Ủy ban 1992 của đảng Bảo thủ cầm quyền tại Anh ngày 24.10 đã tuyên bố cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak là lãnh đạo mới của đảng này, đồng nghĩa với việc ông sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo của đất nước, kế nhiệm bà Liz Truss tại Số 10 Phố Downing.
Đây là một cú "quay xe" đầy ngoạn mục đối với ông Sunak, người từng thua cuộc trước bà Truss trong cuộc chạy đua chức thủ tướng Anh cách đây chưa đầy 2 tháng. Khi đó, ông thậm chí còn bị một số nghị sĩ cùng đảng chỉ trích nặng nề vì vụ từ chức dẫn đến cơn bão cuối cùng quật ngã cựu thủ tướng Boris Johnson.
Anh có thủ tướng mới |
Giờ đây, ông Sunak, 42 tuổi, sẽ trở thành thủ tướng người da màu đầu tiên và cũng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh. Ông cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc lèo lái nước Anh đi qua khủng hoảng kinh tế và cả bất ổn chính trị.
Người con gốc Ấn
Sinh năm 1980 tại Southampton, Anh, ông Sunak là con cả trong gia đình có 3 người con với cha mẹ là người gốc Punjab, Ấn Độ, theo báo Sky News. Cha mẹ ông đều sinh ra ở châu Phi nhưng đã di cư đến Anh vào thập niên 1960. Cha ông là một bác sĩ gia đình còn mẹ ông điều hành một hiệu thuốc.
Ông Sunak sẽ là thủ tướng người da màu đầu tiên tại Anh |
reuters |
Ông lấy bằng cử nhân liên ngành triết học, chính trị và kinh tế (PPE) tại trường Lincoln thuộc Đại học Oxford (Anh) và sau đó lấy bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Stanford (Mỹ). Chính tại Stanford, ông đã gặp người vợ tương lai của mình - Akshata Murthy - con gái của tỉ phú Ấn Độ N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Infosys. Theo báo The Times của Anh, vợ chồng ông Sunak đứng ở vị trí 222 trong danh sách những người giàu nhất nước Anh năm 2022, với khối tài sản ròng lên đến 730 triệu bảng Anh. Họ có hai con và theo nhiều tờ báo, họ sở hữu nhà ở London, Yorkshire và California.
Trước khi bước vào chính trường, ông Sunak từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với vai trò chuyên gia phân tích từ năm 2001 đến năm 2004. Sau đó, ông chuyển sang làm việc cho một công ty quản lý các quỹ đầu cơ ở London, rồi cùng các đồng nghiệp cũ thành lập một lập một quỹ đầu cơ mới tại California.
Sự nghiệp chính trị của ông Sunak bắt đầu vào năm 2015 khi ông gia nhập hạ viện với tư cách nghị sĩ đại diện khu vực Richmond ở Yorkshire. Cuộc chiến lớn đầu tiên của ông ở Điện Westminster chính là Brexit - ông là người ủng hộ Anh rời Liên minh châu Âu (EU) với tuyên bố Anh sẽ "tự do hơn, công bằng hơn và thịnh vượng hơn" nếu không còn ở trong khối.
Phe của ông giành chiến thắng và ông đã dành phần lớn thời gian ngồi ở ghế nghị sĩ hỗ trợ các các cuộc đàm phán của Thủ tướng Theresa May cho đến khi được bổ nhiệm làm thứ trưởng Bộ Nhà ở vào tháng 1.2018. Sau khi bà May từ chức, ông Sunak đã ủng hộ ông Boris Johnson lên làm thủ tướng, nói ông Johnson là người duy nhất có thể "cứu" đảng Bảo thủ.
Sự ủng hộ này đã được đền đáp, ông Sunak trở thành cánh tay phải của Bộ trưởng Tài chính Sajid Javid trước khi lên thay thế ông này vào tháng 2.2020, một tháng trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại Anh. Ông Sunak đã giành được nhiều lời khen ngợi trong đại dịch vì nhanh chóng triển khai các chương trình hỗ trợ trị giá hàng tỉ bảng Anh để duy trì việc làm và hoạt động kinh doanh trong suốt 18 tháng phong tỏa ở Anh. Chương trình "Eat Out to Help Out" (tạm dịch: Đi ăn hàng quán để thúc đẩy kinh tế) - mang đến cho người dân cơ hội được giảm tới 50% trên hóa đơn khi đi ăn ở các hàng quán tham gia chương trình - đã giúp ông trở thành cái tên của mọi nhà.
Bê bối và tranh cãi
Ở đỉnh cao của sự tín nhiệm này, ông Sunak được nhiều nghị sĩ Bảo thủ xem là ứng viên hàng đầu để kế nhiệm ông Johnson khi thời cơ đến. Song ông đã đánh mất sự tín nhiệm đó cũng nhanh như việc ông thăng tiến trong chính trường Anh. Những vấn đề tranh cãi liên tiếp xuất hiện, bao gồm việc ông dính líu đến vụ bê bối mở tiệc lúc phong tỏa vốn làm tổn hại nghiêm trọng uy tín của ông Johnson.
Dù vậy, những tiết lộ về người vợ mới thực sự khiến công chúng đánh mất thiện cảm dành cho ông Sunak. Hồi tháng 4, truyền thông hé lộ bà Murthy được hưởng tư cách "non-dom" (hiểu nôm na là "không thường trú", chỉ những người cư trú ở Anh nhưng đăng ký địa chỉ thường trú ở nước ngoài), đồng nghĩa với việc bà không phải đóng thuế dù có thu nhập cao từ nước ngoài. Sau nhiều ngày với hàng loạt tiêu đề tiêu cực trên khắp các mặt báo, bà Murthy phải lên tiếng nói rằng bà sẽ tình nguyện đóng thuế.
Ông Sunak cùng vợ và hai con |
reuters |
Cộng hưởng với khối tài sản kếch xù của hai vợ chồng, chuyện này đã gây ra sự bất bình lớn trong dư luận, giữa lúc người dân Anh đang phải chật vật đối phó với chi phí sinh hoạt leo thang vì lạm phát. Những bức ảnh chụp ông mặc quần áo hàng hiệu và sử dụng cốc cà phê "thông minh" có giá hàng trăm USD, cũng như tiết lộ rằng ông sở hữu một chiếc xe đạp tập thể dục Peloton, đã tạo nên hình ảnh về một quan chức "xa rời quần chúng", theo báo The New York Times. Ông Sunak cũng bị chỉ trích vì việc ông có thẻ xanh Mỹ, cho phép ông định cư lâu dài tại nước này. Ông đã từ bỏ thẻ xanh này trước khi đến Mỹ vào tháng 10 năm ngoái với tư cách bộ trưởng tài chính của Anh.
Vào tháng 7, ông Sunak đã bất ngờ từ chức bộ trưởng tài chính, dẫn đến phản ứng dây chuyền với hàng loạt thành viên nội các khác ra đi, cuối cùng buộc ông Johnson phải từ chức thủ tướng Anh. Ông Sunak sau đó bước vào cuộc đua để trở thành người kế nhiệm ông Johnson nhưng đã thua cuộc trước bà Liz Truss.
Giờ đây, chỉ 7 tuần sau cuộc đua đó, ông Sunak đã lật ngược thế tình thế. Một khi được vua Charles III bổ nhiệm, ông Sunak sẽ chính thức trở thành thủ tướng thứ năm trong 6 năm qua, kể từ Brexit, và là người thứ ba trong chưa đầy 2 tháng qua.
Bình luận (0)