Rất khó hết sạch F0, Hà Nội cần chiến lược vắc xin hiệu quả để 'sống chung' với Covid-19

01/09/2021 14:35 GMT+7

Với việc các ca Covid-19 vẫn xuất hiện rải rác ngoài cộng đồng, theo các chuyên gia, rất khó để Hà Nội hết sạch F0. Hà Nội cần chiến lược vắc xin hiệu quả để “sống chung" với Covid -19, mở cửa trở lại.

Trên thực tế, Mỹ và nhiều nước châu Âu sau khi qua đỉnh dịch, đều đã chọn cách “sống chung" với dịch, mở cửa hoàn toàn hoặc có điều kiện. Dù tại nhiều nước, số lượng ca nhiễm mới vẫn tăng lên, song số bệnh nặng hoặc tử vong không cao, không gây áp lực cho hệ thống y tế. Để làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là các nước này đã "phủ" vắc xin 2 mũi tới phần lớn dân số, đặc biệt với người cao tuổi trên 65 tuổi.
Theo các chuyên gia, Việt Nam và Hà Nội đang trong giai đoạn dịch diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại trong tương lai, quan trọng nhất là chiến lược vắc xin nhanh, rộng, ít nhất 70% dân số đạt 1 - 2 mũi tiêm.

Bộ Y tế thúc giục tiêm vắc xin Covid-19 mũi 2 cho người đã tiêm 1 mũi đủ thời gian

Phong toả nhưng dân ra ngoài thì không hiệu quả

Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Hà Nội vẫn xuất hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng. Về dịch tễ, có thể nhận định dịch đang như “xôi đỗ”, nghĩa là các ca bệnh, ổ dịch tản mát ngoài cộng đồng.
Để kiểm soát, ngăn bùng phát dịch thì cả 2 giải pháp gồm vắc xin và thực hiện giãn cách là phù hợp. Tuy nhiên, thực hiện giãn cách phải thật nghiêm, đặc biệt là tại các ổ dịch phong tỏa.
“Nếu các nhà trong khu phong tỏa vẫn ra ngoài, nói chuyện qua lại thì vẫn có thể lây lan, nhất là trong các khu vực mật độ dân cao, tiếp xúc rất dễ lây. Do đó, cần thực hiện giãn cách chặt, nhà nào ở nhà đó”, ông Nga khuyến nghị.
Đặc biệt, theo ông Nga, Hà Nội nên chú trọng xét nghiệm kháng thể, đánh giá dịch trong cộng đồng, vì có thể có người mắc và đã khỏi. Việc xét nghiệm sàng lọc diện rộng thì hôm nay âm tính, nhưng ngày mai lại có thể là dương tính.
“Khi đánh giá được dịch tễ thì Hà Nội có chiến lược tiêm vắc xin phù hợp, sử dụng vắc xin hiệu quả nhất. Vì sẽ có trường hợp, người đã có kháng thể rồi (do đã nhiễm không triệu chứng, đã tự khỏi) nhưng vẫn tiêm vắc xin. Khi đánh giá được dịch tễ, cũng giúp Hà Nội có được khuyến cáo về dịch, nơi nguy cơ cao, nơi nguy cơ thấp hơn. Về lâu dài, đánh giá được dịch tễ thì thực hiện giãn cách, phong tỏa nên theo khu vực ổ dịch”, TS Nga nhìn nhận.
Dù vậy, theo ông Nga, khi dịch đã vào trong cộng đồng, các ổ dịch mang hình thái “xôi đỗ”, nếu bảo để đưa số lượng F0 về con số 0, hết sạch không còn ca bệnh nào thì rất khó, vì có thể vẫn có các F0 không triệu chứng.

