Thế nhưng tới thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bán lẻ (DN) đề nghị được lùi thời gian hoàn tất gắn thiết bị qua sau Tết Nguyên đán hoặc hết quý 1 năm nay. Nếu cơ quan thuế không đồng ý, họ xin tạm dừng hoạt động cho đến khi lắp đặt xong. Vì sao nên nỗi?.
Vừa đầu tư vừa hồi hộp
Ông Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty CP phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), cho biết hiện nay đang có 2 xu hướng: DN xin hoãn đầu tư thiết bị vì có quá nhiều nhà cung cấp thiết bị, không biết chọn ai. Thứ hai là xin hoãn đầu tư vì chưa có tiền. Nếu không được, xin tạm đóng cửa kinh doanh một thời gian, chờ có tiền, có hướng dẫn sẽ thực hiện. "Về nguyên tắc, nếu không đáp ứng các quy định, không xin ngưng thì cơ quan quản lý cũng buộc phải ngưng", ông Dũng nói.
Trong thực tế, các cửa hàng xăng dầu của Công ty APP vẫn đang thực hiện xuất hóa đơn bán lẻ điện tử như cách Petrolimex đang làm. Đó là cấp ngay khi khách hàng có nhu cầu và khách hàng không có nhu cầu, sẽ xuất hóa đơn sau 30 phút - 1 tiếng theo hóa đơn bán lẻ gộp. Ông nói: "Sau thời gian tìm hiểu, chúng tôi chọn nhà cung cấp và lắp đặt hạ tầng, thiết bị hóa đơn điện tử cho các cửa hàng bán lẻ. Nhưng tất cả đều thực hiện theo cảm tính, "mò mẫm", chưa biết cơ quan thuế có chấp nhận phần mềm đó hay không và cũng không có đơn vị nào nói phần mềm này hợp lệ, phần mềm kia không hợp lệ…".
Còn Doanh nghiệp tư nhân Trần Nguyễn (Cà Mau) thì trả lời thẳng với đại diện Chi cục Thuế khu vực 3 (Cục Thuế Cà Mau), hiện tại DN không đủ nhân sự để triển khai thực hiện; chưa có khả năng tài chính để đầu tư. Lý do là thù lao bán hàng hiện rất thấp, chi phí và nhiều khoản chi quá, khiến DN kinh doanh không có hiệu quả và khó thực hiện đầu tư ngay các thiết bị, giải pháp kết nối dữ liệu để xuất hóa đơn điện tử bán lẻ từng lần theo quy định. DN này có 2 cửa hàng kinh doanh với 7 trụ bơm xăng dầu đặt tại địa phương.
Tương tự, trong biên bản làm việc giữa Đội kiểm tra thuế H.Di Linh (Lâm Đồng) với chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Thùy Chi ngày 12.1 vừa qua, đại diện phía DN này đề xuất thực hiện hóa đơn điện tử từng lần khi đảm bảo các điều kiện. Cụ thể, Tổng cục Thuế cần ban hành quy trình tiêu chuẩn xuất hóa đơn điện tử từng lần đối với xăng dầu; chi phí hóa đơn điện tử phải kéo giảm dưới 50 đồng/hóa đơn. Song song đó, Bộ KH-CN và Tổng cục Thuế phải thống nhất các tiêu chuẩn thiết bị cho phép thực hiện hóa đơn điện tử từng lần. Hiện tại chưa có hướng dẫn giữa Bộ KH-CN và Bộ Tài chính về kết nối; chưa có giải pháp hỗ trợ DN xăng dầu triển khai các giải pháp và kết nối trực tiếp đến cơ quan thuế để giảm tối đa chi phí. Cần có lộ trình để DN thực hiện đầu tư…
Chưa có hướng dẫn, làm không đúng ai chịu ?
Giải thích rõ hơn, ông Hoàng Trung Dũng nói: Việc triển khai hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán tại cửa hàng xăng đang thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể từ Bộ Tài chính. Vì vậy, DN lo lắng nhất là lắp thiết bị phần mềm rồi, cơ quan thuế đến kiểm tra bảo không đúng, không kết nối được, phải bỏ thì quá tốn kém. Thứ hai, thiết bị cột bơm phải kết nối với cơ quan thuế, bảo đảm bảo về môi trường, nhưng mẫu thiết bị này chưa có, chưa duyệt bảo đảm tương thích với tiêu chuẩn của Bộ KH-CN đưa ra.
"DN đang khó khăn, đầu tư được thiết bị đầu số đọc để kết nối là cả một vấn đề. DN nhỏ còn chưa làm được. Làm không đúng, đầu tư lại thì không chịu nổi. Trước đó, năm 2018 - 2019, ngành thuế từng yêu cầu gắn máy POS xuất hóa đơn tại cây xăng, nhưng vài ba tháng đã không ai kiểm tra, không sử dụng. Đến nay thì bỏ hoàn toàn rất lãng phí. Hiện tại, mỗi ngày DN xăng dầu tiếp cả chục nhà cung cấp giải pháp phần mềm, trước một "rừng" thông tin, không biết ai tốt ai xấu. Thế nên chỉ lo nhất là đầu tư mấy trăm triệu rồi bị bỏ thôi", ông Dũng nói thẳng và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần có hướng dẫn chi tiết để DN triển khai, áp dụng phần mềm nào kết nối được, có hiệu quả.
Ngoài ra, phần mềm cũng nên có tuổi thọ 5 - 7 năm mới đủ khấu trừ chi phí đầu tư của DN. Không nên đưa ra quy định, không có hướng dẫn, vài ba bữa yêu cầu bỏ, thay cái mới thì thiệt hại lớn về tiền của cho DN và xã hội.
Đồng quan điểm, ông Văn Tấn Phụng, Chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Đồng Nai, cho rằng việc buộc phải ngưng kinh doanh là chuyện "chẳng đặng đừng" mà không một ai mong muốn. Nhưng hiện nay có tình trạng nhà chào bán giải pháp phần mềm "mọc lên như nấm" tại địa phương. Mỗi ngày DN phải tiếp chuyện gần chục đại diện các đơn vị chào bán phần mềm và quả thật "đang rất lúng túng để quyết định chọn giải pháp của đơn vị nào".
Chưa kể theo ông Phụng, để lắp đặt và kết nối phần mềm mất khá nhiều thời gian, không phải kết nối là áp dụng được ngay. Lấy dẫn chứng với Công ty xăng dầu Tín Nghĩa, đơn vị có hệ thống bán lẻ lớn tại Đồng Nai, đã thực hiện kết nối và tập huấn cho nhân viên hệ thống… từ 2 - 3 tuần trước đến nay vẫn chưa xong.
"Giả sử các DN có tiền đồng loạt đầu tư, với hơn 400 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh, mất ít nhất 6 tháng mới xong. Bên viết phần mềm, kết nối cũng cho biết phải mất mấy tuần mới kết nối, tập huấn xong cho 1 đơn vị. Hiện tại họ đang làm không kịp vì nhân sự ít. Nắm rõ thực tế này, nhưng cán bộ thuế vẫn khuyến khích DN cứ làm, sai đến đâu sửa đến đó. Nhưng không thể làm thế được. Không có quy chuẩn, hướng dẫn, cam kết từ cơ quan quản lý, chúng tôi làm, mất đồng tiền phải làm lại, ai chịu", ông Văn Tấn Phụng chia sẻ và tiếp tục đề xuất có lộ trình cho đầu tư từ DN tư nhân lớn trước, nhỏ sau, DN vùng thành thị trước, nông thôn, miền núi làm sau.
Bình luận (0)