Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, “thị trường chủ yếu là nhạc pop, rap - hip hop, bolero, mấy năm qua đã được khai thác hết rồi. Jazz hay classic chắc chắn là không thể, vì hai thể loại này quá kén khán giả và phải cần những khán phòng tinh tế. Chỉ còn rock là dư thừa năng lượng và sự náo nhiệt, cùng những thông điệp cộng đồng có thể lôi kéo khán giả”.
Khán giả máu lửa không kém khi “quẩy” hơn 8 tiếng cùng RockFest |
R.F |
Năng lượng tích cực
Tuy kết thúc hôm 12.3 nhưng đến nay những cảm xúc, những khoảnh khắc đẹp, những điều đọng lại từ RockFest 2022 (quy tụ 13 ban nhạc/nghệ sĩ nhạc rock) vẫn được các rocker và rock fan chia sẻ cảm xúc, truyền tải cùng những clip biểu diễn đầy sôi nổi, “máu lửa” trên các mạng xã hội: “Đứng ở dưới thấy có rất nhiều người bay từ xa xôi về, có những người đứng đợi nhiều tiếng đồng hồ chỉ để được thấy và nghe Unlimited diễn, có chú già rồi đứng nhảy, đứng quẩy với các bạn trẻ khi band xuất hiện mà lòng cũng xúc động theo”; “Unlimited, AnNam band, Dzung, Võ Trọng Phúc, The Flob, Raditori, Bumblebee, Nòw, District 105, Whee, Đá Số Tới, MAY, Poseidose đã cống hiến hết mình cho chúng ta có một sân khấu rock thật khó quên”…
Dù sao đi nữa, rock sẽ mang lại những thông điệp mạnh mẽ cùng nguồn năng lượng dồi dào cho xã hội đang thấm mệt sau nhiều biến cố dịch bệnh và tình hình thế giới khá u ám.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh
Trong khi đó trên truyền hình, sau hành trình tranh tài từ hơn 2 tháng qua của hơn 20 ban nhạc rock, Rock Việt đã bước vào chung kết 1 (tối 18.3 trên HTV7) với 7 ban nhạc xuất sắc: Metanoia, Brainwave và Gấp Gấp từ đội Đại bàng trắng của huấn luyện viên Phạm Anh Khoa và Trần Tuấn Hùng - thủ lĩnh Bức Tường, Poseidose và Whee! từ đội Phượng hoàng lửa của Siu Black và Đinh Tuấn Khanh - ban nhạc Microwave. Đội Mãnh hổ gầm của Phương Thanh và Đỗ Hoàng Hiệp - thủ lĩnh ban nhạc Ngũ Cung có 2 đại diện: Bumblebee và Mèow Lạc. Dù rock khi lên truyền hình ít nhiều bị giới hạn, như nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nói: “Chẳng khác nào chú hổ bị nhốt trong lồng, và tiếng gầm của nó bị phai nhạt đi ít nhiều khi qua âm thanh chiếc ti vi”; nhưng theo anh “điều tích cực là dù sao đi nữa, rock sẽ mang lại những thông điệp mạnh mẽ cùng nguồn năng lượng dồi dào cho xã hội đang thấm mệt sau nhiều biến cố dịch bệnh và tình hình thế giới khá u ám”.
Ca sĩ hát rock và rocker dẫn dắt những ban nhạc tranh tài tại Rock Việt |
N.S.X |
Cởi mở, trẻ trung, khoáng đạt
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh cho rằng, rock là thể loại mà khi sáng tác, người nghệ sĩ sẽ phải đối diện với những áp lực lớn hơn những thể loại khác. “Người nghe nhạc hay yêu rock hẳn vẫn nhớ We are the champions của Queen, Dark side of the moon của Pink Floyd, hay Wind of Change, Still loving you của Scorpions - toàn những thông điệp mang tính triết lý và nhân văn cao. Khi bạn đặt bút viết rock là đang thai nghén một thông điệp gửi tới hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt dưới kia. Lúc đó, sân khấu như là thánh đường của bạn, nên bạn không thể gào thét dữ tợn hay khắc khoải và suy tư nhưng với một thông điệp ngớ ngẩn và rỗng tuếch”, anh nói.
Viết Thanh - Unlimited cùng các rocker cháy hết mình cùng RockFest |
R.F |
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, nhạc sĩ Phạm Hải Âu (Giám đốc âm nhạc của Rock Việt và RockFest 2022) chia sẻ: “Nhạc rock của hơn chục năm trước so với bây giờ khác nhiều. Nhạc rock "hồi đó" là thứ gì đó xù xì và bảo thủ, nội tâm và khép mình nhưng chắt lọc và tình cảm. Rock của ngày nay cởi mở hơn, pha trộn nhiều thể loại với nhau, màu sắc, trẻ trung và khoáng đạt. Không thể nói thời nào hay hơn vì mỗi thời đại đều có những cá nhân, những ban nhạc kiệt xuất và nghệ sĩ nào mang hết tâm can của mình một cách chân thành vào trong tác phẩm là nghệ sĩ được trân trọng”. Với khán giả ngày nay, theo anh, một phần họ chỉ cần sự mới mẻ, tiệm cận với thế giới quan hiện tại, sự hào nhoáng bề ngoài, đôi khi chỉ tìm tới nhạc rock để giải trí. Không chỉ vậy, yếu tố thời đại 4.0 cũng không thể bỏ qua khi nhận định về thói quen nghe nhạc cũng như sự "chung thủy" với tính thể loại vì ngày nay, chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn hấp dẫn khác nhau.
Giai đoạn hoàng kim của nhạc rock Việt đã qua rồi, không ai có thể phủ nhận điều này. “Nhưng với khát khao đưa nhạc rock Việt bước lên một tầm khác, hơn cả giai đoạn hoàng kim nữa, tôi đã cùng nghĩ ra format Rock Việt, cùng sáng lập RockFest 2022, vượt qua bao khó khăn về dịch, giấy phép, tài chính để thực hiện một chương trình mà đúng một năm sau từ ngày bán vé mới có thể diễn ra. Nói vậy để thấy, trên hết, tôi thật sự muốn kết nối một cộng đồng rock mà ở đó mỗi cá nhân nghệ sĩ tham gia đều mang tính xây dựng vì cái chung, dù điều đó không dễ”, nhạc sĩ Phạm Hải Âu bày tỏ. Là người nghe rock, chơi rock suốt thời niên thiếu ở Đà Lạt cho tới khi xuống TP.HCM học tập và làm việc đến nay, Hải Âu nhìn nhận, làm nhạc rock ở VN là rất khó, để sống và giàu bằng nhạc rock là gần như không thể. Nhưng anh vẫn tin điều đó sẽ có thể, nếu mình gặp được ngày càng nhiều những người cùng một tinh thần xây dựng nhạc rock Việt thành một giá trị, một tượng đài đúng nghĩa. Với nhạc sĩ Hải Âu, từ RockFest 2022, anh cũng muốn “tạo nên văn hóa nghe nhạc rock của rock fan. Khi đến với RockFest, họ không chỉ được nghe nhạc mà còn thưởng thức món ăn, nước uống, nhạc cụ… và xem những màn pháo hoa hoành tráng. Văn hóa ở đây là sự kết hợp giữa yếu tố nghe, nhìn và thưởng thức vị giác; bên cạnh đó cũng sẽ là nơi tất cả mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu mà xa hơn là khi du lịch quốc tế mở lại, người nước ngoài có thể sẽ đến VN là vì RockFest”.
Bình luận (0)