Rộ bán cắt lỗ căn hộ chung cư ở Hà Nội

Lê Quân
Lê Quân
25/02/2021 19:27 GMT+7

Những tháng cuối năm 2020, hiện tượng bán cắt lỗ căn hộ chung cư phân khúc trung, cao cấp tại Hà Nội bắt đầu xuất hiện. Sau tết Nguyên dán Tân Sửu, tình trạng này càng rộ hơn.

Rộ bán cắt lỗ căn hộ chung cư

Lướt qua một số trang rao vặt hay chỉ cần tìm kiếm tại một số hội, nhóm trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp những mẩu tin rao vặt bán cắt lỗ căn hộ tầm trung, cao cấp.
Chị Nguyễn Ngọc Tuyết (38 tuổi, chủ căn hộ hơn 80 m2 tại dự án Imperia Garden ở 203 Nguyễn Huy Tưởng, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, dù khá tiếc nhưng vẫn phải rao bán vì đầu tư mua chung cư để cho khách nước ngoài thuê. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên cả năm 2020, căn hộ hầu như bỏ trống, tình hình hiện nay không biết khi nào mới có khách thuê.
Càng giữ càng mất giá, lại phải đóng lãi ngân hàng thường xuyên, tính toán không hiệu quả, nên chị Tuyết rao bán với giá 33 triệu đồng/m2. Theo chị Tuyết, giá này là thấp hơn chừng 2 - 3 giá so với thời điểm cuối 2019, khi chưa có dịch bệnh, chấp nhận mất vài trăm triệu đã đầu tư làm nội thất.
Cũng rao bán căn hộ chung cư gần 70 m2 với giá 2,8 tỉ đồng tại một dự án giáp đường Phạm Hùng (Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh Phạm Ngọc Tuấn (45 tuổi) cho biết, giá rao bán như vậy đã giảm vài trăm triệu so với hồi đầu năm 2020. Anh Tuấn tốn gần 3,5 tỉ đồng mua và hoàn thiện nhưng nay cần tiền trang trải làm ăn nên đành bấm bụng bán cắt lỗ.
Những căn hộ rao bán với giá cắt lỗ tập trung nhiều ở các chung cư thuộc Q.Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên (Hà Nội)… Đây đều là những địa bàn tập trung nhiều dự án nhà chung cư phân khúc trung, cao cấp trong vài năm gần đây.
Theo khảo sát, tuy là rao bán cắt lỗ nhưng mức cắt lỗ khá nhẹ nhàng, đa phần chỉ chấp nhận mất phần tiền đã bỏ ra làm nội thất.
Anh Nguyễn Minh Tiến (40 tuổi), đang ở nhà tập thể tại khu Thanh Xuân Bắc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội), kể anh vốn không có ý định đổi nhà nhưng thấy nhiều người rao bán lại đã mạnh dạn chốt mua căn hộ hơn 100 m2 của một người bán lại tại dự án 47 Nguyễn Tuân (Q.Thanh Xuân).
Theo anh Tiến, vợ chồng chủ nhà mua căn hộ để đầu tư cho thuê, nhưng không hiệu quả. Dù đã cố chịu một năm nhưng cuối cùng vẫn phải bán đi vì tính toán thấy không có lãi sau khi trừ hết chi phí vận hành, lãi ngân hàng… Hiện, vợ chồng anh Tiến đang chuẩn bị sửa sang lại căn hộ để dọn đến ở.
Chị Trần Thu Thảo (28 tuổi), làm nghề môi giới bất động sản, chia sẻ hơn một năm qua, thị trường ít có dự án mới, các sàn tranh nhau xâu xé bán. Nhận thấy nhu cầu ở thực trong nội đô cao, lại có nhiều người muốn bán lại căn hộ chung cư nên chuyển hướng môi giới và có thu nhập khá tốt.
Chị Thảo kể, 3 tháng cuối năm 2020, tháng nào cũng môi giới thành công 5 - 8 căn hộ chung cư do chủ nhà bán lại. Mới ra tết, do khởi động sớm nên cũng đã chốt được 2 căn, chủ yếu là các căn hộ chung cư ở phân khúc trung, cao cấp, có giá từ 2,5 - 6 tỉ đồng. Nhóm môi giới của chị Thảo cũng có khá nhiều thành viên "làm ăn khá khẩm" khi chuyển sang môi giới căn hộ chung cư bán tại thị trường thứ cấp ở Hà Nội.

Người mua nhà để ở dễ "chốt" hơn

“Từ nhiều tháng nay, căn hộ chung cư bán lại ở thị trường thứ cấp là một trong những nguồn quan trọng duy trì hoạt động kinh doanh của sàn. Thị trường rất ít dự án ra được hàng mới, sức cạnh tranh càng cao. Ngoài việc cắt giảm nhân sự, giảm lương nhân viên, không ít sàn nhắm đến hàng ở thị trường thứ cấp để duy trì qua giai đoạn khó khăn. Bán hàng thứ cấp vất vả, bấp bênh hơn nhưng thời điểm khó khăn, anh em môi giới cũng không ngại khổ”, anh Nguyễn Việt Hưng, chủ sàn giao dịch bất động sản Việt Hưng ở Q.Long Biên, chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết thị trường bất động sản đang ở giai đoạn khó khăn vì siết cơ chế chính sách, tín dụng và ảnh hưởng một phần của dịch bệnh. Do vậy, một số nhà đầu tư không trường vốn hoặc dùng đòn bẩy tài chính sẽ buộc phải nhả hàng ra. Bên cạnh đó, dịch bệnh kéo dài nên nhiều người mua nhà theo dạng đầu tư để bán hoặc cho thuê sẽ gặp khó khăn, buộc phải bán ra để cắt lỗ, bảo toàn vốn dẫn đến thị trường thứ cấp nhà chung cư thời gian qua có lượng hàng, lượng giao dịch tăng lên.
Về nguyên nhân sâu xa hơn, theo ông Đính, do thị trường phát triển không cân đối, nhà ở bình dân thiếu trầm trọng, còn lượng hàng ở phân khúc trung, cao cấp thừa nhiều trong thời gian dài, giới đầu tư ôm hàng chung cư lâu sẽ dễ mất giá, sốt ruột muốn bán để giữ an toàn dòng vốn.
Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ không kéo dài. Khi dịch bệnh thực sự được kiểm soát, xã hội trở lại guồng phát triển bình thường, nhiều khả năng sẽ thoái trào. Cũng theo ông Đính, đối với nhu cầu ở thực, người mua căn hộ ở Hà Nội sẽ dễ dàng chốt mua hơn thời gian trước rất nhiều.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nêu ý kiến, hiện tượng bán cắt lỗ căn hộ chung cư ở Hà Nội là điều thường thấy của thị trường, đấy là khả năng tự điều chỉnh nhất thời. Cơ quan nhà nước vẫn đang và sẽ tiếp tục theo dõi hiện tượng này để nắm bắt, kịp thời có chính sách phù hợp nếu cần.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.