Một phương pháp để học hỏi
Cụ thể trong bài đăng này, blogger (người sáng tạo nội dung) chia sẻ quan điểm muốn cải thiện ngoại ngữ thì nên chuẩn bị tốt kiến thức, tinh thần dám sai để được học hỏi, sau đó đi đến những chỗ thường xuyên có người nước ngoài tham quan và "săn Tây" với các chủ đề, như: lịch trình, quê hương, thức ăn…
Lê Văn Phước (22 tuổi), ngụ tại đường Trần Thủ Độ, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM, nhận xét: "Mình thấy đây là một cách rất hay để cải thiện khả năng giao tiếp. Bài viết đưa ra đầy đủ những khía cạnh gặp phải khi đi "săn Tây", khá bổ ích".
Tuy nhiên, Phước cho rằng nếu gặp người nước ngoài nào cũng bắt chuyện thì không nên vì có thể họ sẽ cảm thấy bị làm phiền. "Bạn cần phải biết quan sát nhu cầu của đối phương như thế nào. Chẳng hạn, bạn đi đến khu du lịch thì cần chuẩn bị kiến thức tiếng Anh về nơi đó. Khi thấy người nước ngoài đang tham quan, có thể đến hỏi thăm và ngỏ ý làm hướng dẫn viên miễn phí, mình nghĩ họ sẽ dành thời gian cho bạn", Phước nói.
Đào Uyên Phương, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, bày tỏ: "Nội dung bài viết cũng là phương pháp hay để học hỏi ngôn ngữ mới. Sự bất lịch sự không nằm ở cách mình chủ động bắt chuyện, mà thể hiện rõ trong cuộc giao tiếp với người khác. Nghĩa là đừng mượn cớ học để hỏi những chuyện khiếm nhã, tiêu cực…".
Phương cho hay trong một vài trường hợp cũng đã áp dụng phương pháp như vị blogger kia hướng dẫn. "Mình chủ động bắt chuyện và giới thiệu địa điểm, lễ hội, hoạt động văn hóa… của Việt Nam cho người nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ xin phép trò chuyện trong thời gian ngắn để không ảnh hưởng đến lịch trình của họ", Phương kể.
Liệu có đang làm phiền người khác?
Dưới bài đăng, bên cạnh một số ý kiến đồng tình thì cũng có không ít nhận xét trái chiều. Phạm Trần Thiên Phúc, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cho biết: "Mặc dù việc chủ động giao tiếp với người nước ngoài là hoạt động tốt để trau dồi ngoại ngữ, tuy nhiên cũng tùy vào từng hoàn cảnh cụ thể. Nếu có quá nhiều bạn đến bắt chuyện, người nước ngoài sẽ cảm thấy bị làm phiền, đặc biệt với những vị khách du lịch đang muốn tận dụng thời gian để khám phá Việt Nam. Đồng thời, mình thấy dùng từ "săn Tây" ở trong bài viết trên là không phù hợp, nên đổi thành cách bắt chuyện với người nước ngoài thì đúng hơn".
Theo Phúc, có rất nhiều phương pháp hiệu quả khác. "Mình có thể vào các diễn đàn, ứng dụng để rèn luyện ngoại ngữ. Hoặc nếu cần thiết trò chuyện trực tiếp, mình nên đặt lịch hẹn, tìm đến câu lạc bộ hoặc những buổi gặp mặt riêng", Phúc gợi ý.
Tương tự, Trần Khánh Linh (25 tuổi), ngụ tại Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội, chia sẻ: "Mình từng có kinh nghiệm trợ giảng ở một trung tâm tiếng Anh, lúc đó cũng thường xuyên tham gia các buổi "săn Tây" cùng với học viên. Sau một thời gian, mình mới nhận ra việc làm này sẽ gây phiền cho người nước ngoài, bởi không phải ai cũng thích công khai thông tin và hình ảnh của mình".
T.N.H.T (26 tuổi), cựu du học sinh Trường ĐH Ritsumeikan Châu Á Thái Bình Dương (Nhật Bản), từng 3 lần thi chứng chỉ IELTS với số điểm đều trên 7.5, cũng không đánh giá cao phương pháp của blogger nọ vì nhiều nguyên nhân. "Từng là "con mồi" được "săn" và mình thấy không thoải mái. Mình đang đi bộ, ăn uống hay nói chuyện với bạn bè... thì bỗng dưng có người lạ hỏi đủ thứ, thậm chí một số chuyện mang tính cá nhân. Hơn nữa, bạn cũng không thể xác minh trình độ ngoại ngữ của đối phương và việc đặt câu hỏi với những chủ đề cá nhân, hời hợt gần như không có tác dụng", T. nói.
Cô nàng này cho rằng bên cạnh việc nắm chắc kiến thức cơ bản, còn nên trau dồi ngoại ngữ qua sở thích, như: xem phim, nghe nhạc, đọc sách… "Lúc còn học đại học, mình tự luyện nói, thuyết trình rất nhiều bằng tiếng Anh. Do đó, khi bắt đầu du học tại Nhật Bản (chương trình tiếng Anh) vào năm 2016, mình bắt nhịp giao tiếp và trao đổi học thuật rất nhanh với người nước ngoài", T. chia sẻ.
Bình luận (0)