(TNO) Ông Nguyễn Phương Châm ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội rao bán công khai rẻo đất rộng 0,14m (14cm), dài 10,85m, tương đương diện tích 1,7m2 trên đường Nguyễn Văn Huyên, giá 1 tỉ đồng.
Dòng chữ rao bán 1 tỉ đồng đã bị xóa bỏ - Ảnh: Lê Quân
|
Đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, có chiều dài hơn 500m nhưng tổng số tiền đầu tư lên tới gần 1000 tỉ đồng, được mệnh danh là đoạn đường đắt nhất hành tinh. Công trình đã cơ bản hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ông Nguyễn Phương Châm ở phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết, trước khi làm đường, gia đình ông có thửa đất rộng 60,2m2. Sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường, gia đình ông bị thu hồi 58,5m2, số diện tích còn lại là 1,7m2.
Theo ông Châm, ban đầu khoảng đất rộng 1,7m2 này được ông rao bán 400 triệu đồng nhưng gần đây, ông viết dòng chữ lên tường ở khoảng đất với nội dung “Sau khi GPMB (giải phóng mặt bằng - PV), gia đình tôi còn lại 1,7m2, chiều dài 10,85m, chiều rộng 0,14m” và kèm theo số điện thoại liên hệ.
Ông Nguyên Minh Tuyên, Chủ tịch UBND phường Quan Hoa cho biết, sau khi giải phóng mặt bằng để làm đường thì phát sinh 25 trường hợp đất xen, kẹt không đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Phương án giải quyết những trường hợp này là tự thỏa thuận với các bên hàng xóm để mua lại, hợp thửa, hợp khối với nhau để đảm bảo quyền lợi như bình thường.
Trường hợp ô đất rộng 1,7m2 của ông Châm cũng không ngoại lệ cách giải quyết như vậy. Chủ ô đất nào vẫn nhất quyết không tự thỏa thuận chuyển nhượng sẽ bị thu hồi để làm các công trình công cộng.
Tiến sĩ Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, đây là hệ lụy của cơ chế phát triển hạ tầng giao thông nội đô ở ta thiếu hợp lý, không đồng bộ. “Ở nhiều nước, khi phát triển con đường mới, họ không thực hiện như ta mà sẽ tính toán quy hoạch và giải phóng mặt bằng rộng hết cả hai bên đường. Với quỹ đất rộng, có thể thoải mái quy hoạch lại hai bên đường, cắt thửa chia ô vuông vức rồi bán đấu giá. Tiền thu được đem bù đắp thêm cho tổng vốn đầu tư con đường, thiếu bao nhiêu ngân sách mới phải bỏ ra. Làm như vậy, sẽ tạo ra những con phố có mặt tiền đẹp do người dân mua đất xây nhà theo những mẫu chung, có khống chế chiều cao, kiến trúc chứ không lôm nhôm nhà siêu mỏng siêu méo như ở ta. Lẽ ra ở ta nên nghiên cứu, áp dụng theo cơ chế ấy”, ông Liêm nói.
Cũng theo ông Liêm, để xảy ra tình trạng nhà đất siêu mỏng, siêu méo nhan nhản ở Hà Nội, nhất là ven những đường mới mở là có nguyên nhân từ cơ chế Nhà nước.
Một cán bộ có kinh nghiệm nhiều năm về quản lý đô thị ở Hà Nội cho biết, công tác quản lý trật tự tại những khu phố có nhiều nhà siêu mỏng, méo rất phức tạp do người dân thường tận dụng mặt đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh.
Nhiều thửa đất méo ở mặt đường "đắt nhất hành tinh" - Ảnh: Lê Quân
Không ít cửa hàng siêu mỏng cũng đã mọc lên chờ khai trương - Ảnh: Lê Quân
|
Bình luận (0)