Rộ tin Mỹ lên kế hoạch mua đảo Greenland

Bảo Vinh
Bảo Vinh
17/08/2019 07:30 GMT+7

Tổng thống Donald Trump được cho là muốn mua Greenland để ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ lãnh đạo của mình như cách Mỹ từng mua Alaska từ Nga.

Tờ The Wall Street Journal ngày 16.8 loan tin Tổng thống Donald Trump đang có ý định mua hòn đảo Greeenland từ Đan Mạch để mở rộng lãnh thổ Mỹ và đã nhắc đến khả năng này trong nhiều cuộc gặp với giới chức Nhà Trắng lẫn quốc hội. Greenland là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2,1 triệu km2 nhưng hơn 80% bị băng đá bao phủ và dân số chỉ khoảng 56.000 người. Dù nằm ở phía đông bắc Canada và lân cận lục địa Bắc Mỹ nhưng Greenland hiện là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Chính quyền đảo này được tự quyết hầu hết các vấn đề đối nội nhưng phụ thuộc vào Đan Mạch về đối ngoại, quốc phòng và vẫn nhận nguồn viện trợ lớn hằng năm từ Copenhagen.

[VIDEO] Tổng thống Trump gây sốc vì "tìm cách mua Greenland"

Theo nguồn tin của The Wall Street Journal, Tổng thống Trump đã hỏi các cố vấn về khả năng thành công nếu dạm mua Greenland và chăm chú lắng nghe khi được báo cáo về nguồn tài nguyên cực lớn (uranium, dầu mỏ, vàng, kim cương...) cũng như vị trí địa chiến lược của hòn đảo băng giá này. Trước đó, một trong các cộng sự đã đề xuất cân nhắc khả năng mua lại Greenland vì Đan Mạch đang gặp khó khăn tài chính khi phải viện trợ hàng trăm triệu USD cho vùng lãnh thổ này mỗi năm. “Các vị nghĩ sao về việc đó? Liệu nó có khả thi?” hiện là câu hỏi thường xuyên của chủ nhân Nhà Trắng.
Một số chuyên gia tỏ ra nghi ngờ tính nghiêm túc của kế hoạch và cho rằng đây chỉ là ý tưởng thoáng qua vì Tổng thống Trump chưa từng chính thức đề cập trong các cuộc vận động tranh cử gần đây. Ngược lại, cũng có nhiều ý kiến ủng hộ vì tiềm năng kinh tế khổng lồ, cơ hội mở mang lãnh thổ cũng như có thể trở thành dấu ấn chính trị để đời của Tổng thống Trump, tương tự như việc Mỹ có được Alaska. Vùng đất này do chính quyền Tổng thống Andrew Johnson mua từ Đế quốc Nga vào năm 1867 và đến năm 1959 được Tổng thống Dwight Eisenhower công nhận là tiểu bang thứ 49 của Mỹ.
Giới chức Mỹ lâu nay coi Greenland là một phần quan trọng trong lợi ích an ninh quốc gia vì vị trí chiến lược, là nơi đặt căn cứ không quân Thule với khoảng 600 quân nhân. Được xây dựng từ năm 1951, đây là căn cứ quan trọng của quân đội Mỹ, giúp phát hiện tên lửa đạn đạo liên lục địa hướng về khu vực Bắc Mỹ. Mặt khác, tình trạng biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh, mở ra những tuyến giao thông hàng hải mới, cũng như làm “rã đông” nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản chưa được khai phá tại Bắc Băng Dương. Điều này dẫn đến nhiều nước gia tăng hiện diện về kinh tế, quân sự tại khu vực. Chính phủ Mỹ từng cản trở kế hoạch hiện diện của Trung Quốc tại Greenland khi ngăn chặn thành công nguồn đầu tư tài chính từ Bắc Kinh vào 3 sân bay trên hòn đảo vào năm 2018, theo The Wall Street Journal.
Tổng thống Trump được cho là đã chỉ thị đội ngũ xem xét khía cạnh pháp lý và quy trình để mua một hòn đảo có cả chính quyền lẫn dân cư, cũng như lấy kinh phí từ đâu, theo tờ The Washington Post. Đến nay, cả Nhà Trắng, chính phủ Đan Mạch cũng như Greenland chưa bình luận gì về những thông tin nói trên. Tổng thống Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Đan Mạch vào tháng 9 và không loại trừ khả năng vấn đề này sẽ được đề cập.
Hai lần muốn mua
Tổng thống Donald Trump không phải là lãnh đạo Mỹ đầu tiên để ý đến Greenland. Ngoài thương vụ mua Alaska năm 1867, Bộ Ngoại giao Mỹ thời điểm đó còn nghiên cứu khả năng dạm mua luôn cả Greenland và Iceland, theo The Wall Street Journal. Sau Thế chiến 2, chính quyền Tổng thống Harry Truman rất quan tâm đến lợi ích địa chính trị tại Greenland và hỏi mua vào năm 1946 với mức giá 100 triệu USD nhưng bị Đan Mạch từ chối.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.