|
Rau lủi có hai loại, rau lủi rừng và rau lủi vườn. Rau lủi rừng chỉ có ở vùng miền núi cao, vào tận trong rừng sâu mới có thể tìm được. Quê tôi rau lủi vườn phổ biến hơn. Nếu như rau lủi rừng có lá hình răng cưa, pha sắc tím thì rau lủi vườn chỉ độc một màu xanh mướt. Dù là rau lủi rừng hay rau lủi mọc ở vườn, cả hai đều có mùi vị thuốc rất đặc trưng khiến cho người ăn cảm thấy ngon miệng, thanh mát cổ họng. Hôm nào bắt được mớ tôm, mớ tép thì bữa đó mâm cơm thơm lựng với bát canh rau lủi.
Canh rau lủi tuy đơn giản nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người nội trợ. Để tận hưởng hết vị chua thanh ngọt, chọn những ngọn rau còn non để nấu. Rau hái về còn tươi xanh, rửa sạch, cho vào chiếc rổ con để ráo nước. Tôm còn sống búng tưng tưng, làm sạch vỏ, ướp gia vị. Đặt nồi lên bếp, phi thơm hành tỏi với dầu ăn, cho tôm vào xào chín, đổ nước lọc vào nấu sôi. Tiếp tục cho cả rổ rau vào nồi nước đang sôi, nêm gia vị vừa ăn. Đợi đến khi canh sôi trở lại thì tắt bếp. Người nấu phải chú ý, rau còn sống hoặc quá chín đều làm mất hương vị của canh. Cũng như các loại canh rau khác, bỏ thêm một ít rau thơm như hành, ngò... không quên rắc tiêu cho bát canh càng thêm hấp dẫn. Cái ngon của canh rau lủi là rau nấu mộc với muối hoặc chỉ đôi ba con tôm, con tép. Những ai lần đầu thưởng thức món canh này cảm giác hơi chua chua nhưng ăn quen vài lần thì sẽ thấy thèm.
Rau lủi ở quê tôi không những được xem như món đặc sản mà còn là vị thuốc quý. Rau có công dụng làm mát gan, nhuận tràng, chống lở miệng, chảy máu răng... Cữ này quê tôi rau lủi chắc đã mọc nhiều, rải rác trong vườn nhà, ngay lối đi hay bên bờ ruộng. Mặc dầu không có sự chăm bón của con người nhưng thật kỳ lạ, lúc nào rau lủi cũng vẫn xanh, đong đầy những giọt mưa long lanh.
Phan Thị Thanh Ly
>> Canh rau lủi
>> Lên Tắc Pỏ ăn rau lủi
Bình luận (0)