Thỉnh thoảng ăn không kịp thì cho bà con chòm xóm, hoặc mang ra chợ bán cho các sạp, đổi lấy vài con cá hay lạng thịt. Và nắm rau đó khi lên sạp rau, được người bán giới thiệu với khách là “rau nhà”.
“Rau nhà” ngay lập tức trở thành thứ đẹp nhất, ngon nhất và được ưu ái nhất trên sạp rau. Người không có điều kiện tự sản xuất “rau nhà”, thì nhìn nó như “báu vật”, chẳng kịp đắn đo gì hết, mua ngay lập tức như sợ người khác mua mất, rồi trở về hân hoan khi nghĩ nhà mình hôm nay được “bảo vệ sức khỏe”. “Rau nhà” nghĩa là không thuốc trừ sâu, không thuốc tăng trưởng, không cả hóa chất ngâm cho rau tươi xanh...
Cũng từ đó, người ta thích đi chợ chiều, thích mua ở cái chợ chồm hổm được nhóm tầm năm sáu giờ, vì những mẹ những chị người đồng bào thiểu số gùi trên gùi của mình vài nải chuối, mớ rau tập tàng hái trong rẫy, hay những cô, những ngoại xách trong cái giỏ của mình vài ba bịch rau nho nhỏ, không nhiều nhặn gì hết, không đủ làm giàu, chỉ đủ đổi lại một phiên chợ, đồi lại bữa cơm cho ngày hôm sau. Nhưng ở đó, người ta mua được niềm tin.
Nhưng chiếm dụng đường là không hợp pháp, nên người ở hai đầu chợ có nhiệm vụ canh xe, thấy chiếc xe tải màu trắng với những bóng áo xanh của “trật tự đô thị” thì có nhiệm vụ la lớn. Rồi trong tích tắc, dòng người bán “biến” thành người mua, đứng đầy đâu đó trên vỉa hè, dừng lại mọi việc bán mua. Còn người mua thì đứng đợi, đợi cái chiếc xe tải đó đi qua, mọi thứ trở về như cũ, rồi hy vọng mình mang được về những bó “rau nhà” cho bữa cơm chiều cùng chồng và những đứa con thơ.
Khi diễn ra cái cảnh chợ chiều với “rau nhà” nhộn nhịp đó, thì bà chủ những sạp rau quy mô, được đóng thuế hẳn hoi ngồi bó gối nhìn kẻ qua người lại, dù sạp rau của mình vẫn còn đầy ăm ắp. Ở đó, rau tươi xanh mơn mởn, những quả dưa leo còn bám phấn trắng, xanh mượt. Những bó rau được bó và sắp xếp vô cùng đẹp mắt, dễ chọn lựa. Nhưng tại sao người mua vẫn chẳng để ý gì đến, họ chấp nhận những bó rau được nằm trong giỏ, được bỏ trong gùi, có thể dập nát một vài cộng, có thể khô héo đi một chút vì nó được hái từ sớm. Thậm chí chấp nhận những cuộc “rượt đuổi” quen thuộc từ chiếc xe tải của “trật tự đô thị”, dẫu “miếng ăn là miếng nhục”, người ta vẫn chấp nhận nó như một khó khăn mà trong hoàn cảnh bất khả kháng phải chịu đựng.
Tới khi nào thì người tiêu dùng không còn phải cố gắng làm “người tiêu dùng thông thái”, làm “người nội trợ thông minh” như những câu khẩu hiệu mà người ta giăng đầy phố? Bao giờ thì pháp luật đủ nghiêm để con người ta không kêu gọi cái là “đạo đức làm người” vốn dần bị mai một? Để những bữa “cơm nhà” thật sự là cơm nhà, an toàn và ấm áp, không phải canh cánh với những thông tin dịch bệnh, ung thư ... ngày càng tràn lan trên mặt báo cũng như cuộc sống quanh mình.
Bình luận (0)