Rất nhiều sinh viên có nhu cầu tư vấn tâm lý
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục TP.HCM, cho biết hơn 5 năm đi vào hoạt động, 2 phòng tham vấn và trị liệu tâm lý đã hỗ trợ cho rất nhiều sinh viên trong và ngoài trường.
Là người tư vấn trực tiếp tại đây, tiến sĩ Xuân Điệp nói: "Những vấn đề tâm lý sinh viên tìm đến chuyên gia hỗ trợ thường là lo âu, trầm cảm, ám ảnh và căng thẳng. Áp lực học tập chỉ là một phần dẫn đến vấn đề tâm lý ở sinh viên, nó là giọt nước tràn ly. Nguyên nhân của việc này là từ gia đình, cách thức giáo dục từ nhỏ đến lớn của cha mẹ. Gia đình không còn là tổ ấm, nơi nương tựa vững vàng để được nâng đỡ, chia sẻ, quan tâm...".
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Hoàng, Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý và hỗ trợ pháp luật, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết sau khoảng thời gian dịch Covid-19, phòng công tác sinh viên của trường tiếp nhận nhiều trường hợp gặp vấn đề về học tập, mối quan hệ gia đình, bạn bè, tình yêu lứa đôi… Nếu không có nơi để các bạn chia sẻ, tìm lời khuyên thì dễ suy nghĩ tiêu cực, không biết giải quyết vấn đề như thế nào và có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.
Chính vì thế, giữa năm 2022, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM quyết định thành lập Trung tâm tham vấn tâm lý và hỗ trợ pháp luật. Từ đó, sinh viên đã có nơi có thể giúp mình vượt qua khó khăn, áp lực trong cuộc sống, trong học tập.
Tháng 8.2022, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM quyết định thành lập Phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần để giúp đỡ sinh viên nội trú tại đây. Hơn 1 năm đi vào hoạt động, nơi này đã tư vấn cho khoảng 600 sinh viên đang gặp những áp lực cuộc sống, chuyện đời tư, học tập...
"Trước đây, mỗi năm trạm y tế tiếp nhận khoảng 50 trường hợp đến cần hỗ trợ tư vấn tâm lý. Khi vấn đề về sức khỏe tinh thần ngày càng phổ biến và đặc biệt sau dịch Covid-19, chúng tôi nghĩ đã đến lúc cần thiết phải thành lập phòng có đầy đủ chức năng, chuyên viên tư vấn tâm lý. Từ đó, giúp cho các sinh viên có những hiểu biết tốt hơn về sức khỏe tinh thần", bà Nguyễn Thị Trọng, Trưởng trạm y tế, Trung tâm quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ.
Bác sĩ Trọng cho biết dịch vụ hỗ trợ sẽ bao gồm tham vấn tâm lý trực tiếp với chuyên viên của phòng, tư vấn qua tổng đài, qua email. Phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần còn bố trí thêm không gian đọc sách cho sinh viên để giải tỏa căng thẳng. Các trường hợp có vấn đề tâm lý nặng, phòng kết nối với những đơn vị có chuyên môn cao để nhờ giúp đỡ.
Từng tìm đến Phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần của ký túc xá để nhờ hỗ trợ, N.T.K, sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, bày tỏ: "Có giai đoạn mình bị mất ngủ triền miên, hay rơi vào trạng thái sợ hãi, thường xuyên khóc vào ban đêm. Sau thời gian dài, mình không thể tập trung, cũng như không ngủ được. Mình cảm nhận đang bất ổn tâm lý và phải đi nhờ chuyên gia để hỗ trợ vượt qua những khó khăn".
Anh Đinh Huỳnh Đức, chuyên viên Phòng hỗ trợ sức khỏe tinh thần của ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM, kể: "Tôi từng gặp trường hợp sinh viên bị trầm cảm, bạn nỗ lực, tự thân vượt qua nhưng không thành công. Bạn tìm đến phòng để nhờ hỗ trợ, tư vấn. Sau thời gian tôi đồng hành cùng bạn, tâm lý của bạn trở nên ổn hơn, làm chủ được cuộc sống và các hoạt động cá nhân. Vấn đề trầm cảm cũng giảm bớt và không cần dùng đến thuốc nữa".
Đừng để vấn đề tâm lý trầm trọng thì mới gặp chuyên gia
Theo thạc sĩ Nguyệt Hoàng, khó khăn trong công tác tư vấn tâm lý cho sinh viên chính là tình trạng các bạn ngại tiếp xúc trực tiếp, nói ra những câu chuyện của mình. Trong buổi sinh hoạt chung, nhà trường chia sẻ cho sinh viên hiểu là khi có vấn đề về tâm lý, bản thân không tự vượt qua được thì cần phải tìm đến chuyên gia để được hỗ trợ.
"Trung tâm đẩy mạnh công tác phòng ngừa qua các buổi sinh hoạt để sinh viên biết được giải pháp vượt qua áp lực, stress. Tổ chức công tác phòng ngừa vất vả hơn việc tư vấn, làm thế nào để sinh viên biết cách giải quyết vấn đề đang gặp phải mới là điều quan trọng. Trong những buổi hội thảo, sinh hoạt đầu năm, nhà trường luôn nói sinh viên cần trang bị kiến thức, kỹ năng, sức mạnh về thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần để giúp bản thân vượt qua những rủi ro", thạc sĩ Nguyệt Hoàng nói.
Anh Đinh Huỳnh Đức thì chia sẻ: "Những bạn có vấn đề về sức khỏe tinh thần ngại tìm đến những nơi tham vấn vì sợ người khác đánh giá, coi thường. Các bạn đừng ngại chia sẻ vấn đề của mình với bạn bè hay người thân. Nếu cảm thấy bản thân không thể tự ứng phó được hãy tìm đến chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời".
Tiến sĩ Xuân Điệp lưu ý: "Sinh viên cần quan sát bản thân mình muốn gì, có thấy ổn trong cuộc sống hay không... từ đó nhận ra bản thân có vấn đề gì thì tìm cách giải quyết, đừng để trầm trọng, mất kiểm soát rồi mới đi gặp chuyên gia để tham vấn, trị liệu. Khi đó đã quá muộn".
Theo tiến sĩ Xuân Điệp, khi sinh viên gặp những vấn đề về tâm lý cần nhờ chuyên gia để hỗ trợ thì phải đi tìm nơi trị liệu, tham vấn đúng chỗ. Hiện nay, tại TP.HCM có rất nhiều trung tâm hỗ trợ các vấn đề tâm lý được mở ra. Nhiều nơi quảng cáo là có thể trị hết bệnh trầm cảm, lo âu nhưng hãy cảnh giác vì những đội ngũ ở đó chưa chắc có chuyên môn vững. Sinh viên cần tìm đến những nơi thuộc các cơ quan, tổ chức uy tín, có chuyên gia là người học về tâm lý lâm sàng...
Tháng 11.2021, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố kết quả nghiên cứu về sự tác động của Covid-19 đối với sức khỏe tâm thần của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM. Khảo sát với hơn 37.000 sinh viên đã ghi nhận có 48% ý kiến cho thấy sự tự ti, mất phương hướng hay mơ hồ về mục đích sống của bản thân. Ngoài ra cũng xảy ra các vấn đề như mất nhận thức thoáng qua, có những hành vi vô thức, hay quên; sự thay đổi tính tình trở nên cáu gắt, buồn rầu, lo lắng không rõ lý do, tương ứng là 36,5% và 35,7%. Vấn đề ngại tiếp xúc với người khác (kể cả người thân) cũng tồn tại trong 26,7% sinh viên được khảo sát.
Bình luận (0)