'Raya và rồng thần cuối cùng' lấy cảm hứng từ văn hóa Đông Nam Á ra sao?

Thế Sang
Thế Sang
14/03/2021 03:00 GMT+7

Là phim về văn hóa Đông Nam Á của Disney, Raya và rồng thần cuối cùng (tựa Anh: Raya and the Last Dragon ) được giới phê bình điện ảnh khen ngợi về hình thức lẫn nội dung.

Do Carlos López Estrada và Don Hall chỉ đạo, Raya và rồng thần cuối cùng theo chân cô gái trẻ Raya (Kelly Marie Tran lồng tiếng) và chú rồng thần cuối cùng là Sisu (Awkwafina lồng tiếng) trên hành trình khôi phục vương quốc giả tưởng Kumandra vốn bị loài Druun - những linh hồn quỷ giữ hóa đá tất cả mọi thứ trên đường đi - xâm chiếm. Vương quốc Kumandra lấy cảm hứng rất lớn từ văn hóa Đông Nam Á từ địa thế, món ăn, trang phục, ngôn ngữ...  
Nữ nghệ sĩ Thái Fawn Veerasunthorn là người đã phác họa những hình ảnh đầu tiên về vương quốc bị nguyền rủa từ mô tả của các cộng sự. Biên kịch gốc Việt Quí Nguyễn và nữ biên kịch Adele Lim đã cố gắng khắc họa nhân vật của họ dựa trên cái nền văn hóa đó. Các quốc gia Đông Nam Á có hiện diện trong Raya và rồng thần cuối cùng bao gồm Việt Nam, Myanmar, Campuchia, Thái Lan, Lào, Brunei, Singapore...

Trong phim, nhân vật người bố của Raya được cô kính cẩn gọi là "ba", một từ cửa miệng hằng ngày của rất nhiều người Việt dùng để gọi đấng sinh thành

Ảnh: Disney

Để chào hỏi nhau hoặc tỏ rõ sự biết ơn, các nhân vật trong phim chắp hai tay thành hình tròn và đưa lên đầu, mặt hơi cúi. Đây là một trong những thói quen sinh hoạt của vùng đất giả tưởng Kumandra. Ở Lào, hình thức này được gọi là "nop", ở Thái được gọi là "wai"

Ảnh: Disney

Trái cây trong phim cũng đa dạng. Đó là những loại trái ở Việt Nam hễ ra chợ là sẽ thấy như thanh long, sầu riêng, vải, xoài, quýt...

Ảnh: Disney

Hình tượng rồng thần Sisu với thân dài, không sở hữu cánh để bay như rồng phương Tây được lấy cảm hứng từ linh vật Naga, chúa tể loài rắn trong tín ngưỡng dân gian các quốc gia Đông Nam Á

Ảnh: Disney

Trong phim, Sisu là chú rồng cuối cùng còn sót lại sau khi loài rồng bị tận diệt 500 năm trước. Raya vì muốn cứu thế giới loài người lẫn cha mình nên đã chu du đến nhiều vùng đất, cuối cùng "đánh thức" được Sisu sau giấc ngủ dài và cô rồng này đồng ý giúp nữ chiến binh dũng cảm. Sisu chiếm cảm tình khán giả bởi sự hài hước, dễ thương lẫn khả năng ứng phó tình huống linh hoạt

Ảnh: Disney

Cổng vào Long Tâm, nơi Raya sống tuổi thơ êm đềm cùng ba. Ngự hai bên cổng là tượng đá khổng lồ của loài rồng lấy cảm hứng từ rắn thần Naga với ý nghĩa là những người canh gác nơi này

Ảnh: Disney

Vùng sa mạc cằn cỗi (Long Vĩ) nằm ở phần đuôi rồng trên bản đồ Kumandra là nơi cuối cùng mà dòng sông của vùng đất này chảy đến. Chính tại nơi này, Raya đã triệu hồi được Sisu sau giấc ngủ nửa thiên niên kỷ. Dòng sông này được lấy cảm hứng từ sông Mê Kông chảy qua nhiều nước Đông Nam Á

Ảnh: Disney

Tại trường đoạn Raya cùng bạn bè giằng co để lấy những mảnh ngọc bị đánh cắp ở chợ, nơi đây ấn tượng người xem bởi người mua, kẻ bán tấp nập. Theo nghệ sĩ Malaysia D’Lun Wong, nơi này được lấy cảm hứng từ "pasar malam" - tức những khu chợ nổi, chợ đêm buôn bán sầm uất ở các quốc gia Đông Nam Á

Ảnh: Disney

Các nhà làm phim cũng không quên đưa tre, loài cây được bắt gặp ở nhiều nước Đông Nam Á vào phim nhằm làm tăng tính huyền bí, cứng rắn. Theo chia sẻ của các nhà làm phim, sở dĩ họ chọn loại cây này để đưa vào phim vì ở Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, tre rất tiện dụng trong sinh hoạt thường nhật

Ảnh: Disney

 

Những màn chiến đấu trong Raya và rồng thần cuối cùng được lấy cảm hứng từ võ thuật Đông Nam Á. Theo chia sẻ của biên kịch Quí Nguyễn, 3 loại võ được anh đưa vào kịch bản phim bao gồm Pencak Silat (xuất phát từ Philippines, Malaysia và Indonesia), Muay Thái (Thái Lan) và võ gậy Arnis (nguồn gốc từ Philippines)

Ảnh: Disney

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.