sau năm 1954 cho đến thập niên 1990. Góp phần không nhỏ cho thiết chế văn hóa ấy chính là đời sống của các rạp phim, rạp hát ngày nào. Ông Lê Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, từng có một nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội đồng tư vấn Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn, đơn vị quản lý một số rạp chiếu phim ở TP.HCM giai đoạn năm 2010 - 2014, chia sẻ về hiện trạng các rạp sau năm 1975.

"Từ sau 1975, rạp chiếu phim được giao cho các đơn vị văn hóa nhà nước quản lý. Lúc đầu thì Sở Văn hóa quản lý các hoạt động kinh doanh bên cạnh quản lý nhà nước. Sau này, người ta tách hoạt động kinh doanh ra khỏi hoạt động nhà nước, tức là Sở Văn hóa không quản lý hoạt động kinh doanh nữa, chuyển qua một đơn vị mới, đó là Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn. Một số rạp thì chuyển về các phòng văn hóa thông tin quận. Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn quản lý không dưới 10 rạp, còn lại giao về dưới quận. Các rạp chuyên về chiếu phim quá khó khăn nên có nhiều rạp phải ngừng hoạt động, thay đổi công năng.

Từ đây, việc quản lý rạp bắt buộc phải thay đổi vì 2 lý do: Một là nền điện ảnh yếu kém. Hai là người dân đã thay đổi cách xem phim. Trước đây họ vô cái rạp cả ngàn người, còn giờ nhu cầu là vào rạp chỉ khoảng 200 chỗ, 100 chỗ, 50 chỗ, nằm trong một khu phức hợp thương mại. Tức là không duy trì rạp độc lập như trước. Vé cũng phân tầng ra, người có tiền nhiều có thể "bao rạp", mang tính cá thể cao hơn. Vì thế tình trạng rạp chiếu bóng được bảo tồn và phát huy theo một phương thức mới. Ví dụ, rạp Đống Đa ở đường Trần Hưng Đạo, người ta xây 1 rạp mới có 3 - 4 tầng, tầng dưới cùng có thể chứa 300 hay 500 người, bảo tồn gần như diện tích nguyên vẹn. Tầng 1 lại phân ra mấy rạp nho nhỏ, tầng 2 lại có thể là loại hình khác như tổ chức đám cưới, hay sân khấu hát hò, tầng 3 - 4 là cà phê.

Loại thứ hai, như phức hợp đa văn hóa ở rạp Văn Hoa Đa Kao cũ, đường Trần Quang Khải, Q.1. Hiện nay đó là một khu đa phức hợp văn hóa, có studio, rạp chiếu phim, trụ sở đài truyền hình. Thứ ba là khu phức hợp văn hóa - văn phòng, vì nó xây cả chục tầng. Trong đó vẫn bảo tồn rạp chiếu phim, có cao ốc văn phòng. Như rạp Mega S ở đường Cao Thắng, Q.3. Có loại phức hợp khác, như rạp Casino Sài Gòn bây giờ là khách sạn Liberty, hợp tác với Tổng công ty Du lịch, xây khách sạn, ở trên dành 1 - 2 tầng chiếu phim.

Như vậy, các rạp chiếu phim được xây dựng thành các phức hợp, trong đó rạp chiếu phim vẫn tồn tại cùng với các loại hình văn hóa và dịch vụ. Nhờ đó mà rạp thu hút được người đến, không bị bỏ hoang, lụi tàn một cách phí phạm", ông Lê Hoàng trao đổi với PV Thanh Niên. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.