Sống chung với thú dữ
Ông Nguyễn Thanh Thiều (ấp Nội Hóa 1, xã Bình An, H.Dĩ An, Bình Dương) sống chung vách với đàn hổ 31 con của Công ty TNHH bia Thái Bình Dương. Dù chuyện hổ sổng chuồng “viếng thăm” gia đình xảy ra đã nhiều năm, nhưng ông Thiều vẫn nhớ như in: “Đó là vào buổi chiều, khi hai vợ chồng tôi đang ngồi ẵm đứa cháu ngoại trên tay, bỗng thấy con hổ khoảng 150 kg nhảy qua hàng rào cao khoảng 2m, đứng lừng lững trước hiên nhà. May mà vợ tôi nhanh trí chốt cửa lại, chạy vòng phía sau kêu nhân viên công ty qua lùa hổ trở lại chuồng”. Dù bây giờ, Công ty TNHH bia Thái Bình Dương đã cho xây dựng tường rào cao khoảng 5m, bên trên gắn thêm lớp kẽm gai khá chắc chắn, nhưng ông Thiều vẫn lo lắng: “Với con hổ nặng hàng trăm ki-lo-gam, có ai dám bảo đảm tuyệt đối là nó không nhảy qua hàng rào, vào khu dân cư”.
Trong khi đó, nhiều người dân xung quanh khu chuồng hổ của Công ty TNHH bia Thái Bình Dương, lại ta thán về tiếng gầm rú cũng như mùi hôi thối nồng nặc của phân hổ. Một người dân sống sát tường với trại hổ bức xúc: “Cứ khoảng 4 giờ sáng, khi cả nhà đang ngon giấc, bỗng nhiên hàng loạt tiếng gầm rú của hổ làm cho cả nhà giật mình. Thức dậy, cứ ngỡ mình đang sống giữa núi rừng. Đó là chưa kể, mùi hôi của phân hổ bốc lên với mùi tanh nồng, rất buồn nôn theo gió cứ phả vào nhà chúng tôi”.
Còn tại Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài (Đồng Nai), người dân xung quanh vẫn chưa quên được chuyện 2 con gấu sổng chuồng ung dung vào nhà dân cách đây chưa lâu. Anh Huỳnh Ngọc Thuận (ấp Tân Cang, xã Phước Tân, H.Long Thành) kể: “Cách đây khoảng hơn 1 năm, lúc đó vào buổi chiều khi mọi người đang ngồi trước nhà, bỗng thấy con gấu đen trên 100 kg lù lù xuất hiện khiến mọi người bỏ chạy. Sau đó, sợ con gấu gây nguy hiểm cho người, nhiều người dân đã tổ chức vây đánh. Trong khi đó, một con khác cũng bị một đơn vị quân đội đóng quân gần đó kịp thời xử lý khi đang đi rong ở ngoài đường”. Ngoài gấu, tại ấp Tân Cang vào mùa mưa năm rồi người dân còn bắt sống hơn 10 con cá sấu sổng chuồng.
Người chết, quy chế còn... chờ nghiên cứu!
Sau khi kiểm tra tình hình nuôi nhốt hổ tại 4 cơ sở (Đại Nam, Thái Bình Dương, Thanh Cảnh và một hộ dân), ngày 27.3.2007, Bộ NN-PTNT đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các nơi này nuôi thí điểm. Bộ NN-PTNT cũng hứa cùng với UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đang nuôi hổ đăng ký đúng quy định; đảm bảo điều kiện về an toàn đối với người nuôi và nhân dân trong vùng...
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Thanh Niên, ông Trần Văn Nguyên, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, cho biết: “Sau hơn 2 năm thí điểm, đến nay cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa ban hành được quy chế quản lý về chuồng trại nuôi hổ nên không biết dựa vào cơ sở nào để kiểm tra. Mỗi lần kiểm tra, chúng tôi chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở các cơ sở nuôi phải thường xuyên gia cố chuồng trại, không được để thú sổng chuồng đe dọa tính mạng những người xung quanh”. Cũng do thiếu quy chế, nên khi đề nghị các cơ sở nuôi hổ lập phương án nuôi nhốt cơ quan chức năng không biết dựa vào cơ sở nào để đánh giá. Ngay Hội đồng xét duyệt phương án của các đơn vị thí điểm cũng được thành lập theo... cảm tính (gồm Kiểm lâm, TN-MT, Thú y, chuyên gia có kinh nghiệm về nuôi thú...) chứ không có quy định nào cụ thể.
Ngoài đàn hổ 58 con, Chi cục Kiểm lâm Bình Dương hiện đang "quản" 266 con gấu được nuôi ở 33 điểm rải rác trên địa bàn. Dù có quy chế quản lý gấu (Bộ NN-PTNT ban hành ngày 29.9.2008), nhưng đến nay việc thực hiện cũng gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết: “Hầu hết chuồng gấu trước đây thiết kế đa dạng: chuồng đơn, chuồng đôi, chuồng liền vách, chuồng làm bằng kim loại, chuồng âm dưới mặt đất... Đặc biệt là Vườn thú Đại Nam xây dựng chuồng, trại theo phương thức bán hoang dã để phục vụ khách tham quan nên rất khó hướng dẫn chủ nuôi thực hiện việc thiết kế, sửa chữa đúng quy chuẩn mới”.
“Ngoài cá sấu, trăn, rắn và gấu có qui chuẩn, còn hầu hết các loại khác đều chưa có gặp rất nhiều khó khăn”, ông Dũng nói.
Những tai nạn thương tâm do thú dữ gây ra gần đây Ngày 2.9.2003, emTrần Ngọc Lý, học sinh trường THPT Nguyễn Huệ, vào Công viên Hòa Bình (TX Long Khánh, Đồng Nai) chơi bị cá sấu táp đứt cánh tay khi đang hái sen. Ngày 5.9.2003, bà Kiều Thị Phương, người làm công cho câu lạc bộ Hương Quê (Bình Chánh, TP.HCM), bị gấu cắn đứt hai cánh tay khi đang vệ sinh chuồng trại. Ngày 27.10.2004, cháu Trần Thị Thúy Trâm (P.Tân Hòa, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bị một con khỉ sổng chuồng cắn nát mặt, phải may đến 108 mũi... Ngày 7.10.2005, trong lúc cho gấu ăn, ông Trần Hoàng Lộc (P.Linh Trung, Thủ Đức) bị hai con gấu tấn công làm thiệt mạng. Ngày 20.6.2007, con gấu của ông Nguyễn Văn Lục (TX Thủ Dầu Một, Bình Dương) bị sổng chuồng, tấn công làm chủ nuôi và bác sĩ thú y bị thương nặng. Ngày 10.9.2009, con hổ của Vườn thú Đại Nam (Bình Dương) nhảy ra khỏi chuồng vồ chết ông Nguyễn Công Danh (47 tuổi) và làm bị thương nặng anh Nguyễn Thanh Giàu (21 tuổi). |
Hoàng Tuấn
> Hổ nhảy khỏi chuồng vồ chết nhân viên
> Chưa có quy chế quản lý hổ nuôi
> Truy tìm cá sấu sổng chuồng
> Bắn hạ con gấu dữ sổng chuồng
> Cá sấu sổng chuồng, tấn công người
Bình luận (0)