Rau tầm bóp miền rừng

06/06/2014 05:06 GMT+7

Người phố lên rừng, không chỉ để ngắm cảnh mà còn để thỏa nỗi nhớ xuất phát từ… dạ dày, nhất là nỗi nhớ rau sạch. Cứ rau rừng đấy, tưới mưa rừng, uống hơi thở của rừng nên cứ sạch, cứ non mướt từ trong ra ngoài. Lên rừng, các loại rau quen thuộc cứ tạm gác lại, hãy nếm thử rau rừng cái đã. Thực đơn hôm nay là món rau tầm bóp luộc bốc khói lấm chấm hoa vàng.

Người phố lên rừng, không chỉ để ngắm cảnh mà còn để thỏa nỗi nhớ xuất phát từ… dạ dày, nhất là nỗi nhớ rau sạch. Cứ rau rừng đấy, tưới mưa rừng, uống hơi thở của rừng nên cứ sạch, cứ non mướt từ trong ra ngoài. Lên rừng, các loại rau quen thuộc cứ tạm gác lại, hãy nếm thử rau rừng cái đã. Thực đơn hôm nay là món rau tầm bóp luộc bốc khói lấm chấm hoa vàng.
>> Nhớ mùa 'si-rô' ngày nào
>> Nhớ vị rau rừng chấm mắm cua

Gọi đĩa rau tầm bóp ở thị trấn Mộc Châu, tôi nhớ ra ở những cánh đồng của quê mình cũng có rất nhiều rau tầm bóp mọc hoang. Thứ cây thâm thấp, có quả màu xanh nhỏ bằng ngón tay cái, vỏ mỏng dính trông tựa như chiếc đèn lồng nhỏ. Lũ trẻ con rất thích hái quả, bóp mạnh cho thành tiếng kêu lốp bốp. Có lẽ vì thế mà rau có tên là tầm bóp chăng.

Khi tôi giới thiệu rằng quê mình chẳng hiếm thứ rau này, anh chủ quán cười: “Cứ ăn thử đi, tầm bóp miền núi khác tầm bóp miền xuôi đấy”.

 Rau tầm bóp miền rừng 1
Đĩa rau tầm bóp của Mộc Châu có vị đắng thanh thanh, nuốt vào thì đọng lại
vị ngọt hậu trên đầu lưỡi - Ảnh: Tịnh Tâm

Nào thì ăn! Chúng tôi gọi một đĩa rau luộc với giá 25 nghìn. Xào cũng ngon, nhưng luộc là hợp lý nhất. Sản vật của rừng, tưởng là nhiều nhưng giờ thức gì cũng hiếm cả. Nhà hàng cũng chẳng dám trông ngày nào cũng đủ rau bán cho khách.

Dân bản đi rừng, hái về được bao nhiêu thì bán lại cho các nhà hàng quanh thị trấn bấy nhiêu. Mỗi bó rau chừng 7-8 nghìn. Gần hai bó mới đủ một đĩa rau luộc cho 6 người ăn thế này. Ngày nào nhiều lắm cũng chỉ có khoảng 20 bó rau bán cho khách. Mà khách miền xuôi vốn thèm rau sạch, trông đĩa rau chưa ăn đã lo thiếu.

Tầm bóp miền núi quả là khác. Không chỉ khác vì người miền xuôi vốn chẳng ai ăn, lên đây mới biết là đặc sản. Đĩa rau tầm bóp của Mộc Châu có vị đắng thanh thanh, nuốt vào thì đọng lại vị ngọt hậu trên đầu lưỡi. Mấy người bạn đi cùng tôi mới đầu còn nhăn mặt kêu đắng, vài phút sau loáng cái đã gắp sạch đĩa, tấm tắc khen ngon. “Rau tầm bóp miền xuôi thường ít ngọt hơn”, anh chủ quán bảo. Tôi gật gù, vừa gắp thêm một gắp rau thật to vừa nghĩ bụng sẽ kiểm định lại điều ấy khi về quê một lần nào đó.

Ăn rau rừng nhiều, tôi nhận thấy một điều rằng hình như tất cả những loại rau mình từng ăn đều được hái khi đang độ ra hoa. Giống như món cải ngồng lúc nào cũng lấm chấm hoa vàng ở Hà Giang, Bắc Hà, đĩa rau tầm bóp xanh mướt tôi đang ăn cũng điểm vài nụ vàng be bé.

Thế này là đã qua cái độ “bánh tẻ”, thời điểm ngon nhất của các loại rau lá theo “tiêu chuẩn” miền xuôi. Ấy vậy mà xanh vẫn cứ xanh, bùi vẫn cứ bùi, ngọt vẫn cứ ngọt lạ lùng. Có lẽ, rau rừng thì phải khác chăng.

Mà thôi, những cái khác ấy để một lúc nào đó sẽ kiểm định. Giờ tâm trí tôi chỉ để hết vào đĩa rau tầm bóp còn bốc khói mà đã vơi đi một nửa, mê mải với vị đắng nhẹ nhàng dần chuyển thành vị ngọt còn vương lại mãi.

Tịnh Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.