Trong cuộc kiểm tra tại Thanh Xuân Trung - ổ dịch phức tạp nhất Hà Nội chiều 31.8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phê bình Hà Nội giãn cách không đạt, người ra đường vẫn đông

Ngọc Thắng

TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, Hà Nội cũng như TP.HCM cần ưu tiên tiêm vắc xin cho những người cao tuổi, người có bệnh nền, người yếu thế. Vì đó là nhóm người rất dễ diễn biến nặng, thở máy, điều trị dài ngày và nguy cơ tử vong cao.
Nếu phòng bệnh được cho họ, không chỉ hiệu quả về mặt sức khỏe, bảo vệ được người dân mà còn tránh cho hệ thống y tế bị quá tải, rút từ bài học kinh nghiệm của TP.HCM vừa qua. Trong khi đó, với nhóm trẻ, tuổi dưới 40, không béo phì, không bệnh nền, thì hầu hết khoảng 80 - 90% mắc Covid-19 có mức độ nhẹ và không triệu chứng; hoặc triệu chứng thoáng qua như cúm mà người bệnh cũng không nhận ra.

Người tiếp xúc gần với F0 Covid-19 thì bao lâu phát bệnh | BÁC SĨ ƠI số 12

Nên tiêm cho cả người cao tuổi, người nhập cư

PGS - TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá cao việc Hà Nội đã bố trí các điểm tiêm linh hoạt, huy động cả y tế công và y tế tư nhân, hệ thống các bệnh viện tham gia vào tiêm chủng, đảm bảo được quy mô tiêm chủng số lượng lớn khi có đủ vắc xin.
Theo chuyên gia này, Chính phủ đã có Nghị quyết 21/NQ-CP về các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, Bộ Y tế cũng đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin linh hoạt cho các đối tượng ưu tiên. Trước đây, đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch như cán bộ y tế, công an, quân đội… Sau đó, khi dịch bùng phát ở Bắc Ninh, thì công nhân là đối tượng ưu tiên để không đứt gãy chuỗi sản xuất. Tại TP.HCM, khi dịch bùng phát mạnh thì đối tượng tiêm vắc xin là người già, người có bệnh nền vì đây là đối tượng dễ tổn thương, diễn biến nặng khi mắc Covid-19.
PGS - TS Phu cũng khuyến cáo Hà Nội khi có vắc xin cần tập trung tiêm cho các đối tượng nguy cơ gắn với địa bàn nguy cơ, như các địa bàn có nhiều ổ dịch phải được tiêm trước, tiêm đủ. Không nên tiêm rải mành mành cho đủ các quận, huyện. Đồng thời, phân bổ vắc xin phải chú ý tới cả người nhập cư, chứ không chỉ tập trung cho người có hộ khẩu Hà Nội.
Hà Nội cần nhanh chóng tiêm cho người già, người có bệnh nền vì dịch bùng lên sẽ rất nguy hiểm cho đối tượng này. Ngoài ra, tập trung tiêm cho các đối tượng trong chuỗi cung ứng như lái xe, shipper để không đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.
“Thời gian tới đây, khi được phân bổ thêm vắc xin, Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm chủng để giữ vững trận địa, bởi địa bàn thủ đô đông dân cư, nhiều người tập trung, nhiều cơ quan đầu não. Vắc xin là giải pháp bền vững nhất, chỉ khi tiêm hết, tiêm đủ thì mới tháo gỡ dần được giãn cách trên toàn địa bàn, đảm bảo phòng chống dịch bền vững”, ông Phu khuyến nghị.

Thần tốc truy vết Covid-19 tại khu đô thị Tân Tây Đô ở Hà Nội

Theo Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng/vắc xin phân bổ thực tế của Hà Nội hiện cao nhất cả nước (91,75%), tức gần như có đến đâu tiêm hết đến đó. Hà Nội hiện cũng chỉ xếp sau TP.HCM về lượng vắc xin được phân bổ so với cả nước, với tỷ lệ 14,58% lượng vắc xin.

Dù vậy, số lượng người đã được tiêm theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội mới khoảng 2,15 triệu người (bằng 31% người dân trong độ tuổi tiêm chủng).

Sau 3 lần Hà Nội thực hiện giãn cách (từ 24.7 đến 6.9), thành phố vẫn rải rác các ca ngoài cộng đồng tại gần hết các địa bàn quận, huyện, đặc biệt các ổ dịch phức tạp như Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân) vẫn chưa được kiểm soát, khống chế. Tính đến trưa 1.9, ổ dịch Thanh Xuân Trung đã lên tới 379 ca dương tính.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.