Robot nông nghiệp của 3 chị em

20/08/2017 15:06 GMT+7

3 chị em là Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM; Nguyễn Thị Bích Vân, cựu học sinh Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng và Nguyễn Công Minh, học sinh lớp 11 Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng đã nghiên cứu và phát triển dự án Gardenbot - Robot nông nghiệp.

Giảm 80% sức người
Robot nông nghiệp là hệ thống máy móc giúp con người giảm thiểu sức lao động và chăm sóc cây trồng. “Robot sẽ theo dõi hoạt động của khu vực cây trồng, từ đó đưa ra các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng riêng biệt, đặt lịch hoạt động và điều khiển từ xa thông qua internet, bluetooth từ điện thoại, máy tính. Bên cạnh đó, robot sẽ chăm sóc cây trồng tự động như tưới nước, bón phân… tự động khởi động hay tắt hệ thống”, Minh chia sẻ.
Minh cặn kẽ giải thích: “Ví dụ như với việc tưới phân cho cây trồng, máy sẽ tưới theo hàm lượng tùy loại đối với từng vùng cây trồng. Các thông số về lượng phân bón sẽ được thiết lập sẵn, và theo định kỳ phân bón sẽ được hòa tan trong nước và tưới đến từng phân vùng cây trồng. Với chức năng theo dõi và biết được các chỉ số như nhiệt độ, độ ẩm… sẽ giúp hệ thống tự động phân bổ và tưới phân, tưới nước cũng như các chế độ chăm sóc khác sao cho phù hợp”.
Robot nông nghiệp của 3 chị em1
Chiếc máy Gardenbot Ảnh: NVCC
Để điều khiển hệ thống, Minh sử dụng board mạch phát triển Raspberry, có thể xử lý dữ liệu ngang với một máy tính bình thường, đủ để quản lý một khu vườn có diện tích khoảng 1.000 m2. Nếu diện tích lớn hơn có thể chia làm nhiều khu vực, mỗi khu vực sẽ có bộ quản lý riêng.
Sản phẩm robot nông nghiệp đã giành được giải ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng; giải khuyến khích cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; giải khuyến khích Tin học trẻ toàn quốc năm 2017, giải nhì Sáng tạo thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng 2017. Hiện tại, sản phẩm đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel và chuẩn bị tranh tài vào ngày 26.8 tại TP.HCM.
Mỗi sản phẩm Gardenbot bao gồm 3 khối chính là khối điều khiển, khối cảm biến và khối kết nối. Khối cảm biến bao gồm cảm biến mưa, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến khoảng cách và cảm biến độ ẩm đất.
“Sản phẩm giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm đến 80% công sức phải bỏ ra, từ đó giảm giá thành nông sản, đồng thời giúp thực phẩm an toàn hơn. Sản phẩm này có thể ứng dụng cả với rau trồng tự nhiên ngoài trời và trong nhà kính, cả những ban công nhỏ được tận dụng trồng rau ở thành phố”, Trang cho biết.
Sáng tạo để làm chủ công nghệ
Về lý do thực hiện dự án này, Trang chia sẻ: “Với mong muốn giúp người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác để xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, và hơn hết là làm chủ được công nghệ, giảm chi phí để mọi nông dân đều có thể tiếp cận và ứng dụng, chúng em đã nảy ra ý tưởng thực hiện dự án này”.
“Là những người trẻ, chúng em mong muốn sẽ đóng góp một phần công sức để giúp nhiều người biết đến tầm quan trọng của việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, từ đó tin tưởng và nhận thấy sự cần thiết của việc có một hệ thống máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như sản phẩm robot của nhóm”, Trang tâm nguyện.
Với những tính năng vượt trội của sản phẩm, hiện tại 3 chị em cùng nhau phát triển dự án bằng cách ứng dụng sản phẩm vào các khu vườn của gia đình. Ngoài ra, họ cũng đưa sản phẩm tham gia các cuộc thi khởi nghiệp để kiếm nguồn kinh phí phát triển dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.