'Robinson' trên đảo Đông Bắc: Đài quan sát núi đá

21/09/2022 08:15 GMT+7

Trên đảo đá Long Châu có 2 ngôi nhà. Phía đông nam là trạm hải đăng. Cách đó khoảng 1 km, tít đầu phía tây bắc là đài quan sát Long Châu (thuộc Đồn biên phòng Cát Bà).

Đuổi tàu cá Trung Quốc

Thượng tá Vũ Văn Chài hiện đang nghỉ hưu tại P.Cát Bi, Q.Hải An (TP.Hải Phòng) vẫn nhớ đầu năm 1989, tốt nghiệp Trường sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Học viện Biên phòng), về nhận nhiệm vụ tại Đồn biên phòng Cát Bà và được điều động ra làm Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Long Châu, thay ông Nguyễn Duy Hùng.

Những năm 1980, Cát Bà vẫn chỉ là quần đảo xa xôi, đi lại khó khăn, người dân nghèo xơ xác, nên việc ra công tác tại Cát Bà là nỗi ám ảnh của rất nhiều người. Từ Cát Bà, ra tiếp đảo Long Châu biệt lập, xám xịt đá tai mèo nhọn hoắt, thiếu thốn đủ thứ…, không phải ai cũng yên tâm công tác. Chính vậy, quân số đưa ra đảo Long Châu được chỉ huy Đồn biên phòng Cát Bà chọn lựa rất kỹ: sĩ quan trẻ, nhiệt huyết; chiến sĩ thì chọn số lớn tuổi, có kinh nghiệm, chịu khó chịu khổ và dễ thích ứng.

Xuồng cao tốc của Đồn biên phòng Cát Bà tăng cường tuần tra kiểm soát tại quần đảo Long Châu

“Hồi tôi ra, cơ man tàu Trung Quốc vào đánh bắt trái phép. Chúng nhan nhản quanh Long Châu, có khi vào tận cửa Cát Bà, cách bờ vài ki lô mét”, nguyên trạm trưởng Vũ Văn Chài nhớ vậy và kể: “Tàu Trung Quốc nhiều và to, mình thì không có phương tiện, nên chỉ có cách xây dựng cơ sở, lấy nguồn tin của người dân để nắm diễn biến các hoạt động trên biển”.

Đầu tháng 4.1990, nhiều ngư dân bức xúc với ông Chài về tình trạng tàu Trung Quốc vào đánh bắt trái phép, chèn ép các thuyền nhỏ của ta làm nghề câu - lưới trên ngư trường quen thuộc. Chiều 15.5.1990, phát hiện 6 tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép ở phía tây bắc Long Châu, ông Chài dẫn chiến sĩ Nguyễn Văn Quân, Trần Thọ Thành huy động 1 thuyền dân để làm nhiệm vụ. Chọn chiếc đang kéo lưới, tổ công tác ra tín hiệu yêu cầu kiểm tra. Thấy bộ đội đảo lần đầu tiên ra chặn bắt, các tàu cá Trung Quốc nổ máy tháo chạy, buộc ông Chài phải bắn cảnh cáo và sau đó đưa tàu vi phạm vào đảo, chờ cấp trên ra xử lý.

“Sau đó, anh em trạm chúng tôi có bắt một số vụ nữa. Do tàu Trung Quốc lớn, chạy nhanh nên chỉ có cách hóa trang thành ngư dân, tiếp cận gần và khống chế, bắt giữ các phương tiện vi phạm. Hồi ấy, rất may là có anh Dũng, ngư dân Quảng Ngãi, nguyên là bộ đội hải quân nghỉ hưu, rất giỏi tiếng Trung, giúp đỡ việc phiên dịch, nên việc bắt giữ, xua đuổi rất thuận lợi”, thượng tá Vũ Văn Chài kể rành mạch và cười: “Nhờ dân hết”.

Cán bộ, chiến sĩ đài quan sát Long Châu theo dõi mục tiêu trên biển

“Trường Sa của vịnh bắc bộ”

Giờ thì Trạm kiểm soát biên phòng Long Châu đã thành đài quan sát, thuộc Đồn biên phòng Cát Bà (Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.Hải Phòng).

Thiếu tá - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Ngọc Tân (41 tuổi, quê ở H.Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) đã có 5 năm gắn bó với Long Châu, Cát Bà. Hôm rồi, biết cấp trên định điều về đồn cửa khẩu cảng Hải Phòng, anh Tân nhất quyết xin ở lại Long Châu, khiến nhiều người ngạc nhiên: “Về chỗ sướng không muốn, lại cứ thích ở lại chỗ hiu hắt, cái gì cũng thiếu thốn”.

