'Re-up' video trên mạng xã hội, coi chừng bị khởi kiện và xử lý hình sự

Tấn Đạt
Tấn Đạt
09/03/2023 13:00 GMT+7

Không chỉ làm hại đến chính chủ, người hay “re-up” video trên mạng xã hội của người khác có thể bị khởi kiện.

"Re-up" video hay còn gọi là ăn cắp video do người khác sáng tạo, sau đó làm lại rồi đăng lên các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok của mình, nhằm mục đích có lượt theo dõi cao, đặc biệt là kiếm tiền. Tuy nhiên, hành động này còn vi phạm pháp luật.

"Re-up" video trên mạng xã hội: Có thể khởi kiện - Ảnh 1.

Việc "re-up" video trên mạng có thể bị khởi kiện

CHỤP MÀN HÌNH


Mình đang "cắn răng" chịu đựng vì quá nhiều kênh nhái không thể kiểm soát

Nhiều ngày qua, anh Nguyễn Võ Trí Thuận (31 tuổi, ngụ tại Q.8, TP.HCM) rất đau đầu vì những video sáng tạo trên kênh TikTok có hơn 1 triệu lượt theo dõi của mình bị người khác lấy cắp và sử dụng trái phép.

“Những clip của tôi chủ yếu là nội dung chia sẻ cách chăm sóc, nuôi dưỡng cá vàng. Thú thật tôi làm clip rất cực, đi qua nhiều khâu như lên kịch bản, quay và dàn dựng hậu kỳ phải tốn thời gian hết mấy ngày mới ra được sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tôi phát hiện hơn 10 kênh TikTok cùng tên. Và khi xem nội dung trong đó thì thấy toàn clip của tôi, tuy nhiên đã bị cắt xén. Một số người còn dùng clip của tôi để phục vụ cho mục đích kinh doanh của họ”, anh Thuận bức xúc nói.

7add3370bf1b62453b0a.jpg

Anh Thuận tá hỏa vì có hàng chục kênh nhái theo thương hiệu của mình

CHỤP MÀN HÌNH

Anh Thuận chia sẻ: “Khách hàng mua sản phẩm của họ nhưng bị lừa rồi quay sang nhắn tin chửi tôi “mua gian bán lận”, thật sự rất mệt mỏi. Rồi có nhiều người hỏi "làm gì mà tạo nhiều kênh tùm lum vậy?". Một số người mượn danh tôi đi bán cá, đòi chuyển tiền trước nhưng may khách tỉnh táo gọi điện cho tôi. Hiện tại, quá nhiều kênh nhái theo nên tôi không thể kiểm soát được. Có những người đã chặn tin nhắn khi tôi đề nghị họ xóa clip”.

Theo anh Thuận, hiện nay TikTok chỉ cho những kênh có tick xanh (nhận dạng chính chủ) mới được phép “báo cáo” có người vi phạm bản quyền.

"Kênh tôi cũng chưa có tick xanh nên báo cáo thì hệ thống sẽ "quét" hết, khả năng kênh của mình "bay màu" rất cao. Do đó, tôi đang “cắn răng chịu đựng”, cố gắng phát triển nội dung trên nền tảng mạng xã hội này để đạt được tick xanh. Lúc đó, mình mới thưa kiện những người hay đi ăn cắp “chất xám” của người khác”, anh Thuận nói.

Dương Quang Minh (30 tuổi, ngụ tại Q.5, TP.HCM), sở hữu kênh YouTube có hơn 50.000 lượt theo dõi, cho biết: "Mình cũng thường xuyên nhắn tin nhắc nhở, đề nghị người hay “re-up” video của mình tháo gỡ nội dung".

ho ca cong nghe moi.jpg

Anh Minh không ít lần bị người khác "re-up" sản phẩm của mình

NVCC

Anh Dương, nói: “Hiện nay, YouTube đã có nhiều thuật toán để “quét” những đối tượng chuyên “re-up” video của người khác. Tuy nhiên, càng ngày thủ đoạn của đối tượng càng tinh vi hơn. Họ cắt đầu, ghép đuôi, lồng tiếng, đổi góc hình của video… để không bị YouTube “bắt”. Đa phần tôi phát hiện người khác ăn cắp video là nhờ fan (người hâm mộ) báo cáo lại”.

Có thể bị xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự

Nói về vụ việc nhiều người “re-up” video trên mạng, luật sư Âu Trung Huê, Giám đốc Công ty luật quốc tế Song Thịnh (TP.HCM) cho biết quyền tác giả là quyền của người sáng tạo hoặc sở hữu tác phẩm thành quả trí tuệ trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học và được pháp luật bảo vệ các quyền đối với những thành quả đó.

“Khi một người dùng trí tuệ của mình tạo ra một video thì quyền tác giả đối với video đó tự nhiên đã được xác lập. Việc công bố bằng cách đăng trên các trang mạng có thể được xem như là một bước để xác định cụ thể hơn thời điểm phát sinh quyền tác giả đối với đoạn video đó", luật sư Huê nói.

334893940_179529051477110_8534780923740174400_n.jpg

Luật sư Âu Trung Huê, Giám đốc Công ty luật quốc tế Song Thịnh

NVCC

Cũng theo luật sư Huê, khi một người sử dụng video của người khác, tùy trường hợp phải được sự cho phép hoặc trả thù lao, nhuận bút cho người sở hữu quyền tác giả đối với video đó, đồng thời phải trích dẫn rõ ràng nguồn gốc và đảm bảo tính toàn vẹn của tác phẩm.

"Trường hợp hành vi xâm phạm quyền tác giả bị phát hiện, tùy mức độ và tính chất của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý bằng các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Chủ sở hữu quyền tác giả hoặc bên bị thiệt hại hoàn toàn có thể khởi kiện hoặc trình báo đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Song song đó, người bị lấy cắp "chất xám" nếu có thiệt hại và chứng minh được mức thiệt hại có thể yêu tòa án buộc người bị khởi kiện bồi thường cho mình", luật sư Huê nói.

Screenshot (8).png

Những cách "re-up" video trên mạng của một số người

CHỤP MÀN HÌNH

Vị luật sư còn cho hay về mặt dân sự, chủ sở hữu quyền tác giả đối với đoạn video có thể yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp như: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm như: gỡ bỏ các video đã được phát tán, đăng tải; Buộc bên vi phạm xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện các nghĩa vụ dân sự, bồi thường thiệt hại (nếu có).

Cũng theo luật sư Huê trong trường hợp người khác lấy và đăng tải video xâm phạm quyền tác giả lên trang web của bên thứ ba thì chủ sở hữu quyền tác giả đối với video đó có thể tố cáo đến trang chủ sở hữu quản lý trang web đó, cung cấp chứng cứ và yêu cầu gỡ bỏ các video vi phạm.

"Nếu chủ trang web vẫn cố tình không thực hiện, khi đó chủ trang web cũng được xem là có hành vi xâm phạm đến quyền tác giả thì chủ sở hữu quyền tác giả hoàn toàn có thể khởi kiện cả người đăng và chủ trang web đến tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết", luật sư Huê cho ý kiến về vấn nạn "re-up" video trên mạng xã hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.