Rô bốt phi công ALIAS

19/11/2016 17:47 GMT+7

Trong bối cảnh không quân Mỹ thiếu hụt phi công thiện nghệ, Lầu Năm Góc đang tìm cách chế tạo phi công phụ lái dưới dạng rô bốt, một phiên bản trên không của xe tự hành.

Máy móc sẽ không bao giờ mệt mỏi, chán nản, bị stress hoặc phân tâm như con người. Đó là lý do Cơ quan Các dự án nghiên cứu quốc phòng hiện đại (DARPA), đơn vị của Lầu Năm Góc chuyên trách về mảng các công nghệ mới, đang đầu tư vào dự án chế tạo hệ thống lái bổ sung có thể tích hợp vào bất cứ dòng máy bay nào hiện có, thậm chí cả các đời máy bay cổ xuất hiện vào thập niên 1950, trước thời đại kỹ nghệ điện tử.
Phi công phụ “thiên tài”
Do nhà thầu Aurora Flight Sciences triển khai, giới chức Mỹ đang nghĩ đến viễn cảnh tận dụng sức mạnh công nghệ và máy móc để cung cấp phi công đáng tin cậy cho cả lĩnh vực quân sự lẫn dân sự, đặc biệt trong các hoàn cảnh khẩn cấp và áp lực cao. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Aurora, John Langford muốn tăng cường sự phối hợp giữa người và các cỗ máy, theo hướng tận dụng những ưu điểm của đôi bên. Ông Langford thậm chí còn nghĩ đến thời điểm chỉ cần một phi công trên mặt đất cũng đủ điều khiển vài chiếc máy bay trên không, và con người sẽ di chuyển mỗi ngày trên các máy bay tự lái.
Các máy tính hỗ trợ trên máy bay không phải là sự kiện mới. Trong các hãng hàng không hiện nay, chế độ tự lái hầu như được bật suốt thời gian máy bay trên không. Phi công thường chỉ can thiệp trong lúc cất cánh và đáp. Thậm chí, những thời điểm then chốt nhất của chuyến bay cũng được giao cho máy móc. Tuy nhiên, chương trình mang tên ALIAS đang tiến thêm một bước xa hơn nữa. Ví dụ, một loạt các camera cho phép rô bốt thấy được mọi thiết bị trong buồng phi công và đọc các thông số. ALIAS có thể nhận ra các công tắc đang ở vị trí bật hay tắt, và có thể điều chỉnh lại cho phù hợp. Và nó không những học hỏi kinh nghiệm lái máy bay mà còn từ mọi lịch sử hoạt động của dòng máy bay cụ thể.
Thao tác như người
Rô bốt ALIAS “có thể làm mọi thứ như người” trừ động tác nhìn qua cửa sổ, theo Giám đốc Langford. Hơn thế nữa, rô bốt còn phản ứng nhanh hơn và lập tức triển khai mọi hành động cần thiết khi đối mặt một tình huống khẩn cấp. Theo một khía cạnh nào đó, phi công giống như nhận được sự hỗ trợ của một phi công phụ “thiên tài”, như đánh giá của ông Langford. “Rô bốt mang theo “ADN” của từng giờ bay được lưu lại trên cơ sở dữ liệu của hệ thống, mọi tai nạn mà dòng máy bay đó từng gặp phải”, theo ông này. Lái máy bay với rô bốt cũng giống như đang hợp tác với phi công có đến 600.000 giờ kinh nghiệm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng phải mất nhiều năm nữa trước khi công nghệ kiểu ALIAS thực sự thay thế con người, vì có những trường hợp máy móc không thể nhanh trí như các phi công bằng xương thịt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.