Anh Tân chỉ cười: “Khổ quen rồi, sướng không chịu được”. Nói về cái sự khổ, đài quan sát thiếu nhất là nước ngọt. Hôm chúng tôi đến, đếm cả thảy được 7 cái téc nước đủ chủng loại màu sắc, do bộ đội tự đi xin. Vào mùa khô, nước ngọt phải dùng hết sức tiết kiệm, có khi chỉ 1 xô/ngày cho 1 người, tắm nước biển, tráng nước ngọt và nước ấy dùng để giặt quần áo, tưới rau. Điện thắp sáng trông vào dàn năng lượng mặt trời cũ rích, mùa nắng, ắc quy chỉ tích điện được vài tiếng, cấp thiết lắm mới chạy máy nổ.

Bộ đội đài quan sát Long Châu và công nhân trạm hải đăng dọn rác thải từ biển dạt vào đảo Long Châu

Đảo Long Châu có một vịnh biển núi đá bao quanh, là nơi trú ẩn cho tàu thuyền khi bão gió và một số tàu bè thu mua hải sản trên biển. Do cửa ra vào vịnh nhỏ, đá hai bên cao vút, đêm tối tàu thuyền khó định hướng, nên trung tá Nguyễn Thế Cừ (Đồn trưởng Đồn biên phòng Cát Bà) cùng với anh em vận động tài trợ được ít tiền, mua cột sắt và hệ thống đèn năng lượng mặt trời loại nhỏ, đặt hai bên vách đá, đêm xuống sáng bừng, định hướng cho phương tiện ra vào vịnh. Mấy hôm chúng tôi ở Long Châu, cứ thấy thiếu tá Nguyễn Ngọc Tân và binh nhất Vũ Kim Hiếu lọ mọ cưa đục. Hỏi ra mới biết anh em đang chuẩn bị dựng thêm mấy cột đèn năng lượng mặt trời dọc đường đi và quanh vịnh cho “bà con sáng sủa, đỡ buồn”.

Người thân của ngư dân

Từ cảng Bến Bèo (TT.Cát Bà, H.Cát Hải) ra đảo Long Châu khoảng gần 20 km. Cứ 2 tuần, thiếu tá Tân lại nhờ tàu cá mua lương thực, thực phẩm, dùng dần. Mùa mưa bão, cơ số dự trữ lên đến cả tháng, chủ yếu là gạo, muối, mì tôm, cá khô, đồ hộp… Ở đảo liu hiu vài người thì rất nhớ nhà. Nhưng về nhà thì cứ phấp phỏng lo ngoài đảo có chuyện, khiến vợ của anh Tân có lần phải quát: “Anh đừng về nữa. Ở nhà mà cứ gọi ra Long Châu”.

Bộ đội Đồn biên phòng Cát Bà tuần tra kiểm soát trên đảo Long Châu

ĐỘC LẬP

Hôm ở Long Châu, chúng tôi xuống thăm thuyền thu mua hải sản của anh Nguyễn Văn Dũng. Nói chuyện về đảo, anh Dũng bảo: “Bộ đội ngoài này lo cho dân nhiều lắm”, và liệt kê: Xin tài trợ được 14 cột đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng đảo; vận động cải tạo, sửa chữa lại đền thờ nhỏ cạnh vịnh; dọn rác, làm sạch biển… Thậm chí ngày lễ tết, cũng bộ đội hô hào các thuyền đang neo cùng liên hoan, nhà nào có món gì góp món nấy. Ngày quốc tế Phụ nữ, Thiếu nhi cũng bộ đội và công nhân hải đăng hái hoa dại, chèo thuyền đến tặng các chị em và túi bánh, gói kẹo cho bọn trẻ con…

Chúng tôi rời Long Châu lúc buổi chiều, chợt nghe rộn rã tiếng loa phóng thanh từ đài quan sát. Mấy ngư dân bảo: “Các chú biên phòng mở đài sáng chiều. Ra ngoài đây mà biết hết tin tứcthời tiết mỗi ngày”. Nhìn lên, vẫn thấy 2 bóng quân phục của thiếu tá Nguyễn Ngọc Tân và binh nhất Vũ Kim Hiếu xanh thẫm, nổi bật giữa núi đá xám xịt, dõi theo xuồng. Nửa năm rồi, anh em chưa được về bờ…

(còn tiếp)

“Sau khi chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra (tháng 2.1979), Bộ Quốc phòng đã bố trí phòng thủ trên đảo đá Long Châu. Đầu năm 1982, công binh đã nổ mìn phá đá, xây dựng hầm hào công sự, doanh trại ở phía tây đảo Long Châu. Đóng chốt đầu tiên là Trạm kiểm soát biên phòng Long Châu, thuộc Đồn biên phòng Cát Bà. Đồn không có phương tiện tiếp tế, nên mọi đồ ăn thức uống chủ yếu nhờ ngư dân. Bà con ra đánh bắt, lên làm thủ tục, thường xách cho rau củ, nước ngọt, thịt cá, gạo mì. Trạm có một cái bể, nhưng dùng vài năm thì bị nứt, vào mùa khô, phải thay nhau sang trạm hải đăng xin nước ngọt”

(Ông Lê Hữu Luyến, nguyên Trạm trưởng kiểm soát biên phòng đầu tiên ở Long Châu)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.